Doanh nghiệp, tiểu thương kiệt quệ, 'đắp chiếu' công cụ sản xuất kinh doanh
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, cùng với giãn cách xã hội đã và đang khiến không chỉ hàng trăm nghìn hộ tiểu thương và doanh nghiệp lớn nhỏ tại Hà Nội phải 'đắp chiếu' các công cụ, phương tiện sản xuất kinh doanh, mà còn khiến số đông người lao động xác xơ, kiệt quệ vì không có việc làm, thu nhập...
Do mọi hàng quán từ bán nước, ăn uống lưu động hay cửa hàng cố định trên các tuyến phố phải đóng cửa, nên trước và trong các cửa hàng, các loại tủ bày hàng, bàn ghế, đồ dùng, dụng cụ phục vụ kinh doanh... đều chất đống hoặc vứt chỏng chơ. Có nhà trùm bạt lên các đồ đạc này, thì bụi cũng đã phủ mờ các tấm bạt.
Đây là hình ảnh dễ gặp trong những ngày này, tại Hà Nội. Trên nhiều tuyến phố buôn bán sầm uất trước đây như Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), Chùa Bộc, Thái Hà (quận Đống Đa), Trần Nhân Tông, Phố Huế, Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), cửa hàng buôn bán đóng im ỉm, biển cho thuê cửa hàng chăng đỏ rực phố phường.
Thậm chí, nhiều phương tiện vận tải, từ xích lô, xe công nghệ, xe hợp đồng đến tàu đường sắt, máy bay cũng bất động, phủ bụi tại các bãi gửi xe, nhà ga, sân bay.
Vì vậy, các tiểu thương, doanh nghiệp, người lao động hơn lúc nào hết đang cần những chính sách hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Video ghi nhận thực tế trên tại nhiều tuyến phố Hà Nội của phóng viên báo Tin tức:
Trước những khó khăn chồng chất của các hộ tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ lẻ và người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/CP, cùng các gói hỗ trợ thiết thực, mong muốn người lao động bám trụ vững vàng trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, người lao động và chủ các doanh nghiệp nhỏ vẫn cần nhiều sự trợ giúp hơn nữa, sau khoảng thời gian oằn mình chống chịu đến mức kiệt quệ. Những tác động sâu rộng từ đại dịch, không chỉ khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ, mà vấn đề hồi phục sau dịch, đưa Thủ đô trở lại nhịp sống cũ, đáp ứng nhu cầu của người dân sẽ là thách thức không hề nhỏ. Hơn lúc nào hết, nhà hàng, quán ăn, các địa điểm kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ khó khăn cần sự chung tay từ các doanh nghiệp lớn và cả cộng đồng để tồn tại và tìm cơ hội vực dậy trong tương lai.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ. trong đó có chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Theo đó, các nhóm lao động tự do được hỗ trợ thuộc các ngành nghề kinh doanh không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động được cụ thể hóa trong các văn bản chống dịch ban hành từ ngày 30/4 đến nay gồm: Nhân viên quán karaoke, bar, vũ trường, game; phục vụ quán ăn uống đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè; nhân viên nhà hàng, quán bia, bia hơi; người làm việc trong các cửa hàng ăn uống khu vực bị phong tỏa, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ bị mất việc; nhân viên cắt tóc, gội đầu, spa..; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động…
Để nguồn lực trợ giúp đến sớm với người lao động, 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do với tinh thần chủ động, linh hoạt, thành lập các tổ rà soát đến cấp thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố, qua đó các địa phương bước đầu xác định được số lượng lao động tự do cần trợ giúp và tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đến nay, TP Hà Nội có hơn 1,47 triệu người lao động đã được tiếp cận, thụ hưởng hỗ trợ an sinh xã hội theo quyết định của UBND TP Hà Nội với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng tỷ đồng. Song, vẫn còn không ít người dân và các hộ tiểu thương đang tiếp tục "ngóng chờ".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tổ công tác có nhiệm vụ chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Hy vọng, các chính sách hỗ trợ dân sinh, dân doanh sẽ sớm thành hiện thực.