Doanh nghiệp TPHCM 'chạy nước rút' quý cuối năm
Khác với không khí ảm đạm của những tháng đầu năm, thời điểm này nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đang đón nhận những thông tin tích cực hơn, như đơn hàng xuất khẩu cải thiện và mùa mua sắm cuối năm.
Xuất hiện nhiều "đốm sáng"
Chia sẻ với ĐTTC về tình hình đơn hàng của các DN ngành may trong quý IV năm nay, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết đã có những tín hiệu tích cực. Theo đó, đơn hàng của ngành may tăng khoảng 15% so với quý III, phần lớn các DN đều có đơn hàng, công nhân có việc làm. Tuy nhiên đơn hàng vẫn còn nhỏ lẻ, ngắn hạn, các mẫu mã yêu cầu phức tạp hơn nhưng giá thành lại thấp hơn. Ngành may kỳ vọng càng về cuối năm và qua năm 2024 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn nữa.
Cũng là một ngành sử dụng nhiều lao động, da giày đang đón những tín hiệu vui về đơn hàng từ cuối quý III. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Gia Định cho biết, thời điểm này công nhân của Gia Định đang phải tăng ca để kịp thời gian xuất hàng.
Theo ông Trung, một trong những thị trường chính của da giày Việt Nam là Mỹ đang có những tín hiệu tốt khi hàng tồn kho giảm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho Noel và Tết dương lịch tăng dần. Chưa hết, thời gian qua các DN cũng đẩy mạnh tìm kiếm những thị trường mới như khu vực Nam Phi, châu Á thậm chí ngay tại thị trường Trung Quốc cũng có nhiều mặt hàng mà DN Việt có thể xuất khẩu nên thời điểm này bắt đầu “hái trái ngọt”.
Khác với dệt may, ngành da giày phải đến những tháng cuối năm tình hình mới có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng nhóm ngành nông sản mới chính là điểm sáng trong bức tranh chung. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản chế biến sâu cho biết, 6 tháng đầu năm Phúc Sinh tăng trưởng khoảng 37%, giai đoạn sau do thiếu hàng bán nên dự báo năm tài chính 2023 sẽ tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.
Có được kết quả này, theo ông Thông một phần là vì sau dịch khách hàng quan tâm đến các nhóm ngành nông sản, thực phẩm nhiều, nhưng phần khác Phúc Sinh rất chịu đi chào hàng. Một năm đội ngũ Phúc Sinh dành 4, 5 tháng đi khắp nơi trên thế giới để bán hàng. Hiện sản phẩm của công ty đã có mặt tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Cùng với các DN xuất khẩu, không ít DN kinh doanh trong nước cũng đang kỳ vọng vào mùa mua sắm cuối năm nay. Ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc CTCP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết, tình hình tiêu thụ sản phẩm của Mỹ Hảo đã cải thiện hơn từ cuối quý III, hy vọng qua quý IV khi tình hình kinh tế sáng hơn lại trùng vào mùa mua sắm cuối năm, người tiêu dùng sẽ chi tiêu mạnh tay hơn và kết quả của công ty sẽ tốt hơn.
Ông Vinh dự báo năm nay khó có thể hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm, nhưng sẽ nỗ lực để về đích ở mức 90% kế hoạch.
Thách thức vẫn còn
Mặc dù tình hình của một số nhóm ngành đã cải thiện hơn, nhưng cũng còn đó những nhóm ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tất nhiên những thách thức này là tình hình chung của DN cả nước chứ không riêng gì DN tại TPHCM.
Tại hội nghị giao ban với các hội và CLB thành viên quý III năm 2023 diễn ra mới đây do Hiệp hội DN TPHCM tổ chức, một số ngành hàng vẫn còn kêu khó về đơn hàng. Đại diện Hội Cao su nhựa TPHCM cho biết trong quý I hoạt động của DN tương đối, sang quý II và quý III sụt giảm nghiêm trọng, dự báo năm nay doanh thu của ngành giảm từ 10-15%, thậm chí 30% do thị trường xuất khẩu và sức mua của thị trường nội địa giảm. Chưa hết, thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn, trì trệ nên phía hội kiến nghị cải cách thủ tục hành chính và kích cầu tiêu dùng trong nước.
Tương tự, đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM và CLB Doanh nhân Bình Định tại TPHCM, cho hay tình hình ngành chế biến gỗ sụt giảm 30% kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Không ít khách hàng nhập khẩu phá sản. DN đứng trước thách thức giá thành sản phẩm không cao nhưng chi phí tài chính lớn, sức cạnh tranh của DN Việt với các đối thủ ngoại còn yếu.
Một thách thức cũng được nhiều DN xuất khẩu nhắc đến suốt thời gian qua đó chính là việc hoàn thuế VAT. Trở lại câu chuyện với ông Phan Minh Thông (Phúc Sinh), khi trải lòng về khó khăn ông cho biết cái khó khăn nhất hiện nay là việc hoàn thuế VAT. Với một DN xuất khẩu lớn như Phúc Sinh thì khoản tiền hoàn thuế cũng không nhỏ. Cho đến nay Phúc Sinh mới chỉ được giải quyết 50% còn 50% vẫn đang vướng các thủ tục, giấy tờ.
Theo ông Thông, một số chính sách hiện nay còn bất công với DN. Cụ thể, khi DN mua hàng của một DN khác trong 3 tháng, 6 tháng, 1 năm kiểm tra thông tin họ vẫn hoạt động bình thường, nhưng sau 1 năm công ty đó đóng cửa thì lỗi đâu phải của DN mua hàng, nhưng mọi thủ tục lại bị tắc lại, như thế không công bằng với DN.
Trước đây, một số DN được hoàn thuế đã truyền nhau kinh nghiệm, DN khi mua nguyên liệu và xuất khẩu cần phải tìm mọi cách xác minh kỹ từ cơ quan thuế trong nước lẫn nước ngoài, xem DN đối tác đó đang hoạt động ra sao, lịch sử thông tin của DN đó.
Như vậy sẽ tránh được nhiều rủi ro như DN “ma”, hóa đơn không hợp pháp và từ đó dẫn đến thủ tục hoàn thuế VAT của DN mình gặp phải rủi ro. Nhưng như đã nói, làm sao DN mua có thể biết trước tương lai của đối tác như thế nào và dù có kỹ bao nhiêu cũng đâu thể lường hết các trường hợp có thể xảy ra. Cùng với thách thức về hoàn thuế, thì quy định phòng cháy chữa cháy mới cũng khiến không ít DN gặp khó khăn.
Nhiều DN cũng cho rằng, tiêu dùng trong nước đang cải thiện nhưng chủ yếu vẫn dành cho nhóm ngành hàng thiết yếu và tiêu dùng nhanh, còn lại vẫn cần kích cầu tiêu dùng nhiều hơn. Song DN cũng cần được hỗ trợ vì nếu không kích chưa được đã đuối vì chạy theo khuyến mãi, giảm giá…
Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế xã hội TPHCM 9 tháng năm 2023 và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong quý IV, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP cho biết sức mua nội địa hiện nay là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng, và là “điểm sáng” để bù cho xuất nhập khẩu.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-tphcm-chay-nuoc-rut-quy-cuoi-nam-post108725.html