Doanh nghiệp trong các KCN nỗ lực phòng dịch và duy trì sản xuất

Thời gian gần đây, dịch Covid-19 tái diễn phức tạp đã và đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), nhất là DN trong khu công nghiệp (KCN). Trước tình hình đó, cùng với việc phòng chống dịch, các DN chủ động điều chỉnh sản xuất; một số ngành chức năng quan tâm tháo gỡ khó khăn.

Khó khăn kép

Thông tin từ cơ quan chức năng của tỉnh, dịp này hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các công ty trong KCN đều bị ảnh hưởng, nhất là tại KCN Vân Trung, nơi phát sinh chùm ca bệnh Covid-19. Dịch khiến các DN gặp trở ngại trong việc tiếp cận khách hàng, gián đoạn chuỗi sản xuất, thiếu lao động, chi phí tiền lương...

Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Vân Trung có hơn 100 công nhân nghỉ làm do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Vân Trung có hơn 100 công nhân nghỉ làm do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Các KCN tỉnh cho biết, qua kiểm tra nắm tình hình, hiện hầu hết các đơn vị gia công linh kiện điện tử cho hãng Sam Sung đều khó nhập nguyên liệu từ phía Trung Quốc. Thời gian tới, những đơn vị này có nguy cơ bị giảm đơn hàng vì thiếu vật tư.

Tại KCN Đình Trám, Công ty TNHH MTV Moa Eng cũng gặp khó trong hoạt động. Theo đại diện lãnh đạo Công ty, từ nhiều năm nay, đơn vị chuyên gia công, lắp ráp linh kiện điện tử cho hãng Sam Sung với hơn 700 lao động làm việc tại 14 dây chuyền (chia làm 2 ca).

Tuy nhiên, hơn một tuần trở lại đây, 70% người lao động phải nghỉ làm để phòng dịch, chỉ còn 4 dây chuyền hoạt động. Do đó, DN không bảo đảm đơn hàng đáp ứng yêu cầu của đối tác. Trong khi đó, Công ty vẫn phải chi trả tiền lương cho người lao động nghỉ việc do dịch bệnh theo quy định của luật lao động.

Tương tự, Công ty TNHH Si Flex, KCN Quang Châu phải cắt giảm hơn 1 nghìn lao động trong tổng số 6 nghìn lao động đang làm việc. Kéo theo đó, việc gia công lắp ráp linh kiện điện tử xuất khẩu bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng Hành chính nhân sự của Công ty cho biết: “Do công nhân tạm nghỉ việc nên đơn hàng xuất khẩu giảm đáng kể. Nếu tình trạng này kéo dài, DN sẽ khó bảo đảm hàng hóa xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký kết".

Không chỉ các đơn vị trên, nhiều DN tại KCN Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, nhất là những đơn vị gần nơi phát sinh chùm ca bệnh thuộc Công ty TNHH Shin young Việt Nam bị ảnh hưởng lớn. Ví như, Công ty TNHH Blueway đang tạm gián đoạn sản xuất do thiếu lao động.

Đến ngày 12/5, đơn vị này chỉ còn một dây chuyền hoạt động, lượng công nhân nghỉ gần 80%. Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn lao động thuộc địa bàn huyện Việt Yên phải nghỉ tại nhà để phòng dịch.

Chủ động thích ứng, chính quyền đồng hành

Trước thực trạng trên, cùng với việc tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, DN cũng như một số ngành chức năng của tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp ứng phó. Có công ty đã xem xét điều chỉnh thời gian sản xuất theo hướng tăng giờ làm nhằm bảo đảm đơn hàng cho khách.

Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn lao động thuộc địa bàn huyện Việt Yên phải nghỉ tại nhà để phòng dịch.

Ví như Công ty TNHH Luxshare - ICT, KCN Vân Trung (Việt Yên) hiện có hơn 4 nghìn công nhân đang nghỉ làm việc theo dõi sức khỏe tại nhà.

Để ổn định các đơn hàng, DN đang xem xét điều chỉnh giờ làm, thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, yêu cầu cho công nhân đeo khẩu trang, khai báo y tế, phun thuốc sát trùng khử khuẩn. Công ty mong muốn tỉnh nhanh chóng kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh để người lao động có thể sớm trở lại làm việc.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Moa Eng áp dụng biện pháp tăng giờ làm thêm (từ 8 tiếng lên 11 tiếng/ngày) nhưng vẫn bảo đảm chế độ cho người lao động theo quy định. Công ty TNHH Si Flex đã tăng ca, tăng giờ làm, nâng cao năng suất lao động. Hiện đơn vị này đang tìm nguồn lao động và đối tác gia công sản phẩm tại những địa phương không bị dịch bệnh nhằm bảo đảm duy trì đơn hàng đã ký.

Liên quan đến việc các DN đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh Nguyễn Xuân Ngọc cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu lao động, Ban đang tập trung cao phối hợp với ngành chức năng, cấp chính quyền đẩy nhanh việc rà soát, lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân. Các trường hợp sau khi lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm an toàn sẽ thông báo cho trở lại làm việc bình thường.

Giải quyết vấn đề thiếu vốn cho khách hàng bị ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 xảy ra từ năm ngoái đến nay, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Cụ thể, Ngân hàng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát mức độ thiệt hại của DN để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... đúng quy định của pháp luật.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, hết quý I năm nay, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.123 khách hàng với số tiền 766 tỷ đồng. Các đơn vị đang tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do dịch Covid-19 vay vốn với lãi suất thấp hơn mức phổ biến từ 0,5-2,5%/năm.

Không chỉ vậy, thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 8/4/2021 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân, Cục Thuế tỉnh đã rà soát, hướng dẫn hơn 2 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng do dịch để gia hạn thuế.

Đối với thuế giá trị gia tăng được gia hạn 3-5 tháng; thuế thu nhập DN gia hạn 3 tháng; tiền thuê đất gia hạn 6 tháng. Các ngành liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với các địa phương hỗ trợ DN xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm, tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất, bảo đảm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/358967/doanh-nghiep-trong-cac-kcn-no-luc-phong-dich-va-duy-tri-san-xuat.html