Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thích ứng an toàn, ổn định sản xuất
Trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tại các KCN trên địa bàn tỉnh, hàng chục doanh nghiệp đã xuất hiện nhiều F0, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được đặt ở mức cao nhất, phòng tuyến chống dịch vẫn bắt đầu từ mỗi công nhân.
Trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tại các KCN trên địa bàn tỉnh, hàng chục doanh nghiệp đã xuất hiện nhiều F0, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được đặt ở mức cao nhất, phòng tuyến chống dịch vẫn bắt đầu từ mỗi công nhân.
“Nếu như trước đây, mỗi khi xuất hiện F1 trong doanh nghiệp, tinh thần của cán bộ, nhân viên công ty rất hoang mang. Nhưng bây giờ, khi có F0 một số nhà máy của khu công nghiệp, công tác phòng, chống dịch chuyển từ trạng thái phong tỏa toàn công ty hay phân xưởng sang phong tỏa hẹp một bộ phận có F0 làm việc, thực hiện truy vết F1, F2, sàng lọc F0 thật nhanh, lấy mẫu xét nghiệm để một ngày sau có kết quả. Nếu tất cả các F1 âm tính, F2 được giải phóng, đưa F1 đi cách ly tập trung hoặc ở nhà, hoạt động của nhà máy trở lại bình thường. Tinh thần của cán bộ, công nhân vững vàng hơn, yên tâm hơn, chủ động trong phòng, chống dịch hơn so với trước đây” – Ông Đinh Văn Vũ, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Hua Zhuang Electronics Việt Nam (KCN Đồng Văn II) cho biết.
Công ty TNHH Hua Zhuang Electronics Việt Nam có hơn 400 công nhân, chủ yếu là người Hà Nam. Hơn một tháng qua, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, công ty không thực hiện phòng, chống dịch theo phương châm “3 tại chỗ” như trước nữa. Người lao động đi về trong ngày, nhưng phải bảo đảm an toàn khi đến công ty. Tất cả đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, dù vậy, công ty vẫn nâng mức phòng dịch ở cấp cao nhất, đặt ý thức công nhân lên trên hết.
Bà Tanling, Phó Tổng Giám đốc cho rằng, cần đề cao ý thức của người lao động, bởi chính họ quyết định việc phòng, chống dịch hiệu quả hay không. Họ đi về hằng ngày, tiếp xúc với cộng đồng, nếu không tuân thủ quy định “5K”, không tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì vấn đề kiểm soát dịch khó đạt hiệu quả. Cách đây không lâu, khi Công ty TNHH Điện tử Việt Nam Tachibana có ca F0, Công ty TNHH Hua Zhuang Electronics Việt Nam đã yêu cầu công nhân tự rà soát và khai báo trung thực những vấn đề liên quan dịch tễ với các trường hợp F0 ngoài công ty. Một trong số công nhân ở đây có người nhà là F0 đang làm việc tại Công ty TNHH Điện tử Việt Nam Tachibana đã trình báo ngay với bộ phận quản lý nhân sự và chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng dịch. Công ty cho xét nghiệm nhanh số lao động liên quan, khi tất cả có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, người lao động được giải phóng, trở lại làm việc bình thường.
Ở các doanh nghiệp khác cũng tương tự. Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, việc chuyển đổi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hơn một tháng qua tại các KCN cho thấy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là ý thức của người lao động. Hàng trăm tổ Covid an toàn tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động, vừa tuyên truyền, vận động công nhân chấp hành nghiêm quy định “5K”, vừa đại diện doanh nghiệp siết chặt kỷ luật phòng, chống dịch để mỗi người lao động tự ý thức, tự giác thích ứng an toàn, hiệu quả với tình hình mới trên tinh thần “sản xuất phải an toàn”.
Ông Trần Văn Kiên khẳng định: Các doanh nghiệp cần xác định công tác phòng, chống dịch giai đoạn này đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải chủ động đối diện với dịch bệnh Covid-19 một cách khoa học, an toàn. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp vẫn cần coi mỗi bộ phận sản xuất là một “pháo đài”, mỗi công nhân là “chiến sỹ” trên mặt trận phòng, chống dịch.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong các KCN bị ảnh hưởng nặng nề. Chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu gặp khó khăn, lượng đơn hàng giảm hơn nhiều so với các năm trước. Chi phí của doanh nghiệp tăng cao cho các hoạt động xét nghiệm, ăn, nghỉ cho người lao động lưu trú tại doanh nghiệp, chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc do phải thực hiện giãn cách. Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương không thống nhất, gây khó cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có sử dụng lao động kỹ thuật, chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài đến từ vùng có dịch bị hạn chế nhập cảnh theo quy định của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hầu hết các doanh nghiệp bị thiếu nhân lực bởi nguồn lao động ngoại tỉnh chủ yếu tại Hà Nội không quay lại Hà Nam làm việc được do dịch bệnh bùng phát trở lại, dẫn đến năng suất sụt giảm, đơn hàng bị chậm tiến độ, doanh nghiệp có nguy cơ thiếu hụt lao động. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị thất thu, thua lỗ; lao động trong ngành dịch vụ bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm…
Trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 31 dự án, giảm 50,8% so với cùng kỳ năm 2020. Số dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cũng giảm 34,6%... Theo bà Ngô Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết 128 đã giúp cho doanh nghiệp thực hiện giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh trên tinh thần “Sản xuất phải an toàn”, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới. Hà Nam hiện là một trong những tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất để phủ xanh vắc-xin trong các KCN, một trong những yếu tố bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp hoạt động trong tình hình mới.
Hiện tại, các doanh nghiệp trong KCN đều không thực hiện phương án “3 tại chỗ” mà chỉ duy trì “một cung đường hai điểm đến”. Việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch thực hiện hằng tuần, trong đó chủ động công tác xét nghiệm để sàng lọc và nâng cao tinh thần của công nhân. Dù vậy, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong hơn một tháng qua vẫn phức tạp, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng. Đặc biệt, trong các KCN Châu Sơn, Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III có khoảng hơn 20 doanh nghiệp có người mắc Covid-19.
Cũng theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, số công nhân lao động trong các KCN mắc Covid-19 từ 19/9 đến nay gần 200 ca. Một số doanh nghiệp có nhiều người mắc, như: Công ty TNHH Kangyin Electronic Technology (KCN Châu Sơn), Công ty TNHH điện tử Việt Nam Tachibana (KCN Đồng Văn II), Công ty TNHH KMW Việt Nam (KCN Đồng Văn I)… Trong ngày 26/11, tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam xuất hiện F0 mới, công tác phòng, chống dịch trong KCN được đặt ở mức cao nhất.
Ông Trần Văn Kiên cho biết, mặc dù doanh nghiệp có F0 nhưng người sử dụng lao động và người lao động ở đây đều rất chủ động, bình tĩnh trong ứng phó với tình hình. Công tác phòng, chống dịch giai đoạn này đều được các doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế một cách hiệu quả, an toàn. Hầu như không có doanh nghiệp nào phải dừng hoạt động. Thời gian hoàn thành kế hoạch năm 2021 không còn nhiều, đây là giai đoạn vàng để các doanh nghiệp tập trung tăng tốc trở lại, hoàn thành kế hoạch.