Doanh nghiệp trông chờ gì ở gói hỗ trợ lần 2?

Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người lao động vượt qua cú sốc COVID-19, các bộ ngành đang nghiên cứu chính sách về gói hỗ trợ lần 2. Cách nào để gói hỗ trợ không kém hiệu quả, đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận… như gói hỗ trợ lần 1?

Ðề xuất nhiều chính sách cho DN nhỏ, siêu nhỏ trong gói hỗ trợ kinh tế lần 2. ẢNH MINH HỌA

Ðề xuất nhiều chính sách cho DN nhỏ, siêu nhỏ trong gói hỗ trợ kinh tế lần 2. ẢNH MINH HỌA

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 750.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động, đóng góp 60% GDP. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, DNNVV có nhiều hạn chế như: vị thế, thanh khoản yếu, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ cao. Tác động của đại dịch COVID-19 khiến các vấn đề thêm trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ LĐ TB&XH xây dựng gói hỗ trợ kinh tế lần 2. Kinh phí cho gói này ước tính 15.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ sẽ tập trung cung cấp tín dụng ưu đãi cho DNNVV, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh để phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn sẽ được ưu tiên đặc biệt.

“Mức cho vay dự kiến đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ 1/9/2020 đến 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Người lao động đang phải thuê nhà, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi) ở mức 1 triệu đồng/người (hộ)/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết về một số chính sách đang xây dựng của gói hỗ trợ kinh tế lần thứ 2.

Đánh giá về các tiêu chí xây dựng gói hỗ trợ lần 2, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam cho rằng, đối tượng hỗ trợ như vậy là hợp lý. Chính sách hỗ trợ có thể tiếp cận 5 triệu hộ kinh doanh nên dễ lan tỏa. Tuy nhiên, ông Thân băn khoăn về cách xác định đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

“Với gói hỗ trợ kinh tế lần thứ 2, chính sách không chỉ dừng lại ở hoãn, giãn các nghĩa vụ mà còn phải có miễn, giảm. Cơ quan chức năng phải xác định được mức hỗ trợ, xác định rõ đối tượng được hỗ trợ cụ thể là ai, mức hỗ trợ bao nhiêu, không hỗ trợ cào bằng”. TS Nguyễn Ðình Cung

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, gói hỗ trợ phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Gói hỗ trợ sẽ không chỉ hướng đến mục tiêu trước mắt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà còn hướng đến các mục tiêu dài hạn hơn, tái cơ cấu để đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển hậu COVID-19.

“Dù mới có phác thảo ban đầu nhưng gói hỗ trợ lần này sẽ không đơn thuần là kéo dài thời hạn chính sách hỗ trợ hiện có, như giãn, hoãn nộp thuế, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất. Gói hỗ trợ sẽ có thêm chính sách “mạnh tay”, cụ thể như phát phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, cho hộ nghèo, cho đối tượng chính sách… Đây là cách vừa hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân một cách hiệu quả, vừa để kích cầu tiêu dùng nội địa”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nói.

Cần tránh “vết xe đổ”

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, dù đã ban hành gần 5 tháng nhưng mới có khoảng 3% DN nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ kinh tế lần 1.Nguyên nhân của tình trạng này là có sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai, khiến tiến độ hỗ trợ bị chậm trễ.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, gói hỗ trợ kinh tế lần 1 thực hiện chậm và tỷ lệ đạt được rất thấp. Nhiều DN không hoạt động, không phát sinh thuế, không có doanh thu, nên không có gì để hoãn, giãn thuế.

“Có nhiều nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lần 1 chưa đạt đầy đủ mục tiêu đề ra trước đó. Đơn cử: Cơ quan quản lý công dân nhưng không nắm được thông tin cụ thể của người dân nên khi thực hiện chính sách phải mất thời gian xác minh, gây khó khăn. Đội ngũ thực thi còn hiện tượng vô cảm trước cuộc sống của người dân”, ông Cung đánh giá.

Ông Cung đề xuất, trước mắt, cơ quan chức năng cần đánh giá lại nền kinh tế năm 2020 và đề xuất kéo dài gói hỗ trợ thứ nhất. Với gói hỗ trợ lần 2, chính sách không chỉ dừng lại ở hoãn, giãn các nghĩa vụ mà còn phải có miễn, giảm. Cơ quan chức năng phải xác định được mức hỗ trợ, xác định rõ đối tượng được hỗ trợ cụ thể là ai, mức hỗ trợ là bao nhiêu, không hỗ trợ cào bằng.

“Bên cạnh hỗ trợ DN vượt qua đại dịch, chúng ta phải nghĩ rằng, trong nguy có cơ, phải chớp thời cơ để phục hồi nền kinh tế. Từ đó, có gói hỗ trợ toàn diện hơn, lớn hơn, có cái nhìn dài hơi hơn, ít nhất là 3-4 năm.Ví dụ, ngành nghề du lịch, khách sạn nếu có hỗ trợ cũng không phát triển ngay được, bởi cầu chưa tăng được. Thay vào đó, chúng ta hỗ trợ bằng cách: Ưu tiên, ưu đãi cho những ngành nghề mới xuất hiện, ngành nghề được lợi hoặc có lợi thế phát triển ngay cả khi có dịch COVID-19; Ưu tiên hỗ trợ những DN, những ngành, DN không chịu tác động của dịch bệnh nhưng lại có tương lai phát triển”, ông Cung kiến nghị.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị, gói hỗ trợ lần thứ 2 cần có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn. Gói hỗ trợ cần góp phần ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể DN. Từ đó tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi dịch COVID-19 suy giảm và chấm dứt.

“Để gói hỗ trợ kinh tế lần thứ 2 hiệu quả, trước mắt cần rà soát các điều kiện để DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng. Thời gian qua, chỉ có khoảng 20% số DN đáp ứng được yêu cầu của gói hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất cho DN. Đồng thời, xem xét cắt giảm giá điện cho khu vực DN, các hộ kinh doanh để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho DN và các hộ sản xuất kinh doanh”, ông Lâm kiến nghị.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-trong-cho-gi-o-goi-ho-tro-lan-2-1721408.tpo