Doanh nghiệp trong cơn 'bĩ cực'

Thiếu hụt đơn hàng, chuỗi tiếp cận thị trường đứt gãy; hàng tồn kho số lượng lớn; lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu cao đã khiến không ít doanh nghiệp (DN) lâm vào cảnh khốn khó, dừng hoạt động, thậm chí gần như phá sản. Đó là 'bức tranh' mà chúng tôi tận thấy ở nhiều DN đang trong cơn 'bĩ cực' trên địa bàn tỉnh.Bài 1: 'Càng sản xuất, càng lỗ'Bài 2: Doanh nghiệp cần gì?

Đó là tâm sự của Tổng Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) Phạm Hữu Thu, chủ đầu tư Nhà máy xi măng Văn Hóa (xã Văn Hóa, Tuyên Hóa). Theo ông Thu, năm 2022, do chi phí sản xuất (SX) tăng cao, công ty phải dừng SX ngoài kế hoạch hơn 1 tháng, lỗ hơn 93 tỷ đồng. Riêng quý I/2023, cùng với khó khăn trên, Tổng cục Hải quan tiếp tục áp thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5-10%, số lỗ của công ty “đạt” xấp xỉ 70 tỷ đồng… Và nhiều DN khác cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Sản phẩm tồn kho của các doanh nghiệp chế biến gỗ ngày càng nhiều trong khi chi phí sản xuất không ngừng tăng cao.

Sản phẩm tồn kho của các doanh nghiệp chế biến gỗ ngày càng nhiều trong khi chi phí sản xuất không ngừng tăng cao.

Theo tìm hiểu, sở dĩ chi phí SX clinker cao là do giá dầu, nhiên liệu hóa thạch (than) tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021. Trong khi đó, thị trường clinker có giá bán tăng không đáng kể. Để duy trì hoạt động SX, Công ty VCM đã áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí SX như giảm tiêu hao điện, sử dụng nhiên liệu thay thế than nhưng sản lượng SX và bán hàng vẫn không bảo đảm kế hoạch, dẫn đến số lỗ ngày càng tăng.

“Từ ngày 28/3/2023 đến nay, chúng tôi phải dừng SX để giảm lỗ và chưa biết lúc nào có thể hoạt động trở lại. Kế hoạch SX năm 2023 cũng như số nộp ngân sách nhà nước sẽ khó hoàn thành, nhưng quan trọng hơn cả là tâm lý của cán bộ, công nhân và người lao động bị ảnh hưởng”, ông Thu nói.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty VCM đã hoàn thành nộp ngân sách nhà nước số tiền gần 76 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2023, đơn vị sẽ nộp ngân sách gần 95,5 tỷ đồng.Khó khăn trên vẫn chưa phải là tất cả đối với Công ty VCM. Hiện, đơn vị đang phải đi “mót” đá vôi từ khu vực mỏ cũ đã được cấp phép để bảo đảm duy trì SX. Chi phí khai thác lại tăng thêm bội phần, dẫn đến chi phí SX khó có thể tiết giảm.

Nguyên nhân là mỏ đá vôi cũ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác từ năm 2012 nhưng trong quá trình khai thác, đơn vị phát hiện đá vôi không đạt chất lượng để SX clinker xi măng. Từ năm 2019, công ty đã báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan, đề xuất khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng phía Bắc mỏ lèn Đứt Chân (sát mỏ cũ) nhưng hiện các thủ tục vẫn chưa hoàn thành.

“Nếu không được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép khai thác thì sớm thôi, công ty phải dừng SX, đóng cửa nhà máy do thiếu nguyên liệu”, ông Phạm Hữu Thu cho biết thêm.

Không chỉ riêng DN SX vật liệu xây dựng mà đối với các DN SX, chế biến gỗ, thực tế còn nghiệt ngã hơn. Ông Trần Trọng Sinh, Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long-Chi nhánh miền Trung, đơn vị đầu tư Nhà máy ván ép Thăng Long (Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới) cho biết: Thị trường tiêu thụ sản phẩm của DN chủ yếu là Mỹ và các nước EU nhưng do chiến tranh Nga-Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến đơn hàng gần như không có. Thực tế này tồn tại từ gần 1 năm qua. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn phải duy trì SX để bảo đảm đời sống cho công nhân, người lao động.

“Bởi năng lực tài chính của đơn vị có hạn trong khi lãi suất vốn vay ngân hàng, giá các mặt hàng xăng dầu, điện tăng cao, chúng tôi buộc phải SX cầm chừng hoặc tạm dừng SX một số khâu cuối. Sản phẩm tồn kho ngày càng nhiều trong khi chi phí vận hành nhà máy không ngừng tăng... Trong vai trò “bà đỡ” giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, chúng tôi không thể bỏ mặc…”, ông Sinh chia sẻ.

Một góc mỏ đá vôi không đạt chất lượng để sản xuất clinker xi măng đang được VCM thi công trả lại mặt bằng.

Một góc mỏ đá vôi không đạt chất lượng để sản xuất clinker xi măng đang được VCM thi công trả lại mặt bằng.

Nhà máy ván ép Thăng Long có công suất thiết kế hơn 70.000m3 sản phẩm/năm, trong điều kiện ổn định, đơn vị duy trì công suất SX khoảng 50.000m3/năm nhưng nay chỉ SX chưa đến 20.000m3 sản phẩm/năm. Trước đây, số lượng lao động toàn nhà máy có khoảng 300 công nhân, nay chỉ còn chưa đến 150 công nhân; thu nhập bình quân trước đây khoảng 7,5 triệu đồng/người, nay chỉ còn khoảng 3,5 triệu đồng/người.

Một DN chuyên SX gỗ ván ép khác ở Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới (xin được giấu tên) cũng đang bên bờ vực phá sản bởi muôn vàn khó khăn phải đối mặt trong hơn 1 năm qua. Theo người đại diện DN này thì từ tháng 7/2022 đến nay, hầu hết sản phẩm gỗ của đơn vị không thể xuất khẩu được (sang thị trường Mỹ, Trung Đông và EU), dẫn đến việc phải hoạt động cầm chừng hoặc dừng SX hoàn toàn. Hiện, các nhà máy chế biến gỗ đang tạm ngừng hoạt động hoặc SX cầm chừng, dẫn đến việc các chủ rừng phải khai thác cây non, cây chưa đủ tuổi để bán gỗ dăm hoặc bán cho các đơn vị làm viên nén với giá thấp. Về lâu dài, khi thị trường tiêu thụ ngành gỗ phục hồi sẽ không còn gỗ đủ tuổi để khai thác, đẩy giá lên cao và nguy cơ khan hiếm nguyên liệu SX sẽ hiện hữu.

Số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ ngày 1/1 đến giữa tháng 5/2023, toàn tỉnh có 242 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 2,1 nghìn tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, có 9 DN giải thể và 186 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Cũng bởi đơn hàng sụt giảm nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không đủ để chi trả toàn bộ chi phí hoạt động, đặc biệt là lãi vay ngân hàng và các khoản nợ đến hạn. Hiện, DN này đang có khoản nợ quá hạn tại Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình mà chưa có nguồn tiền để thanh toán.

Một khó khăn nữa là do hoạt động nhà máy không thể duy trì thường xuyên nên những lao động có tay nghề chuyển sang làm việc cho các công ty khác hoặc buộc phải nghỉ việc. Điều này dẫn đến hệ lụy khi nhà máy có thể hoạt động trở lại, việc tập hợp lao động sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Giám đốc Chi nhánh Gỗ Phú Quý (Công ty CP Việt Trung Quảng Bình) Nguyễn Sơn Phong chia sẻ: Quảng Bình là địa phương sẵn nguyên liệu nhưng nguyên liệu cho chế biến sâu (gỗ lớn) lại ít do các DN chủ yếu thu mua gỗ rừng trồng để chế biến thô (dăm gỗ) trong khi DN chủ yếu sử dụng gỗ lớn để SX các sản phẩm ngoại thất, nội thất. Bởi vậy, đơn vị đang thiếu hụt nguyên liệu.

Mặt khác, đặc thù của đơn vị là SX công nghiệp nên cần có thời gian để hình thành sản phẩm, bán ra thị trường (khoảng thời gian này có thể nhanh hoặc chậm tùy theo sự ổn định của thị trường) trong khi lãi suất ngân hàng tính theo mốc thời gian cố định. Điều này dẫn đến khó khăn cho DN trong việc xoay vòng vốn.

Quảng Bình hiện chưa có hiệp hội SX, chế biến gỗ nên DN thiếu thông tin liên quan đến thị trường, nguồn lao động, nguyên liệu… để chủ động các phương án nâng cao hiệu quả SX, kinh doanh. Hiện, các quy định về phòng cháy, chữa cháy đòi hỏi rất cao cũng là khó khăn lớn của đơn vị.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202305/doanh-nghiep-trong-con-bi-cuc-2209525/