Doanh nghiệp trong KCN, KKT tăng tốc sản xuất

Với lợi thế là địa bàn an toàn, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, KKT của tỉnh đã từng bước khắc phục những khó khăn, tìm ra những giải pháp mới thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay chính là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất ở mức cao nhất.

Sản xuất sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH Dệt may Hoa Lợi Đạt Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).

Sản xuất sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH Dệt may Hoa Lợi Đạt Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong tỉnh. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, kết hợp với thường xuyên lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong các KCN, KKT. Nhờ đó, tình hình sản xuất, kinh doanh tại những địa bàn này vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế của tỉnh, trong bối cảnh ngành khai khoáng và dịch vụ, du lịch tăng trưởng âm.

Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, đến hết tháng 9/2021, các KCN, KKT của tỉnh đã thu hút đầu tư tăng thêm được trên 40.300 tỷ đồng, đạt 139% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó, thực hiện cấp mới cho 18 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư gần 38.000 tỷ đồng và điều chỉnh đầu tư cho 6 dự án, với tổng nguồn vốn trên 2.300 tỷ đồng. Đây là kết quả khẳng định cho những quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển mà ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, cũng cho thấy sức hấp dẫn và an toàn đầu tư của Quảng Ninh.

Ghi nhận nguồn vốn đầu tư tăng thêm tại địa bàn KCN, KKT, phải kể đến 2 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo của Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam. Đây là 2 dự án có số vốn đầu tư FDI lớn nhất từ trước đến nay vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh, với tổng mức đầu tư của 2 dự án này gần 900 triệu USD. Hai dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều dư địa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh cả trong trước mắt lẫn lâu dài.

Công nhân Nhà máy sản xuất bột mỳ Vimaflour Hạ Long (KCN Cái Lân) kiểm tra mẫu bột mỳ trước khi xuất bán ra thị trường.

Công nhân Nhà máy sản xuất bột mỳ Vimaflour Hạ Long (KCN Cái Lân) kiểm tra mẫu bột mỳ trước khi xuất bán ra thị trường.

Bên cạnh các dự án được cấp mới, các doanh nghiệp trong KCN, KKT còn tận dụng thời cơ do các nước trong khu vực và thế giới bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, mạnh dạn đầu tư thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hơn 9 tháng qua, các doanh nghiệp trong KCN, KKT đã chi khoảng 8.000 tỷ đồng để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư nhà xưởng sản xuất các sản phẩm dệt may tại TP Cẩm Phả; Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long đầu tư mở rộng thêm dây chuyền sản xuất mới tại KCN Việt Hưng; Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan đầu tư dây chuyền sản xuất bột mì với công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm...

Đặc biệt, tại Công ty TNHH Sản xuất bột mỳ VimaFlour trong KCN Cái Lân, đón bắt được thị trường tiêu thụ sản phẩm bột mỳ tăng cao ở trong nước và trên thế giới, cùng với việc duy trì hoạt động 3 dây chuyền sản xuất bột mỳ hiện có với tổng công suất xay nghiền tối đa là 1.500 tấn/ngày, Công ty còn mạnh dạn đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất mới, với công suất 500 tấn/ngày. Dự kiến, trong tháng 11-2021, dây chuyền sản xuất này sẽ đi vào hoạt động.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai.

Ông Bùi Thanh Dương, Giám đốc Nhà máy sản xuất bột mỳ VimaFlour, cho biết: Các chỉ tiêu sản xuất của đơn vị chúng tôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ bột mỳ trong nước đạt trên 215.000 tấn, tăng 12%, với giá trị tiêu thụ đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 15%; sản lượng tiêu thụ cám mỳ trong nước đạt trên 62.000 tấn, tăng 4%, giá trị tiêu thụ đạt 371 tỷ đồng, tăng 36%. Cùng với đó, sản lượng xuất khẩu bột mỳ đạt trên 1.500 tấn, tăng 136%, giá trị tiêu thụ đạt 584.000 USD, tăng 153%.

Với sự cố gắng, nỗ lực trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong 9 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT tỉnh ước đạt 800 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1,1 tỷ USD; thu nộp cho ngân sách nhà nước 626 tỷ đồng và đã giải quyết công ăn việc làm cho trên 32.000 lao động, với mức lương ổn định từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Mạnh Trường (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127877/doanh-nghiep-trong-kcn-kkt-tang-toc-san-xuat