Doanh nghiệp Trung Quốc bị tẩy chay vì phản ứng với bạo lực ở Myanmar

Ngày càng nhiều công ty đa quốc gia công khai phản đối bạo lực ở Myanmar. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc - những nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar - không nằm trong số đó.

Theo Nikkei Asian Review, khi ngày càng nhiều công ty đa quốc gia công khai phản đối bạo lực ở Myanmar, các công ty Trung Quốc - những nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar - vẫn im hơi lặng tiếng.

Một nhóm hoạt động vì nhân quyền ở Yangon đã kêu gọi các công ty ký tuyên bố chung nhằm phản đối bạo lực. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc không tham gia.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản thể hiện quan điểm bằng cách ký vào văn bản và kêu gọi ngừng bạo lực.

Một số công ty Trung Quốc ở Myanmar đã bị đốt phá. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, 32 nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc chịu thiệt hại vào cuối tuần qua. Những cuộc tấn công khiến công chúng ngày càng quan tâm đến các động thái của doanh nghiệp Trung Quốc.

 Nhiều công ty đa quốc gia công khai phản đối bạo lực ở Myanmar. Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc không nằm trong số đó. Ảnh: Reuters.

Nhiều công ty đa quốc gia công khai phản đối bạo lực ở Myanmar. Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc không nằm trong số đó. Ảnh: Reuters.

Phụ thuộc vào đầu tư Trung Quốc

Hôm 16/3, South China Morning Post dẫn một thông báo của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc. Theo đó, cơ quan này đã ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar sơ tán nhân viên liên quan tới những dự án đang bị tạm dừng.

Sau những cuộc tấn công đốt phá, kênh CGTN thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc khẳng định "Trung Quốc sẽ không cho phép các lợi ích bị tổn thương vì những cuộc tấn công".

"Nếu các nhà chức trách không thể giải quyết và tình trạng hỗn loạn tiếp tục lan rộng, Trung Quốc có thể buộc phải hành động quyết liệt hơn để bảo vệ lợi ích", kênh này khẳng định.

Động thái của Trung Quốc gây ra phản ứng dữ dội. "Trung Quốc chỉ đưa ra những phát ngôn mạnh mẽ sau khi lợi ích của họ bị đe dọa", một doanh nhân Myanmar viết trên Twitter.

Nhiều cuộc biểu tình được tổ chức bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon. Các sản phẩm của Trung Quốc, nhất là của Huawei Technologies và ZTE (những công ty cung cấp công nghệ cho quân đội), bị người Myanmar tẩy chay.

Bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế kể từ năm 2011 và thu hút các đối tác quốc tế, Myanmar vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ Trung Quốc. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2020, Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Myanmar.

Chính quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã phê duyệt 2 tỷ USD FDI từ Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của bà, doanh nghiệp Trung Quốc và các đối tác chi phối hơn 90% trong hai cuộc đấu thầu năng lượng lớn tại Myanmar trong vòng hai năm qua.

Trung Quốc là nguồn FDI lớn nhất của Myanmar. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Trung Quốc là nguồn FDI lớn nhất của Myanmar. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Các doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc đang hoạt động tại thị trường Myanmar bao gồm tập đoàn Citic, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc (PowerChina).

Trung Quốc bắt đầu mở rộng hợp tác kinh tế với Myanmar kể từ năm 2011, khi quốc gia Đông Nam Á bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ sau gần 50 năm cầm quyền của quân đội. Trong 10 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và "chủ nợ" lớn nhất.

Các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm cấp cao của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Myanmar hồi giữa tháng 1 là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc.

Ông Vương Nghị đã gặp bà Aung San Suu Kyi để ký các thỏa thuận song phương cho dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar.

Hành lang kinh tế này trải dài từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến bờ biển của Myanmar trên Vịnh Bengal. Đây là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Thỏa thuận giữa Myanmar và Trung Quốc được định giá 100 tỷ USD, bao gồm 38 dự án cơ sở hạ tầng lớn đã lên kế hoạch.

Im hơi lặng tiếng

Các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục ngay cả khi chế độ thay đổi. Trong khi đó, những tổ chức tài chính quốc tế và Nhật Bản đã tạm hoãn tham gia và đầu tư.

Vài tuần sau cuộc binh biến, một nhà máy do PowerChina tài trợ tại Kyaukphyu (thuộc bang Rakhine) đã được khởi công xây dựng.

Các doanh nhân Trung Quốc không quan tâm đến nhân quyền. Họ chỉ quan tâm tới sự phát triển kinh tế

- Một nhà phân tích Myanmar

Phòng Thương mại Doanh nghiệp Trung Quốc - nhóm doanh nghiệp nước ngoài quyền lực nhất ở Myanmar - đã cố gắng bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc. Hồi tháng 2, cơ quan này nhanh chóng đưa ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc cho rằng Trung Quốc cung cấp các kỹ thuật viên để xây dựng "tường lửa" Internet cho quân đội Myanmar.

Nhóm cũng từ chối lên tiếng kể từ đó.

Các công ty Trung Quốc cũng không bày tỏ lo ngại về cuộc binh biến như những công ty quốc tế khác. Theo Nikkei Asian Review, một nhà phân tích Myanmar cho biết các công ty Trung Quốc không muốn thu hút sự chú ý vì văn hóa doanh nghiệp và chính trị.

"Các công ty Trung Quốc thực sự cho rằng cuộc đảo chính và khủng hoảng ở Myanmar là vấn đề nội bộ. Họ được khuyên nên tránh xa", nhà phân tích nói với Nikkei Asia Review. "Doanh nhân Trung Quốc không quan tâm đến nhân quyền. Họ chỉ quan tâm tới sự phát triển kinh tế", ông nói thêm.

 Những người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc phản đối phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc đảo chính quân sự Myanmar. Ảnh: Reuters.

Những người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc phản đối phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc đảo chính quân sự Myanmar. Ảnh: Reuters.

Trong số 216 công ty ký tuyên bố chung do Trung tâm Kinh doanh Trách nhiệm Myanmar (MCRB) đưa ra, có đến hơn 60 công ty quốc tế, bao gồm Coca-Cola, Total, H&M, Heineken, Maersk, Metro, Unilever và Telenor.

MCRB thậm chí phát hành tuyên bố chung bản tiếng Trung nhằm khuyến khích các công ty Trung Quốc và Đài Loan tham gia, nhưng đến nay vẫn vô ích.

"Với tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi sống trong một 'không gian chung' với người dân Myanmar, bao gồm các tổ chức xã hội dân sự. Ở đó, tất cả đều được hưởng lợi từ việc tôn trọng nhân quyền, dân chủ và những quyền tự do cơ bản - bao gồm tự do ngôn luận và lập hội - và quy định của luật pháp", tuyên bố chung viết.

Các bên tham gia kêu gọi "một giải pháp nhanh chóng cho tình hình hiện tại dựa trên đối thoại và hòa giải, phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar".

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-bi-tay-chay-vi-phan-ung-voi-bao-luc-o-myanmar-post1194261.html