Doanh nghiệp Trung Quốc thiệt hại nặng nề từ lệnh ngăn chặn của Mỹ
Đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục nhằm vào các doanh nghiệp khoa học công nghệ của Trung Quốc thông qua việc ký 2 sắc lệnh hành chính, cấm người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ giao dịch với công ty mẹ của TikTok là ByteDance và công ty mẹ của WeChat là Tencent kể từ ngày 21-9.
Cùng thời gian này, Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua dự luật cấm nhân viên Chính phủ Liên bang sử dụng thiết bị được trang bị để tải các phần mềm ứng dụng này.
Nâng cấp ngăn chặn
Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng thông qua dự luật tương tự. Hiện nay, các dự luật liên quan chỉ còn chờ lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và đệ trình Tổng thống Mỹ ký ban hành. Một trong những nội dung nổi bật của dự luật này là cấm quan chức Chính phủ Mỹ, Nghị sĩ Quốc hội, nhân viên Chính phủ và Quốc hội Mỹ dùng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác để tải phần mềm ứng dụng TikTok cũng như các chương trình ứng dụng khác do doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp.
Không chỉ chính phủ mà ngay cả người dân Mỹ cũng bắt đầu có những hành động đối phó với TikTok. Gần đây, một đài truyền hình Mỹ đưa tin, trong một năm qua có khoảng 20 bạn trẻ tại bang California và Illinois thông qua cha mẹ mình tiến hành tố cáo tập thể với nội dung rằng TikTok đánh cắp thông tin cá nhân như nhận diện khuôn mặt, địa điểm và người liên lạc của họ, thậm chí còn có cả thông tin về tín ngưỡng tôn giáo và giới tính, đồng thời chuyển dữ liệu này về Trung Quốc khi chưa nhận được sự đồng ý.
Giới phân tích quốc tế cho rằng hành động Mỹ tấn công và vây hãm lĩnh vực khoa học công nghệ của Trung Quốc đã vượt ra ngoài phạm vi công nghệ 5G, lan sang lĩnh vực an ninh mạng cũng như các chương trình ứng dụng mạng khác. Theo đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc sẽ gặp nhiều trở ngại tại thị trường nước ngoài trong tương lai.
Bủa vây tứ bề
Theo một báo cáo nghiên cứu mới nhất của Morgan Stanley, trong các doanh nghiệp Trung Quốc, thì Tập đoàn YY có khoảng 7% thu nhập từ thị trường Mỹ. Trong số các doanh nghiệp phần mềm, Agora (thành lập năm 2013, cung cấp nền tảng tương tác thời gian thực trên mạng trong phạm vi toàn cầu) là doanh nghiệp có tỷ lệ thu nhập tại Mỹ cao nhất lên đến 8%.
Mặc dù Tencent có khoảng 2% thu nhập tại Mỹ nhưng nếu như các nước khác cũng thắt chặt các hoạt động của các doanh nghiệp khoa học công nghệ Trung Quốc thì ảnh hưởng tới thu nhập của Tencent có thể lên đến 8%.
Hiện nay, tài sản ở nước ngoài của Tencent lên đến khoảng 500 tỷ nhân dân tệ, các ứng dụng trò chơi của WeChat thuộc Tencent có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Hoa ở Mỹ, nếu như các nước phương Tây và Ấn Độ cùng liên kết tẩy chay WeChat thì tiềm lực tăng trưởng lâu dài của Tencent sẽ giảm mạnh.
Thực tế cho thấy, sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố cấm WeChat, giá cổ phiếu của Tencent đã giảm 0,98%. Còn đối với Alibaba, do nghiệp vụ thương mại điện tử cơ bản là tại Trung Quốc nên ảnh hưởng không lớn.
Một doanh nghiệp khác của Trung Quốc mà phía Mỹ chú ý là Công ty mạng cáp quang biển Huawei. Các quan chức tình báo Mỹ từng nêu rõ, Công ty mạng cáp quang biển Huawei hiện có khoảng 100 tuyến cáp quang đáy biển, chiếm gần 25% lượng cáp quang biển toàn cầu và đây là hiểm họa rình rập rất lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông của Trung Quốc cũng bị cấm cửa tại Mỹ, như nghiệp vụ B2B (Business to Business, hình thức kinh doanh thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) cung cấp thông tin giữa Trung Quốc với bên ngoài cho các doanh nghiệp thương mại điện tử của China Telecom.
Do sự vây hãm của Mỹ, doanh nghiệp khoa học công nghệ của Trung Quốc sẽ không còn cơ hội dựa vào việc bỏ thầu giá rẻ để giành được các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mạng như lắp đặt hệ thống cáp quang, các trạm phát sóng hay cung cấp dịch vụ mạng không dây tại thị trường nước ngoài, dẫn đến tiềm lực tăng trưởng giảm mạnh, ngay cả các chương trình ứng dụng mạng.
Điều đáng nói là các doanh nghiệp Trung Quốc mà Mỹ có kế hoạch cấm cửa đều là các doanh nghiệp đầu tàu của Trung Quốc và thị trường nước ngoài là một trong những điểm tăng trưởng của các doanh nghiệp này. Dự báo, với đà này, trong tương lai thị trường nước ngoài của các công ty này có thể sẽ bị thu hẹp, thậm chí ngay tại các nước dọc theo sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cũng sẽ gặp thách thức lớn.
Thiệt hại và sức ép tâm lý
Theo giới phân tích quốc tế, thu nhập từ thị trường nước ngoài của Tencent chỉ là một bộ phận nhỏ của tập đoàn này. Tuy nhiên, hành động của Mỹ khiến Tencent chịu sức ép tâm lý lớn khi muốn mở rộng nghiệp vụ tai thị trường nước ngoài. Trên 95% thu nhập của Tencent là ở thị trường Trung Quốc, tỷ lệ thu nhập tại thị trường nước ngoài chỉ khoảng 4%, trong đó tại Mỹ chỉ khoảng 2%. Do vậy, hành động áp đặt này của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến Tencent nhưng sức ép tâm lý sẽ rất lớn, do thị trường lo ngại sẽ còn nhiều biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Còn đối với TikTok của ByteDance, sắc lệnh hành chính của Tổng thống Donald Trump chính là ép ByteDance nhanh chóng hoàn tất thương vụ bán toàn bộ TikTok cho Microsoft của Mỹ. Trước đó, Microsoft cho biết sẽ hoàn tất thương vụ đàm phán mua lại TikTok trước cuối tháng 9-2020, bao gồm mua lại nghiệp vụ của TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, tiến tới mua lại nghiệp vụ của TikTok trên toàn cầu, bao gồm cả tại thị trường Ấn Độ và châu Âu.
Khác với Huawei liên quan đến công nghệ then chốt và người tổ chức chuỗi cung ứng, TikTok chỉ là công nghệ ứng dụng mạng hoặc là sản phẩm đã được thị trường hóa. Dự báo cung cho hay, Mỹ sẽ còn nhiều đòn tấn công nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc nhưng quan hệ Trung - Mỹ thì vẫn giữ được lằn ranh đỏ.