Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần

Ngày 17-6-2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Doanh nghiệp (DN) số 59/2020/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021. Luật DN năm 2020 có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN.

Luật DN năm 2020 đã cắt giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện tốt hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường. Trong đó, Luật này đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu DN với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng. Đồng thời, quy định DN có thể sử dụng dấu dưới hình thức chữ ký số thay cho dấu “truyền thống”.

Luật năm 2020 cũng bổ sung hình thức đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký DN bằng bản giấy; rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ chậm nhất 15 ngày xuống còn chậm nhất 3 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo; bỏ quy định DN phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN có trụ sở chính khi thay đổi thông tin của người quản lý DN.

Đáng chú ý, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ DNTN nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: DN được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này; chủ DNTN cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn; chủ DNTN có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó; chủ DNTN cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của DNTN.

Như vậy, nếu như Luật DN năm 2014 chỉ cho phép chuyển đổi DNTN thành công ty trách nhiệm hữu hạn thì Luật năm 2020 cho phép chủ DNTN có thể quyết định chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DNTN mở rộng quy mô, phát triển thị trường.

Ngoài ra, so với quy định hiện hành, Luật DN năm 2020 cũng bổ sung quy định hoàn toàn mới về thực hiện quyền của chủ DNTN trong một số trường hợp đặc biệt như: Trường hợp chủ DNTN bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; trường hợp chủ DNTN chết; trường hợp chủ DNTN chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế; trường hợp chủ DNTN bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; trường hợp chủ DNTN bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của DN.

Khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy định tại Luật DN năm 2020 đã được sửa đổi theo hướng mở rộng hơn. Cụ thể, DNNN bao gồm các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật này. Trong khi theo quy định hiện hành tại Luật DN năm 2014 thì DNNN chỉ bao gồm DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Luật DN năm 2020 cũng bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của DNNN. Những quy định mới này giúp nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động DN có sở hữu nhà nước.

Luật DN năm 2020 cũng mở rộng đối tượng không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam. Theo đó, ngoài việc kế thừa quy định về các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam tại Luật DN năm 2014 thì Luật DN năm 2020 cũng bổ sung thêm các tổ chức, cá nhân gồm người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN); tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Quy định về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh cũng có nhiều điểm mới. Theo Luật DN năm 2020, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu DN tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây: Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện DN không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật; tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan; đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.

Phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục QLTT tỉnh Tiền Giang)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202010/doanh-nghiep-tu-nhan-co-the-chuyen-doi-thanh-cong-ty-co-phan-911925/