Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng để đầu tư lớn vào thị trường năng lượngDoanh nghiệp tư nhân sẵn sàng để đầu tư lớn vào thị trường năng lượng
Trưởng Ban kinh tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình cho biết Nghị quyết 55 đưa ra nhiều điểm mới trong quan điểm chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia. Đáng chú ý là việc xóa bỏ những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.
Sáng 22-7, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức trực tuyến “Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020” đến các điểm cầu địa phương và các đại biểu quốc tế, với một phiên toàn thể cấp cao và bốn phiên chuyên đề. Diễn đàn tập trung vào việc triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cửa rộng cho doanh nghiệp tư nhân
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Trưởng Ban kinh tế Trung Ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, Nghị quyết 55 đã mở ra những cánh cửa mới, cho phép chúng ta tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung luật pháp, để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới, mục tiêu đảm bảo nguồn cung điện còn nhiều thách thức. Theo đó, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn, một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Thêm vào đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.
"Phải xác định rõ nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện. Đồng thời, trao đổi, đề xuất những vấn đề lớn, mang tính chiến lược để tạo lập cơ chế, chính sách tạo điều kiện để hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch”, ông Nguyễn Văn Bình nêu quan điểm.
Thực tế, suốt thời gian qua, khu vực tư nhân đã bước đầu tham gia, đầu tư vào phát triển năng lượng. Bà Bùi Thị Hồng Vân, Giám đốc công ty Angelin Energy, cho biết Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là “nét đột phá”, xác định được chính xác vấn đề của năng lượng Việt Nam hiện nay và đưa ra những giải pháp rất thiết thực và cụ thể, đem đến niềm hy vọng cho nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào ngành năng lượng trong 10 năm, 20 năm tới.
“Cơ hội phát triển thị trường năng lượng sẽ mở ra với các sản phẩm đa dạng mà nhà đầu tư tư nhân mang lại. Chúng tôi đã sẵn sàng triển khai khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, trong đó có đầu tư cảng LNG (khí thiên nhiên), năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Ngoài ra với Nghị quyết 55 chúng tôi tự tin với các phương án liên kết với các đối tác có kinh nghiệm phát triển tại các thị trường quốc tế để có giải pháp tối ưu nhất cho hoạt động của mình. Đồng thời cũng dễ dàng đưa ra những đề xuất thiết thực cho Chính phủ, cơ quan ban ngành về quy chuẩn kỹ thuật, giải pháp tiết kiệm hay khung pháp lý cho lĩnh vực này…”, bà Vân chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra hào hứng với mức độ cởi mở chính sách khi sẵn sàng hạ tầng để đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng. Cụ thể như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam dự kiến sẽ đầu tư khoảng 10.000 MW cho năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và điện gió từ nay cho đến năm 2030.
Hay như Công ty cổ phần Chân Mây LNG đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, như vốn, kỹ thuật, chuyên môn, điều hành, cung cấp khí để sẵn sàng triển khai khi có cơ chế chính sách rõ ràng. Cụ thể, doanh nghiệp cho biết sẽ đầu tư 6 tỉ đô la cho tổng công suất 4.000 MW. Giai đoạn đầu sẽ triển khai khoảng 2.400 MW và đưa vào hoạt động vào năm 2024.
Cũng có đồng quan điểm như vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, thực tế công tác phát triển năng lượng tái tạo thời gian vừa qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn nhiều so với kỳ vọng.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Điện lực để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Cần 7-10 tỉ đô la mỗi năm cho các dự án mới
Tại diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành năng lượng Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức về nguồn nguyên liệu sơ cấp ở Việt Nam ngày càng giảm như than, khí. Việc phải nhập khẩu những nguồn nguyên liệu này khiến chúng ta giảm khả năng tự chủ, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng để phát triển năng lượng còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, nhiều dự án điện than lớn trong Quy hoạch điện VII đang gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ do thiếu vốn và những quan ngại về vấn đề môi trường; thị trường năng lượng cạnh tranh chưa đồng bộ, bất cập về giá...
Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để triển khai Nghị quyết 55, trước hết là hoàn thiện thể chế, kiểm soát quá trình phát triển. Riêng về huy động nguồn lực cho năng lượng đến 2025, Việt Nam cần 7 - 10 tỉ đô la cho các dự án mới, đầu tư mạnh cho nguồn điện và truyền tải", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ.
Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mức 8% cho đến năm 2030, Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030, điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.
Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỉ đô la, cao hơn mức bình quân 8 tỉ đô la/năm trong giai đoạn trước đây, tập trung vào đầu kỳ. Điều này cho thấy sự chuyển dịch đầu tư ngày càng tăng vào năng lượng tái tạo, nhiệt điện và hạ tầng lưới điện.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu thô năng lượng. Chính vì vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược là chủ trương lớn của Chính phủ để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài.
V.Dũng