Doanh nghiệp ứng phó trước tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine

Dù có kim ngạch xuất, nhập khẩu không lớn so với các thị trường trọng điểm song Nga và Ukraine vẫn là thị trường truyền thống của hàng hóa Việt Nam. Căng thẳng giữa Nga - Ukraine khiến các doanh nghiệp (DN) Việt, trong đó có DN Đồng Nai, xuất khẩu hàng sang Nga bị ảnh hưởng.

Sản xuất gỗ trong nước sẽ gặp khó khăn trước mắt về gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: V.Gia

Sản xuất gỗ trong nước sẽ gặp khó khăn trước mắt về gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: V.Gia

Hàng xuất đi tạm dừng, hàng nhập khẩu cũng gặp khó khăn hơn, cùng với đó là những tác động dây chuyền làm các DN lo lắng.

* DN bị ảnh hưởng

Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Tuy nhiên, bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine có ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này.

Đầu năm nay, Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia đã xuất được một số đơn hàng trái cây sấy sang thị trường Nga. Đây là một trong những DN đi đầu trong việc sản xuất, phân phối và xuất khẩu trái cây sấy dẻo, các sản phẩm chế biến từ trái cây thay vì trái cây tươi trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm của công ty chủ yếu là các mặt hàng trái cây nhiệt đới sấy từ các loại trái cây tươi ngon, sẵn có tại Việt Nam như: xoài, đu đủ, thanh long, ổi, thơm, chanh dây. Cùng với các thị trường khác như: châu Âu, Hàn Quốc, Trung Đông thì doanh số bán hàng sang Nga đang tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, khi giao tranh Nga - Ukraine xảy ra đã thay đổi tất cả. “Hiện nay, chúng tôi đã buộc phải tạm ngưng xuất hàng hóa sang thị trường Nga dù đây là một trong những thị trường chính. Việc thanh toán các đơn hàng cũng rất khó khăn. Nếu tình hình này kéo dài, DN cũng chưa biết xoay xở theo hướng nào cho ổn thỏa nhất” - ông Hồ Quốc Thái, Giám đốc công ty, lo lắng.

Tương tự, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Long (chuyên sản xuất găng tay cao su) cho hay, ngoài thị trường trong nước và châu Á, DN mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, trong đó có Nga. Dịch bệnh bùng phát và hiện nay là giao tranh Nga - Ukraine khiến các DN xuất khẩu sang thị trường này bị ảnh hưởng. “Các đối tác của chúng tôi đang làm ăn với Nga đang kêu khó. Nam Long đã xuất hàng sang Nga nhưng những tháng gần đây, đơn vị nhập hàng chưa thấy liên lạc trở lại. Thị trường Nga xáo trộn, đồng rúp mất giá cũng khiến cho thanh toán quốc tế bị xáo trộn theo” - ông Lê Bạch Long chia sẻ.

* Tìm cách gỡ khó

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, đối với ngành gỗ, Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, thương mại 2 chiều trong ngành gỗ giữa Việt Nam với Nga nghiêng hẳn về nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Ngoài ra, một lượng gỗ lớn hơn nhiều từ Nga được các doanh nhân Trung Quốc nhập khẩu sau đó bán sang Việt Nam, nguồn này rất khó thống kê, phân tích. Gỗ có nguồn gốc từ Nga được nhập khẩu vào Việt Nam qua Trung Quốc, chủ yếu ở dạng sản phẩm gỗ xẻ và ván veneer.

Nga đã tạm dừng xuất khẩu một số loại lâm sản và sản phẩm gỗ sang môt số thị trường. Việc Nga hạn chế, cấm xuất khẩu khiến cho thị trường hụt về nguồn cung gỗ nguyên liệu, trong khi nhu cầu tiêu thụ về đồ gỗ tiếp tục gia tăng, đã đẩy giá gỗ nguyên liệu lên cao. Điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nguyên liệu trên thế giới và do vậy, nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ các thị trường khác cũng sẽ đối mặt với khó khăn.

Là DN đầu mối nhập khẩu và cung ứng gỗ nguyên liệu lớn cho Đồng Nai và cả khu vực phía Nam, nhiều năm nay, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu đã nhập khẩu số lượng đáng kể gỗ nguyên liệu từ Nga. DN này lo lắng và tìm cách giải quyết khó khăn. Một trong những giải pháp mà DN này cùng với Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai đang áp dụng là liên kết giữa các nhà sản xuất gỗ trong nước với nông dân, cơ sở trồng rừng lại với nhau. Việc liên kết, tạo nguồn cung ứng bền vững về gỗ trồng sẽ dần dần giảm áp lực cho gỗ nhập khẩu.

Bên cạnh việc chủ động hơn trong chuẩn bị nguyên liệu cho sản xuất thì vấn đề đa dạng hóa thị trường, tìm giải pháp gỡ khó được các DN chú trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm GC, các sản phẩm của công ty đã có mặt tại một số thị trường trọng điểm ở châu Á, châu Âu. Thời gian qua, sản lượng rau quả của công ty xuất sang các nước châu Âu tăng trưởng mạnh. Ngoài các thị trường từ trước, đã có thêm một số đối tác ở châu Âu liên hệ với DN để tìm kiếm nguồn hàng nông sản của Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện để GC tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

3 năm gần đây, xuất, nhập khẩu của các DN tại Đồng Nai sang Nga bình quân đạt khoảng 280 triệu USD/năm, chiếm gần 0,7% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh. Trong đó, các DN tại Đồng Nai xuất khẩu 192 triệu USD và nhập khẩu hơn 86 triệu USD. So với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, đây là con số không lớn song cũng đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa của Đồng Nai.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202203/doanh-nghiep-ung-pho-truoc-tac-dong-tu-cang-thang-nga-ukraine-3108735/