Doanh nghiệp và người lao động nỗ lực vượt khó - Bài 3: 'Khéo co' trong lúc khó (Tiếp theo và hết)

Thay vì sử dụng biện pháp đơn giản là sa thải người lao động, nhiều doanh nghiệp xoay xở, tìm nhiều cách cắt giảm các chi phí đầu vào, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh hay quan tâm chăm lo nhiều mặt để giữ chân công nhân...

Coi trọng người lao động

Ông Masahiro Kawamoto, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hitachi Astemo Hưng Yên (Khu công nghiệp Thăng Long 2, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) khẳng định với chúng tôi: “Việc tuyển dụng lao động đã không dễ, giữ chân được họ, nhất là những lao động giỏi, lành nghề là điều còn khó hơn. Tuyển được lao động cần một vài giải pháp, nhưng giữ chân họ phải có nhiều giải pháp và phải là một quá trình lâu dài”.

Công ty TNHH Hitachi Astemo Hưng Yên thành lập năm 2011, chuyên sản xuất linh kiện xe máy. Năm 2024, lượng đơn hàng của công ty giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, thay vì sa thải công nhân, công ty chú trọng giảm chi phí đầu vào như chi phí sử dụng điện bằng cách đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Hiện nay, công ty sử dụng 100% điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất.

Ngoài bảo đảm về lương, thưởng, công ty cũng rất quan tâm chăm lo đời sống công nhân từ bữa ăn trưa đến các hoạt động văn hóa, thể thao, hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn, tài trợ học bổng cho con em công nhân... Đi tham quan nhà ăn của Công ty TNHH Hitachi Astemo Hưng Yên, chúng tôi bất ngờ khi thấy không gian nhà ăn sạch sẽ, khang trang, bữa ăn ca được chuẩn bị chu đáo, đủ chất, đủ lượng và có nhiều thực đơn để người lao động lựa chọn. Ông Masahiro Kawamoto cho biết thêm: “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động là cơ sở vững chắc để họ gắn bó lâu dài với công ty. Hơn 500 lao động cả chính thức và thời vụ của công ty tại thời điểm này đều được hưởng đầy đủ chế độ phúc lợi”.

Giờ làm việc của công nhân Công ty TNHH Sơn Kansai Việt Nam (Khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Giờ làm việc của công nhân Công ty TNHH Sơn Kansai Việt Nam (Khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

Công ty TNHH Sơn Kansai Việt Nam (Khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) mặc dù cũng chịu tác động chung của tình hình kinh tế khó khăn nhưng vẫn nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng cách điều chỉnh một số sản phẩm nên sản lượng vẫn đạt hơn 1.600 tấn/tháng, mức tăng trưởng hằng năm đạt 10-20%. Kết quả này cùng với sự quan tâm chăm lo, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần nên người lao động càng thêm gắn bó, nỗ lực trong lao động sản xuất.

Mấy năm gần đây không có công nhân nào bị buộc phải nghỉ việc, thời gian làm vẫn duy trì 8 tiếng/ngày và 5 ngày/tuần, thu nhập ổn định. Anh Phạm Hồng Nộ, Tổ trưởng Tổ đóng thùng, Công ty TNHH Sơn Kansai Việt Nam chia sẻ: “Tôi làm việc ở đây từ năm 2010. Suốt 14 năm qua, tôi thấy lãnh đạo công ty luôn quan tâm đến mọi mặt đời sống của công nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi chính đáng của người lao động. Ngoài bảo hiểm y tế, công ty còn mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Tháng 7-2024, tôi bị ngã xe và phải mổ, nghỉ làm gần 3 tháng. Ngoài được hưởng chế độ từ công ty trong thời gian này, tôi còn được chi trả mấy chục triệu đồng tiền bảo hiểm nhân thọ”.

Theo “Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi tại Việt Nam năm 2024” của Talentnet Việt Nam và Mercer, tỷ lệ tăng lương của các doanh nghiệp trong nước giảm từ 6,7% năm 2023 xuống còn 6,3% năm 2024. Trong khi đó, với doanh nghiệp đa quốc gia, tỷ lệ tăng lương cũng giảm từ 6,7% năm 2023 xuống còn 6,5% năm 2024. Trong năm 2025, tỷ lệ này được dự đoán tăng nhẹ ở cả hai nhóm doanh nghiệp. Từ những con số này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc bộ phận Tư vấn nhân sự, Công ty Talentnet Việt Nam cho biết: “Dù tỷ lệ tăng lương giảm nhưng nếu nhìn vào những thông số như mức trả lương trên toàn quốc đều giảm, việc tỷ lệ tăng lương chỉ giảm nhẹ cho thấy các doanh nghiệp vẫn rất nỗ lực đồng hành với người lao động trong giai đoạn kinh tế khó khăn”.

Chia “lửa” cùng doanh nghiệp, công nhân

Năm nay đã 44 tuổi, lại bị suy thận nhưng chị Nguyễn Thị Duệ, quê ở xã Tân Thành, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) vẫn được Công ty TNHH KSD Vina tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình ưu ái giữ lại làm việc. Nhà chị cách công ty khoảng 15km, mỗi tháng chị chỉ đi làm được 15 công, những ngày còn lại chị phải vào bệnh viện để chạy thận. “Lương khoảng 3 triệu đồng/tháng, nếu không có bảo hiểm thì tôi không đủ tiền khám, chữa bệnh. Môi trường làm việc ở công ty rất tốt. Dù khó khăn nhưng công ty vẫn bảo đảm phụ cấp cho nữ công nhân bằng 1,5 giờ làm thêm; hỗ trợ công nhân nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; phụ cấp trang phục 100.000 đồng/người/tháng; thưởng doanh số 100.000-250.000 đồng/người. Tôi rất lo lắng nếu phải nghỉ việc, nhưng nếu công ty khó khăn quá thì tôi cũng sẵn lòng và vui vẻ nghỉ”, chị Duệ tâm sự.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội), 9 tháng năm 2024, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 178.747 lao động. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường lao động để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thông tin về thị trường lao động nhằm kết nối cung-cầu, hỗ trợ việc làm cho người lao động...

Sau khi bị mất việc do doanh nghiệp giải thể, chị Nguyễn Thị Trà ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại đây, bên cạnh được tư vấn các thủ tục, chị còn được hướng dẫn đăng ký phỏng vấn việc làm mới. “Tôi được nhiều người mách là nên tìm công việc thời vụ, không làm hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội để có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là những cái lợi trước mắt. Hôm nay, tôi được kết nối với một số doanh nghiệp đang tuyển dụng công việc phù hợp với tay nghề. Tôi sẽ đăng ký phỏng vấn, nếu đạt yêu cầu tôi sẽ đi làm luôn”, chị Trà cho biết.

Giờ ăn trưa của công nhân Công ty TNHH Hitachi Astemo Hưng Yên (Khu công nghiệp Thăng Long 2, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Giờ ăn trưa của công nhân Công ty TNHH Hitachi Astemo Hưng Yên (Khu công nghiệp Thăng Long 2, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Về phía các doanh nghiệp, mong muốn lớn nhất là Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí, đơn giản các thủ tục hành chính để chia “lửa”, kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt khó. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - HUYỀN TRANG - VÂN HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-no-luc-vuot-kho-bai-3-kheo-co-trong-luc-kho-tiep-theo-va-het-808776