Doanh nghiệp vận tải cạn sức khi 'khó chồng khó'
Bến xe thưa vắng khách, xe nằm 'đắp chiếu', giá xăng tăng nhanh chóng mặt, nhưng nhà xe không dám tăng giá cước... đang khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khó gượng dậy, phải bán xe, nghỉ việc...
Lao đao
Giá xăng dầu tăng phi mã trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến các doanh nghiệp, lái xe vận tải càng thêm lao đao, đối mặt với nguy cơ phá sản.
Anh Cao Cường (quận Long Biên, Hà Nội) lái xe hợp đồng tuyến nội thành - sân bay Nội Bài chia sẻ, một tháng nay anh không dám nhận hợp đồng chạy tuyến, vì giá xăng tăng cao, càng chạy càng lỗ. Chiếc xe 7 chỗ Innova chạy hợp đồng trước Tết chỉ đổ khoảng 1 triệu đồng đầy bình xăng, có thể chạy 5 chuyến/ngày, với mức 200.000 đồng/chuyến, nhưng với giá xăng tăng chóng mặt hiện nay, phải đổ từ 1,5 - 1,7 triệu đồng, nên chạy chỉ có lỗ. Anh Hùng đang tính chuyển bán xe, chuyển nghề.
Còn anh Nguyễn Hùng, lái xe vận tải nhà xe Đồng Lợi chạy tuyến Hà Nội - Mai Châu (Hòa Bình) cho hay, nhà xe đang sở hữu 50 đầu xe khách chất lượng cao, nhưng đối mặt với giá xăng tăng, phần lớn xe đang nằm "đắp chiếu" tại bến, chạy thì không có khách, tăng giá vé thì mất khách, chủ doanh nghiệp đang đau đầu nghĩ cách cắt giảm chi phí vận hành, cho lái xe nghỉ việc vì không có lương, để bù lại chi phí xăng dầu. Tình trạng này tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp sẽ phá sản...
Tương tự, các hãng taxi cũng đang chìm trong khó khăn. Lãnh đạo Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cho biết, với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp taxi chỉ có hai phương án là tăng giá cước hoặc chấp nhận lỗ. Tuy nhiên, dù chọn bất kỳ phương án nào cũng không dễ. Vì trong cơ cấu giá thành, xăng dầu chiếm từ 25 - 30%, với mức giá như hiện nay, doanh nghiệp taxi không thể bù lỗ mãi.
"Hoạt động của các hãng taxi đã giảm 60 - 70% cả về doanh thu, lẫn nguồn nhân lực. Nếu tình hình không thay đổi, khó có doanh nghiệp nào trụ được", ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định.
Không chỉ lĩnh vực vận tải khách, giá xăng dầu cao kỷ lục cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp hàng hải, đường thủy. Một doanh nghiệp vận tải biển nội địa tại Hải Phòng cho biết, giá dầu hiện tại tăng hơn 45% đã đẩy giá thành vận tải tăng hơn 20%. Trong khi đó, giá cước áp dụng với khách hàng chưa thể điều chỉnh khiến doanh nghiệp lỗ chồng lỗ. Đặc thù của phần lớn các đơn hàng vận chuyển hàng hóa là hợp đồng dài hạn, nên không thể điều chỉnh tăng ngay giá cước...
Doanh nghiệp cần hỗ trợ như thế nào?
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chính phủ đã thông qua đề xuất giảm 2.000 đồng thuế môi trường đối với mỗi lít xăng. Hy vọng, giá xăng dầu chỉ tăng trong ngắn hạn, còn nếu kéo dài thì các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tăng giá cước. Khi đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả chung, làm gia tăng lạm phát. Nhà nước nên sớm tháo gỡ bằng việc giảm thuế nhập khẩu và sử dụng quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu trong thời gian nhất định.
Về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; có chính sách tín dụng như hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải thủy nội địa; xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ; đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương gia hạn giảm phí, lệ phí hàng hải, phí sử dụng công trình hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng.
Còn theo lãnh đạo Vietnam Airlines, thời gian qua, giá nhiên liệu bay Jet A1 đã tăng từ mức gần 73 USD/thùng năm 2021 lên hơn 100 USD/thùng hiện nay. Việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3/2022 đạt trên 130 USD/thùng, khiến chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng và nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng...