Doanh nghiệp vận tải 'điêu đứng' trước giá xăng dầu tăng
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Đối với các đơn vị vận tải, việc xăng dầu tăng giá đã khiến chi phí đầu vào bị đội lên cao, buộc họ phải tìm mọi cách để thích ứng. Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long (TP Thanh Hóa) đã có 30 đầu xe chở container vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Những chiếc xe "nằm bãi" tại bến xe khách phía Bắc sau khi giá xăng dầu tăng mạnh.
Thời điểm giá xăng còn ở mức trên 20.000 đồng/lít, chi phí nhiên liệu rơi vào khoảng 30 triệu đồng/xe/chuyến. Từ khi giá xăng vượt 30.000 đồng/lít thì chi phí nhiên liệu đã chạm ngưỡng gần 45 triệu đồng/xe/chuyến, chưa kể các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển. Với mức tăng như vậy, chi phí trung bình của DN tăng lên khoảng 450 triệu đồng/tháng cho tiền xăng dầu. Đây là con số lớn buộc DN phải thắt chặt các chi phí khác để giảm thiểu thua lỗ. Đại diện công ty cho biết, chi phí xăng dầu tăng nhưng hiện tại cước vận chuyển hàng hóa chưa tăng, bởi tăng giá cước sẽ dẫn đến việc khách hàng lựa chọn ký hợp đồng vận chuyển với đơn vị khác và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu vẫn cao, lợi nhuận của công ty sẽ giảm, không có điều kiện để tái đầu tư.
Để thích ứng trong “cơn bão” giá xăng dầu, Công ty TNHH Đại Thắng đã đàm phán với khách hàng gom nhận đơn hàng xuống còn 2 lần/ngày. Hàng hóa di chuyển có thể chậm hơn nhưng tiết kiệm được tối đa chi phí. Khách hàng nào muốn nhanh, chấp nhận giá cao thì DN vẫn có phương án vận chuyển tối ưu, đồng nghĩa với việc giá cước tăng.
Không riêng gì các DN vận tải hàng hóa, giá xăng dầu tăng cao cũng khiến các DN vận tải hành khách “điêu đứng”. Theo ghi nhận của phóng viên, tại bến xe phía Bắc hiện có khoảng 60 đầu xe ô tô khách liên tỉnh và nội tỉnh đang hoạt động, chưa kể khoảng 100 lượt xe ô tô tải vào chở hàng mỗi ngày. Trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, nhiều tuyến xe khách ngoại tỉnh đã buộc phải điều chỉnh cắt giảm số lượng đầu xe, hoặc kết hợp chở hàng hóa. Vì thế, trong số 60 xe đăng ký hoạt động vào thời điểm trước đây, nay chỉ còn khoảng 40 đầu xe nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Còn với loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi, vốn hoạt động trên cơ sở thỏa thuận giữa lái xe và khách hàng, nhưng trước tác động của giá nhiên liệu tăng cao, dịch vụ này cũng đang gặp không ít khó khăn. Đơn cử như Công ty CP Taxi Bắc Trung Nam Thanh Hóa hiện có 421 đầu xe hoạt động. Trước tác động của giá xăng, DN này đã phải tiến hành điều chỉnh tăng 10% giá cước để duy trì hoạt động. Ông Tô Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty CP Taxi Bắc Trung Nam, cho biết: Thời gian tới, nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng thì sẽ rất khó cho DN vận tải nói chung và doanh nghiệp vận tải hành khách nói riêng. Rất mong Nhà nước có hỗ trợ để tạo điều kiện cho DN vượt qua thời kỳ này.
Rõ ràng với giá xăng dầu tăng cao như hiện nay đã gây áp lực rất lớn đối với ngành vận tải, đồng thời còn gây áp lực lên nhiều lĩnh vực khác. Ông Hồ Hữu Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô taxi Thanh Hóa, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh, cho biết, để vượt qua khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, các DN vận tải cần đổi mới hoạt động, cắt giảm tối đa những chi phí. Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu vẫn không giảm, Hiệp hội Vận tải ô tô taxi Thanh Hóa sẽ kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải trình UBND tỉnh đề xuất Bộ Tài chính cho phép tăng giá vé để DN duy trì, phát triển kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.