Doanh nghiệp vận tải vi phạm tốc độ nhiều lần: Sẽ tăng chế tài xử phạt

Tính từ đầu năm đến nay, các Sở GTVT trên cả nước đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 22.875 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên. Mới đây nhất, vụ tai nạn xe khách thương tâm đã xảy ra tại Đồng Nai cũng là hậu quả của việc lái xe vi phạm tốc độ.

Trong khi lực lượng chức năng tăng cường xử phạt vi phạm trên đường, thì hệ thống cảnh báo tốc độ thông qua thiết bị giám sát hành trình vẫn còn đang “ì ạch”, chưa thể đưa ra cảnh báo ngay khi lái xe vi phạm.

Hơn 469.000 phương tiện chạy quá tốc độ

Tại báo cáo mới nhất gửi Quốc hội về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2023 và phương hướng năm 2024, Bộ GTVT cho biết, tính đến hết ngày 30/8/2023, cả nước có 949.169 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 469.739 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu. Bên cạnh đó, các Sở GTVT đã và đang tiếp tục thực hiện tra cứu, cung cấp dữ liệu của các phương tiện theo yêu cầu của các cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo an toàn giao thông.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe khách Thành Bưởi vượt quá tốc độ cho phép gây ra.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe khách Thành Bưởi vượt quá tốc độ cho phép gây ra.

Về triển khai thực hiện quy định về việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải, theo thống kê của các Sở GTVT địa phương, có khoảng 200.000 xe thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định.

Báo cáo từ Bộ GTVT cũng nhấn mạnh: “Qua theo dõi cho thấy đến nay, các đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện việc lắp đặt xong đối với toàn bộ các phương tiện có tham gia hoạt động kinh doanh vận tải theo đúng quy định. Nhờ thực hiện quy định này đã góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện, người lái xe kinh doanh vận tải, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện và người lái, góp phần đảm bảo TTATGT, kéo giảm TNGT trên cả nước”.

Tuy nhiên, dữ liệu giám sát hành trình từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy hàng loạt nhà xe có số lần vi phạm tốc độ khá lớn, lên tới hàng ngàn lần mỗi tháng, trong đó có nhà xe vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần/tháng. Thậm chí có xe vi phạm tốc độ, do không được cảnh báo kịp thời đã gây ra vụ TNGT nghiêm trọng như nhà xe Thành Bưởi.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản hơn 2.300 trường hợp đơn vị vận tải vi phạm, xử phạt là 3,5 tỷ đồng. Riêng với Công ty TNHH Thành Bưởi, thanh tra phát hiện và lập biên bản 34 trường hợp vi phạm, phạt tiền 35 triệu đồng. Đối với xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình (GPS), trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở GTVT thành phố đã thu hồi 6.236 phù hiệu (biển hiệu) vi phạm tốc độ. Riêng Công ty TNHH Thành Bưởi bị thu hồi 246 phù hiệu.

Theo quy định, xe bị thu hồi phù hiệu được căn cứ: Khi trích xuất dữ liệu từ GPS của mỗi xe trong một tháng cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống). Theo đó, Sở GTVT đã ban hành quyết định kiểm tra chấp hành quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với Công ty TNHH Thành Bưởi, từ 5/10 đến 15/10.

Khó cảnh báo vi phạm vì thiết bị cập nhật chậm

Vi phạm là thế, song Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thừa nhận, các hành vi vi phạm khó xử lý do dữ liệu thiết bị giám sát hành trình hiện tại chỉ mới xử lý được vi phạm tốc độ. Tuy nhiên, thiết bị chưa đảm bảo thời gian vì phải phụ thuộc vào việc kết quả xử lý thông tin dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam trên phần mềm quản lý (thường trễ khoảng 2 tháng).

Sau nhiều vi phạm, đặc biệt là vụ tai nạn trên quốc lộ 20 giữa xe Thành Bưởi và xe Hải Đăng vừa qua khiến 5 người tử vong, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh mới lập đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh của nhà xe Thành Bưởi. Nội dung làm việc của đoàn tập trung làm rõ việc chấp hành thực hiện các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với Công ty TNHH Thành Bưởi.

Bàn về vấn đề vi phạm tốc độ, trên một số diễn đàn về giao thông, một số lái xe cho rằng, để xử lý tình trạng vi phạm tốc độ không quá khó, ngoài việc lực lượng Cảnh sát giao thông phạt nghiêm vi phạm tốc độ, lấn làn, vượt ẩu... cũng nên lắp đặt thêm camera trên đường ghi lại hình ảnh "phạt nguội" thật đúng, đủ lỗi vi phạm... chắc chắn nhà xe sẽ không dám ẩu, ngông nghênh vi phạm. Mặt khác, cần có biện pháp chế tài phía nhà xe, tránh chuyện ép tài xế chạy quá giờ, quay đầu xe liên tục để đạt chỉ tiêu...

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cũng cho biết, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình chưa đủ cơ sở pháp lý để chuyển cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Bởi theo quy định, loại thiết bị ghi nhận dữ liệu làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính phải được công nhận phù hợp quy chuẩn và phải được kiểm định định kỳ. Trong khi đó, thiết bị giám sát hành trình được công nhận hợp quy chuẩn nhưng chưa được kiểm định theo định kỳ.

Cũng theo ông Quyền, quy định xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nếu dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe trong một tháng ghi nhận có 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy nhưng chưa quy định phù hiệu bị thu hồi trong thời hạn bao lâu là bất cập. Do vậy, cần sửa đổi quy định thu hồi phù hiệu có thời hạn mới được cấp lại nhằm tăng tính răn đe. Ngoài ra, phần mềm quản lý dữ liệu cần được nâng cấp đủ thông minh để thống kê dữ liệu tự động, tạo sự tiện lợi cho người khai thác, quản lý thay vì khi xe nào xảy ra tai nạn mới tập trung rà soát, thống kê. Đặc biệt, phần mềm cần có tính năng cảnh báo trực tiếp trên thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe. Khi tài xế chạy quá tốc độ sẽ cảnh báo ngay để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thay vì người theo dõi dữ liệu kiểm tra hay hậu kiểm mới phát hiện.

"Nhà nước cần có chính sách phù hợp như doanh nghiệp nào có xe vi phạm ít sẽ được giảm mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe, kéo dài chu kỳ phù hiệu được cấp. Doanh nghiệp nào có xe vi phạm nhiều sẽ bị tăng mức phí bảo hiểm, rút ngắn chu kỳ của phù hiệu để hạn chế vi phạm của tài xế, doanh nghiệp", ông Quyền đề xuất.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/doanh-nghiep-van-tai-vi-pham-toc-do-nhieu-lan-se-tang-che-tai-xu-phat-i709559/