Doanh nghiệp vẫn vấp nhiều rào cản khi đón cơ hội từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và nhiều năm tới, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, những nỗi lo về chi phí ứng dụng, thiếu cơ sở hạ tầng, lo sợ rò rỉ cá nhân...vẫn 'bủa vây' doanh nghiệp.

Diễn đàn "Kinh tế số và Thương mại điện tử" ngày 15/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Thái Hoàng)

Diễn đàn "Kinh tế số và Thương mại điện tử" ngày 15/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Thái Hoàng)

Đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn "Kinh tế số và Thương mại điện tử" ngày 15/4 tại Hà Nội do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Cơ hội để doanh nghiệp bứt phá

Có thể thấy, chuyển đổi số và kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cú huých tái bùng phát của đại dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong quá trình đó, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chiến lược kinh doanh mới, chuyển đổi số nhằm tăng năng suất, nâng cao khả năng chống chịu với cú sốc bên ngoài.

Đánh giá về thực trạng ứng dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, qua khảo sát của Viện, nhận thức của doanh nghiệp về công nghệ số thời gian qua rất tốt, với hơn 50% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19; hơn 25% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có Covid-19 và duy trì ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, kỳ vọng của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số cũng rất lớn, đặc biệt là những kỳ vọng liên quan đến giảm chi phí (hơn 71% doanh nghiệp), giảm giấy tờ (hơn 61% doanh nghiệp), quản trị kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm (trên 50% doanh nghiệp)...

Dẫn kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, chỉ trong 3 năm gần đây, đa số doanh nghiệp đều đã có niềm tin vào việc cần phải chuyển đổi số và phải làm để có thể thành công. "Với 152.000 doanh nghiệp được khảo sát, đã có trên 30% doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau”, TS. Võ Trí Thành dẫn chứng.

Chặng đường còn gian nan

Dù khẳng định doanh nghiệp đã chủ động hơn trong ứng dụng chuyển đổi số nhưng theo TS. Lương Minh Huân, chặng đường phía trước vẫn còn rất gian nan khi doanh nghiệp vẫn đang vấp phải rất nhiều rào cản: chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, lo sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng...

Các doanh nghiệp đều xác định chuyển đổi số là “sống còn” và lâu dài, trở thành năng lực cạnh tranh mới. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Các doanh nghiệp đều xác định chuyển đổi số là “sống còn” và lâu dài, trở thành năng lực cạnh tranh mới. (Nguồn: Báo Đầu tư)

“Để thành công, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm”, ông Huân khuyến nghị.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù là lĩnh vực công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia, của doanh nghiệp. Để thành công, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cho biết, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được ban hành từ năm 2013 đến nay đã bộc lộ nhiều điểm cần sửa, đổi bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới.

Đơn cử, đối tượng phải xin cấp phép, xin đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP là tương đối rộng. Tại Dự thảo sửa đổi Nghị định này, Bộ Công Thương đề xuất, những website không có giỏ hàng, hoặc mang tính chất giới thiệu thông tin sản phẩm không cần làm các thủ tục thông báo với Bộ Công Thương. Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất quản lý thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; hợp đồng điện tử…

Theo ông Lê Đức Anh, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Đồng thời, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử năm 2021 để hoàn thiện Khung pháp lý và Chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.

Trong đó, thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; Quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài…

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doanh-nghiep-van-vap-nhieu-rao-can-khi-don-co-hoi-tu-chuyen-doi-so-142447.html