Doanh nghiệp vật liệu không nung bên bờ vực phá sản
10 năm trước, nhằm thực hiện Quyết định 567/QĐ của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, chuyển đổi, nghiên cứu các công nghệ mới sản xuất vật liệu này.
Sau 10 năm, kết quả đã không như mong đợi, ngành Vật liệu xây không nung đang rơi vào bế tắc bởi nhiều lý do, trong đó có các quy định pháp lý chưa đủ mạnh khiến hàng loạt doanh nghiệp đã và đang sắp phá sản. Bên cạnh đó, dự thảo Xây dựng “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030” mới đây lại khiến các doanh nghiệp này lo lắng hơn.
Doanh nghiệp đóng cửa nhà máy hàng loạt
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ – TTg ngày 28/4/2010, cùng các chỉ thị 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Hay Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu như lò đứng thủ công, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời có những quy định cụ thể về các công trình xây từ 9 tầng trở lên phải dùng 70% VLXKN…
Căn cứ vào các kế hoạch trên, đã xuất hiện “làn sóng” ào ạt đầu tư VLXKN, đưa vào thị trường khá nhiều sản phẩm như bê tông khí chưng áp (AAC), gạch xi măng cốt liệu với nhiều công nghệ mang thương hiệu của Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức...
Theo thống kê của các doanh nghiệp sản xuất VLXKN: Đến cuối năm 2014, toàn quốc đã có 12 nhà máy AAC đi vào sản xuất với tổng công suất thiết kế lên đến 1,95 triệu m³/năm (tương đương 1,365 tỷ viên gạch QTC/năm). Tuy nhiên, đến năm 2020 có 15 doanh nghiệp sản xuất thì 12 doanh nghiệp đóng cửa, dừng sản xuất do việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm AAC gặp phải khó khăn. Trung bình mỗi dây chuyền đầu tư từ 50 – 60 tỷ đồng công suất 150.000 m3 bị đắp chiếu.
Hiện nay chỉ còn 3 nhà máy hoạt động (Viglacera, Tân Kỷ Nguyên, Công ty cổ phần HASS) với tổng công suất khoảng 800.000 m3/năm (tương đương 0,56 tỷ viên QTC/năm).
Doanh nghiệp sản xuất gạch xi măng cốt liệu còn bi đát hơn, với khoảng 2.500 doanh nghiệp thì tỷ lệ đóng cửa gần 1.000 doanh nghiệp. Như vậy, nguồn vốn được các doanh nghiệp đầu tư đang trở nên lãng phí và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Gạch ống Ngôi sao Bình Dương cho biết: Tôi đã đóng cửa nhà máy và đang tìm hướng kinh doanh khác. Vì sản phẩm làm ra không bán được, coi như mất trắng 12 tỷ đồng đầu tư.
Ngành VLKN cần được chính sách đặc biệt
Ông Phan Hoài Thanh – Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty Cổ phần gạch khối Tân Kỷ Nguyên cho biết: Trong dự thảo về việc xây dựng “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030” của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ có đề xuất giải pháp thực hiện cho VLXKN: “Đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn khác: Khuyến khích sử dụng VLXKN và VLKN nhẹ tại các công trình nhà cao tầng; hạn chế việc sử dụng gạch đất sét nung với tất cả các loại công trình”.
Tại Điều 7 Chương 3 của Nghị định 09/2021/NĐ – CP, trong đó cũng yêu cầu: “Khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, vật liệu xây dựng sản xuất trong nước đối với các công trình sử dụng nguồn vốn khác”.
Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất VLKN cùng có ý kiến: Đề nghị Ban soạn thảo thay đổi thuật ngữ “khuyến khích” bằng “bắt buộc” sử dụng vật liệu không nung. Còn chủ đầu tư sẽ lựa chọn sản phẩm VLKN nào cũng được không cứ là vật liệu nhẹ. Vì nếu chỉ quy định các công trình có vốn ngân sách nhà nước phải dùng 100% VLKN, còn các công trình có vốn khác thì chỉ khuyến khích sẽ gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng cho môi trường cũng như sản xuất kinh doanh của ngành VLKN. Bởi các công trình không dùng vốn ngân sách mới sử dụng nhiều VLXKN, do đó, Bộ Xây dựng nên điều chỉnh lại các thuật ngữ này để chính sách đi vào cuộc sống và doanh nghiệp đã đầu tư VLKN còn có cơ hội hồi sinh, ông Thanh nhấn mạnh.
10 năm qua, VLKN đã tự khắc phục khó khăn, thiếu sót ban đầu để hoàn thiện, thâm nhập được vào thói quen của người tiêu dùng, góp phần xây dựng những công trình xanh có quy mô lớn như sản phẩm của Công ty Vật liệu xanh Đại Dũng đầu tư 180 tỷ đồng để sản xuất gạch xi măng cốt liệu, Công ty gạch nguyên khối Tân Kỷ Nguyên, Công ty Viglacera đầu tư hàng trăm tỷ đồng sản xuất gạch bê tông khí chưng áp.
Ngoài vấn đề bảo vệ môi trường, chính VLKN đã tạo ra một sự công nghiệp hóa trong xây dựng, đã nâng cao được tay nghề người thợ xây, rút ngắn được thời gian thi công, tiết kiệm chi phí... Nếu giờ đây những quy định trong dự thảo được thông qua thì chính là bước phát triển lùi của Chương trình 567 và lại trao cơ hội cho vật liệu nung lên ngôi, môi trường tiếp tục bị phá hủy.
Kiến nghị sát thực tế
Ông Trịnh Nhiên – Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng chia sẻ: Xu thế của thể giới đang hướng đến môi trường xanh, tại sao Việt Nam lại đi ngược với xu thế đó, nếu môi trường này chúng ta không gìn giữ thì thế hệ sau sẽ phải trả giá.
“Tại sao ngành VLKN lại có cái chết được báo trước như vậy? Gạch không nung và gạch nung đã không có sự cạnh tranh sòng phẳng về giá bởi gạch nung không bị đóng thuế. Nếu đánh thuế 300 đồng/viên gạch nung thì hàng năm chúng ta đã thu được hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Nhà nước không cần phải thanh tra, kiểm tra các lò gạch nung, tại sao phải “thả gà ra đuổi” làm gì, cứ để thị trường tự điều tiết. Chỉ cần chúng ta làm đúng, làm chuẩn như chương trình 567 thì sẽ thúc đẩy được ngành VLKN phát triển”, dưới góc độ điều hành Công ty gạch ống Ngôi Sao Bình Dương ông Dũng so sánh.
Còn ông Thanh lại đề xuất: Phải có chế tài đủ mạnh. Đối với các công trình yêu cầu từ 9 tầng trở lên phải sử dụng từ 70% VLKN nếu công trình không thực hiện Sở Xây dựng không nghiệm thu công trình và công trình không được hoàn công và đưa vào sử dụng.
Khi nhận được đề nghị góp ý cho Dự thảo về việc xây dựng “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030”, đại diện các doanh nghiệp đều đề xuất các phương án để phát triển VLKN một cách bền vững.
“Nên mời các tổ chức tư vấn quốc tế uy tín như: BCG, MacKensey, Đại học FullBright… tham gia vào việc xây dựng quy hoạch phát triển và cơ sở pháp lý cần thiết cho VLKN, định hướng sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu”, các doanh nghiệp có đkiến nghị chung.
Ngoài ra, họ cũng đề xuất cần liên kết Chương trình phát triển VLKN với Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong đó có cấu phần dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam.
Cần có quy định rõ lộ trình hạn chế việc sử dụng gạch nung tại các khu đô thị lớn trong mọi công trình không phụ thuộc vào nguồn vốn, đặc biệt với nhà cao tầng, tiến tới ngưng sử dụng gạch nung khi điều kiện cho phép.