Doanh nghiệp vật liệu xây dựng lạc quan hơn nhờ chính sách điều hành vĩ mô

Kỳ vọng vào sự bứt phá của thị trường, nhiều doanh nghiệp ngành Vật liệu xây dựng đã đặt ra những mục tiêu kinh doanh lạc quan hơn so với năm 2024.

Theo báo cáo thường niên của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên, năm 2024, tổng doanh thu đạt 6.904,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế "rất mỏng", đạt 60,1 tỷ đồng. Dự báo trong năm nay, ngành Xi măng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực, doanh nghiệp này đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới đạt 184 tỷ đồng, tăng thêm 206,2% so với năm 2024.

 Triển vọng thị trường tiêu thụ VLXD lạc quan hơn nhờ lực đẩy từ các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ. Ảnh: Hòa Phát.

Triển vọng thị trường tiêu thụ VLXD lạc quan hơn nhờ lực đẩy từ các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ. Ảnh: Hòa Phát.

Cũng trong năm vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đạt hơn 140.560 tỷ đồng doanh thu và đạt lợi nhuận ròng trên 12.020 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 77% so với năm 2023. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra ngày 17/4, Đại hội đã thông qua kế hoạch năm 2025 với doanh thu dự kiến 170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 15.000 tỷ đồng, tăng 24,8%.

Công ty CP Vicostone đặt mục tiêu cho năm 2025 với doanh thu thuần dự kiến đạt 4.719 tỷ đồng, tăng 9,2%; lợi nhuận trước thuế đạt 975 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2024.

Còn Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong, doanh thu thuần bán hàng năm 2024 của doanh nghiệp đạt 5.656 tỷ đồng; sản lượng bán hàng đạt 108.345 tấn; lợi nhuận trước thuế là 888,45 tỷ đồng. Trong năm 2025, Nhựa Thiếu niên Tiền phong dự kiến doanh thu tăng trưởng con số cụ thể là 6.000 tỷ đồng tăng 6,08%; sản lượng bán hàng đạt 117.500 tấn tăng 8,45% so với năm trước.

Kỳ vọng tăng trưởng thị trường vật liệu trong nước

Doanh nghiệp vật liệu xoay xở với thuế quan mới

Các doanh nghiệp nhận định, năm 2025, triển vọng thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng lạc quan hơn nhờ lực đẩy từ các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ như: đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội, cùng kỳ vọng hồi phục của thị trường bất động sản khi các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ.

Về chiến lược phát triển trong năm 2025 và những năm tiếp theo, mỗi doanh nghiệp đều có một hướng đi riêng phù hợp với tình hình thực tiễn của mình. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng bền vững, hội nhập, các doanh nghiệp đều tập trung vào lộ trình chuyển đổi số, tái cấu trúc nguồn lực nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh và năng lực quản trị; áp dụng khoa học công nghệ để sử dụng tài nguyên tiết kiệm, đẩy mạnh các giải pháp thân thiện môi trường, hạn chế giảm phát thải khí nhà kính.

Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung-lac-quan-hon-nho-chinh-sach-dieu-hanh-vi-mo-192250419204409231.htm