Doanh nghiệp viễn thông: Đối diện thách thức từ EVFTA

Nằm trong nhóm dịch vụ nhạy cảm, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ viễn thông trên thế giới. Do đó, khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp viễn thông trong nước sẽ đối diện sức ép cạnh tranh lớn.

Kiểm soát thận trọng

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), trong EVFTA, so với nhiều lĩnh vực dịch vụ khác, viễn thông có mức mở cửa thị trường hạn chế hơn về phạm vi hoạt động lẫn mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, so với cam kết của Việt Nam trong WTO, EVFTA đã có mức mở cửa mạnh hơn, nhất là đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không sở hữu hạ tầng mạng.

Thị trường viễn thông Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh

Thị trường viễn thông Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh

Hiện, phạm vi các dịch vụ viễn thông mà Việt Nam có cam kết mở cửa trong EVFTA tương tự như trong WTO. Nếu xét về phạm vi các dịch vụ viễn thông có cam kết, EVFTA không cam kết thêm dịch vụ viễn thông nào mới so với cam kết WTO. Tuy nhiên, mức cam kết mở cửa trong EVFTA rộng hơn ở một số dịch vụ.

Ông Tào Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - cho hay, trong EVFTA, cam kết liên quan tới dịch vụ viễn thông nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Do là nhóm dịch vụ nhạy cảm, gắn liền với an toàn, an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội nên luôn cần kiểm soát thận trọng.

Vượt áp lực cạnh tranh

10 năm trở lại đây, Việt Nam là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới, doanh thu năm 2018 đạt 395,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2017. Việt Nam đã phát triển các công nghệ 2G, 3G, 4G và hiện mạng 5G đang được doanh nghiệp thử nghiệm, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất thế giới. Tính đến tháng 7/2019, cả nước có 63 doanh nghiệp thiết lập mạng viễn thông công cộng, 75 doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông…

Ông Nguyễn Quý Quyền - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) - đánh giá, thực tế, các doanh nghiệp viễn thông trong nước có nội lực rất tốt. Khi EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ nhảy vào “sân chơi” rất khó cạnh tranh này. Mặt khác, EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho cả hai bên, doanh nghiệp Việt có cơ hội có thêm thị trường mấy trăm triệu dân ở EU; ngược lại, các nước EU có thêm thị trường 90 triệu dân ở Việt Nam.Tuy nhiên, ngành viễn thông sẽ đứng trước các áp lực cạnh tranh mới. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - phân tích, trong giai đoạn đầu, EVFTA hầu như không tạo ra tác động lớn nào về đầu tư nước ngoài trên thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam. Sau 5 năm, thay đổi cũng chỉ đáng kể ở mạng dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, đó là cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Lúc này, ngoài cơ hội, doanh nghiệp trong nước sẽ bị gia tăng áp lực khi thị trường có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; khách hàng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, giá dịch vụ, cơ chế quản lý với yêu cầu mới khắt khe. Doanh nghiệp sẽ bị đặt trong thế buộc phải đưa ra các dịch vụ tốt hơn, đa dạng hơn, an toàn hơn, giá hợp lý hơn để thu hút, giữ chân khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập:

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, viễn thông là ngành phục vụ sản xuất thiết yếu cho ngành khác nên sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực, song, cần vượt qua thách thức về bảo mật thông tin, quản trị và an toàn dữ liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-vien-thong-doi-dien-thach-thuc-tu-evfta-127471.html