Doanh nghiệp Việt bứt phá xuất khẩu với công nghệ số
Ngày 25-7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức hội nghị 'Bứt phá xuất khẩu - Thương hiệu Việt cất cánh toàn cầu', quy tụ đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và đối tác.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.Phạm
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, thích ứng nhanh và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đa phương, phát triển các công cụ xúc tiến thương mại tích hợp AI trong phân tích thị trường, quảng bá thương hiệu và tối ưu hóa tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và công nghệ làm động lực. "Đây sẽ là nền tảng để xuất khẩu số trở thành trụ cột trong chiến lược thương mại quốc tế và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam”, ông Hoàng Minh Chiến cho hay.
Tại hội nghị, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã cùng phân tích, thảo luận sâu về nhu cầu cấp thiết chuyển đổi mô hình kinh doanh trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang biến chuyển mạnh mẽ. Không còn có thể phụ thuộc hoàn toàn vào thế mạnh sản xuất truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị phải định hình lại chiến lược xuất khẩu theo hướng số hóa, lấy giá trị gia tăng và thương hiệu toàn cầu làm trọng tâm.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, xuất khẩu qua thương mại điện tử là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện. Từ một đơn vị gia công, doanh nghiệp cần vươn lên làm chủ thương hiệu toàn cầu, nắm quyền kiểm soát chuỗi giá trị, từ thiết kế, sản xuất, đến tiếp thị và trải nghiệm người dùng.

Các đại biểu đưa ra các nhận định, phân tích, góp ý tại hội nghị. Ảnh: H.Phạm
Theo báo cáo tại hội nghị, ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, trong đó đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng 11,5% trong 6 tháng đầu năm 2025.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều áp lực lớn như chi phí vận chuyển quốc tế leo thang, tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường ngày càng khắt khe, cùng sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường mới nổi,...
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được đánh giá là đang sở hữu nhiều lợi thế đặc biệt. Đó là nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo tốt, am hiểu công nghệ và có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Đặc biệt, các sản phẩm “Made in Vietnam”, từ đồ thủ công mỹ nghệ đến nông sản, thực phẩm chế biến và thời trang, đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ người tiêu dùng toàn cầu.