Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt xu hướng mới để xuất khẩu đến Hoa Kỳ
Sáng ngày 8/1/2025, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam và Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức hội thảo 'Chính sách mới của Hoa Kỳ: Những tác động đến thương mại và đầu tư'.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang bước sang một giai đoạn mới với nhiều điều chỉnh về chính sách kinh tế và đối ngoại, dự báo sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động thương mại - đầu tư toàn cầu.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 122,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là 108,9 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13,5 tỷ USD, tăng 7,3%. Nhờ vậy, xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong giai đoạn này lên đến 95,4 tỷ USD, tăng 26,7%.
Những con số trên khẳng định Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai. Trong khi, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN; giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đón nhận những dòng đầu tư công nghệ cao từ Hoa Kỳ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực như vi mạch và bán dẫn. Về đầu tư, tính đến tháng 11/2024, Hoa Kỳ có hơn 1.400 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ xếp thứ ba trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư, với hơn 1,55 tỷ USD. Điều đó cho thấy, sự quan tâm ngày một tăng từ giới đầu tư Mỹ đối với thị trường Việt Nam.
Ông Kevin Morgan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam, cho rằng Việt Nam có thặng dư thương mại 102 tỷ USD với Hoa Kỳ, tăng 26%. Vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu những tác động của chính sách thương mại của chính quyền mới của Hoa Kỳ.
“Mặc dù không ai biết chính xác chính sách thương mại và thuế quan mới sẽ như thế nào, nhưng tôi nghĩ tốt hơn là mỗi doanh nghiệp nên chuẩn bị và lên kế hoạch cho nhiều phương án khác nhau để tiếp tục kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ” - ông Morgan chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và Hoa Kỳ, nắm bắt được xu hướng, xây dựng kế hoạch phù hợp; đồng thời tăng cường kết nối để thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong tương lai. Những xu hướng thị trường và chính sách này có thể mở ra nhiều cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng xuất khẩu, song cũng tiềm ẩn những rủi ro về chi phí và áp lực cạnh tranh. Việc trang bị thông tin mới nhất cùng kinh nghiệm thực tiễn sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp linh hoạt hơn, đáp ứng kịp thời các biến động của thị trường và tận dụng hiệu quả cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã phân tích tác động có thể có của chính quyền mới tại Hoa Kỳ đối với sự phát triển thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam, bao gồm những vấn đề liên quan đến thương mại, thuế quan, công nghệ, tài chính và đầu tư.