Doanh nghiệp Việt chưa đủ sức đầu tư cho khoa học công nghệ

'Doanh nghiệp của chúng ta hầu hết chưa đủ sức đầu tư cho khoa học và công nghệ. Doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ nên với 10% lợi nhuận sẽ không đủ để họ đổi mới công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm mới'.

Đầu tư cho khoa học công nghệ có những đóng góp thiết thực cho phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Đầu tư cho khoa học công nghệ có những đóng góp thiết thực cho phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Luật khoa học công nghệ 2013 cũng đã đề cao vai trò của khoa học quản lý với yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải dành tối thiểu 3%, tối đa 10% để đầu tư cho khoa học công nghệ.

Tiếp xúc với lãnh đạo các đơn vị có thành tích đáng kể từ việc ứng dụng khoa học công nghệ, có thể nhận thấy điểm chung của họ là nhận thức về vai trò của khoa học công nghệ được định hình từ rất sớm trong tư duy của những người đứng đầu. Và thực tế cũng cho thấy đầu tư cho khoa học công nghệ có những đóng góp thiết thực cho phát triển của doanh nghiệp.

Ông Phạm Quốc Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết từ cách đây 18 năm lãnh đạo công ty đã ý thức được rằng: Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì cần đầu tư sâu vào công nghệ khoa học kỹ thuật để sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu trong nước đồng thời thỏa mãn được yêu cầu cao của thị trường nước ngoài. Và công ty luôn chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ.

Công ty Busadco là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm, công trình nghiên cứu, giải pháp hữu ích, sáng tạo, có những đóng góp trong lĩnh vực thoát nước và phát triển đô thị. Busadco và cá nhân Giám đốc Hoàng Đức Thảo đã liên tục nhận các giải thưởng, bằng khen của các cấp về các công trình sáng tạo, cải tiến công nghệ.

Chẳng hạn, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, theo ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có thể góp phần làm tăng giá trị của doanh nghiệp hoặc giá trị của sản phẩm hay là nói một cách đơn giản nó có thể giúp cho doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm và giảm tới nhiều nhất là 20%.

Doanh nghiệp Việt chưa đủ sức đầu tư cho khoa học công nghệ. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN

Doanh nghiệp Việt chưa đủ sức đầu tư cho khoa học công nghệ. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN

Thế nhưng, trên thực tế, vẫn ít các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được điều này. Nhìn ra các nước lân cận, trung bình đầu tư cho khoa học công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc cao gấp 3 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước; còn doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lớn gấp 10 lần mức đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ.

Trong khi đó, “doanh nghiệp của chúng ta hầu hết chưa đủ sức đầu tư cho khoa học và công nghệ. Doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ nên với 10% lợi nhuận sẽ không đủ để họ đổi mới công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm mới”, một lãnh đạo Bộ KHCN nhận định.

Và để ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động doanh nghiệp thì vai trò phải kể đến đầu tiên vẫn chính là người quản lý. Nhưng có một thực tế là không phải người quản lý doanh nghiệp nào cũng nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ, chưa kết hợp chặt chẽ ứng dụng công nghệ với quá trình tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh và đổi mới phương thức quản lý.

Ông Phạm Quốc Thắng, Công ty Tôn Đông Á thừa nhận: “Người lãnh đạo doanh nghiệp phải rất nỗ lực trong việc nâng cao hệ thống quản lý. Hệ thống quản lý ảnh hưởng đến năng suất chất lượng rất lớn. Nhờ vận hành thành công hệ thống quản lý nâng cao năng suất chất lượng, Công ty chúng tôi tự hào có thể đứng vững trong môi trường kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh.

Còn ông Hoàng Đức Thảo, Công ty Busadco bày tỏ: “Với Busadco, chúng tôi xác định chất lượng là cuộc hành trình không có điểm dừng, chất lượng phải được cải tiến liên tục, nhất là trong thời kỳ bùng nổ khoa học & công nghệ như hiện nay”.

Như vậy, dù Luật Khoa học công nghệ đã tạo điều kiện để KHCN đi vào cuộc sống, trở thành nhân tố quan trọng để doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình. Thế nhưng, ở mỗi doanh nghiệp, để khoa học công nghệ thực sự đơm hoa kết trái thì đó là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố nội lực đến từ con người, quy trình làm việc, chiến lược hoạt động của doanh nghiệp và quan trọng nhất vẫn là tư duy của người quản lý.

Nguyễn Thanh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/doanh-nghiep-viet-chua-du-suc-dau-tu-cho-khoa-hoc-cong-nghe/16583.html