Doanh nghiệp Việt lần đầu chế tạo thành công máy biến áp 500kV công suất lớn
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một doanh nghiệp trong nước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV có công suất lớn nhất trên lưới điện truyền tải Việt Nam.
Ngày 16/12, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) tổ chức Lễ xuất xưởng và gắn biển công trình "Thiết kế, chế tạo máy biến áp 500kV - 3x300MVA" chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
Ông Nguyễn Vũ Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cho hay, xuất phát từ thực tế phát triển của lưới truyền tải điện 500kV Việt Nam những năm gần đây, các máy biến áp (MBA) có gam công suất 3x150MVA và 3x200MVA đã và đang dần được thay thế bằng các MBA có công suất 3x300MVA. Do đó, EEMC nhận thấy cần sớm triển khai nghiên cứu chế tạo MBA 500kV có gam công suất 3x300MVA để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đề xuất của EEMC được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. EEMC cũng đã chuẩn bị rất nhiều hạng mục công việc chuẩn bị cho công tác chế tạo, từ xây dựng phòng thí nghiệm 500kV, nâng cấp nhà xưởng, đầu tư thiết bị công nghệ.
Từ tháng 9/2024 quá trình sản xuất MBA được tiến hành khẩn trương. Đến nay, sau khi hoàn thành chế tạo, máy biến áp 500kV - 3x300MVA đã được thử nghiệm và đạt tất cả các hạng mục thử nghiệm xuất xưởng theo tiêu chuẩn IEC.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điểm lại những thành tựu nổi bật của EEMC suốt 50 năm qua đã góp phần tăng tỉ lệ nội địa hóa trong ngành điện.
Với thành công ngày hôm nay, ông An nhấn mạnh, một lần nữa khẳng định truyền thống sáng tạo trong lao động sản xuất của tập thể cán bộ công nhân viên EEMC, không ngừng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới bám sát theo yêu cầu của thị trường.
phát biểu. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực, trong luật này có một quy định rất chặt chẽ là một số hạng mục, thiết bị, dịch vụ tư vấn đảm bảo cung cấp điện sẽ buộc phải sản xuất tại Việt Nam. Điều này đặt ra dung lượng thị trường lớn, cũng như là thách thức cho doanh nghiệp.
"Tới đây, bộ sẽ trình Chính phủ thông qua nghị định để hướng dẫn các nội dung để đạt được chỉ tiêu là các hạng mục, thiết bị sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu, gắn với hỗ trợ về vốn, nguồn lực đầu tư. Bộ cũng sẽ ban hành danh mục các trang thiết bị phải được sản xuất trong nước…", ông Hoài nói và cho rằng, hiện nay một tỷ lệ lớn trang thiết bị phục vụ cho ngành điện vẫn phải nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh: "trong giai đoạn tới, do năng lượng sơ cấp trên đất liền đã hết nên hướng đến phát triển các nguồn điện mới như điện gió ngoài khơi. Điều này đặt ra yêu cầu về nội địa hóa các thiết bị do liên quan tới an ninh quốc gia. Vì vậy, chúng tôi dự kiến toàn bộ trang thiết bị này phải được sản xuất trong nước. Bao gồm các máy biến áp, hạ áp, truyền tải...".
Trước thực tế trên, ông Hoài đề nghị, EEMC chú trọng nghiên cứu, đầu tư, tận dụng cơ hội và dung lượng thị trường, tăng tính hiệu quả...