Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu trái chanh leo sang Australia
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Blue Ocean (Blue Ocean JSC), đóng tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, chính thức xuất khẩu lô hàng trái chanh leo (chanh dây) sang thị trường Australia. Đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu trái chanh leo sang thị trường này.
Ngày 19/10, Blue Ocean JSC, thành viên của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), chính thức khai trương nhà máy chế biến trái cây đông lạnh tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và tổ chức nghi thức xuất lô hàng trái chanh leo đầu tiên sang thị trường Australia.
Giám đốc kinh doanh Blue Ocean JSC Phan Quốc Nam thông tin, với hơn 1,5 tấn chanh leo được xuất sang Australia hôm nay, đánh dấu Blue Ocean JSC là đơn vị Việt Nam đầu tiên xuất khẩu trái chanh leo sang thị trường này, sau nỗ lực đàm phán, mở cửa thị trường, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Australia. Chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang Australia, sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long.
Đại diện Blue Ocean JSC cho biết, để trái chanh leo tươi được xuất khẩu sang Australia, phải xây dựng được vùng trồng, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt và có sự kiểm tra, giám sát phía đối tác. Đồng thời, khâu sản xuất phải bảo đảm quy trình, quy chuẩn, tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học.
Cùng ngày, Blue Ocean JSC chính thức khai trương nhà máy chế biến trái cây đông lạnh tại Lâm Đồng.
Tổng Giám đốc Blue Ocean JSC Phạm Thị Ngọc Thạch cho biết: “Việc xây dựng nhà máy chế biến tại Lâm Đồng là bước đi chiến lược của công ty, nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Với tổng diện tích 10.000m2 và hệ thống công nghệ tiên tiến, nhà máy có khả năng sản xuất và cung cấp thị trường hơn 10 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Các sản phẩm được chế biến từ những loại nông sản lợi thế của tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như sầu riêng, chanh leo, chôm chôm, xoài, thanh long... Tất cả đều được xử lý qua quy trình cấp đông nhanh và đóng gói ngay sau thu hoạch, giúp giữ trọn hương vị, độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng tự nhiên.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, hiện diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh hơn 388 nghìn ha; trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 21%; diện tích cây ăn quả hơn 40 nghìn ha, tổng sản lượng khoảng 600 nghìn tấn; riêng cây chanh leo, toàn tỉnh có khoảng 900ha, cao điểm đạt hơn 1.200ha. Tuy nhiên, sản phẩm qua chế biến còn khiêm tốn. Việc Blue Ocean JSC khai trương nhà máy chế biến trái cây đông lạnh mở ra cơ hội mới cho nhà nông và công ty trong hình thành chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ.
Tiến sĩ Phạm S đề nghị, Blue Ocean JSC tiến hành rà soát vùng cây nguyên liệu tỉnh Lâm Đồng để tiến hành xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ; xây dựng nhà máy xanh và công ty trở thành mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Tỉnh cam kết hỗ trợ Blue Ocean JSC tham gia trong các chuyến hợp tác, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
Với công nghệ và dây chuyền sản xuất khép kín, vận hành theo tiêu chuẩn HACCP và BRCGS, sản phẩm của Blue Ocean JSC đáp ứng nhu cầu khắt khe của các thị trường lớn, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và EU.
Việc xây dựng nhà máy chế biến trái cây đông lạnh tại Lâm Đồng đã tạo thêm hàng trăm cơ hội việc làm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. “Chúng tôi luôn nỗ lực mang đến khách hàng những sản phẩm chất lượng cao và mong muốn đồng hành cùng nông dân, các đối tác để xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”, Tổng Giám đốc Blue Ocean JSC Phạm Thị Ngọc Thạch chia sẻ.
Tại sự kiện, Blue Ocean JSC và Công ty Maia (Nhật Bản) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về chiến lược cung ứng rau, củ, quả đông lạnh.