Doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường

Chiều nay (21/6), tại thủ đô Jakarta của Indonesia diễn ra Hội thảo giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia.

Hội thảo với sự tham dự của khoảng 100 doanh nghiệp từ cả hai nước, hội thảo là cơ hội để gặp gỡ, kết nối kinh doanh nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác thương mại song phương. Đoàn doanh nghiệp Việt Nam do ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á và châu Phi, Bộ Công Thương làm trưởng đoàn.

Hội thảo giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam- Indonesia

Hội thảo giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam- Indonesia

Indonesia và Việt Nam với tổng số hơn 375 triệu dân là những thị trường lớn trong ASEAN với nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước. Hiện có những tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia tham gia vào các cơ hội thương mại, đầu tư và đạt được những kết quả tốt đẹp. Điều này được thể hiện ở kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Indonesia đạt 14,17 tỷ USD vào năm 2022. Vốn đầu tư song phương tăng lên với vốn FDI từ Indonesia đạt khoảng 620 triệu USD vào năm 2022 và vốn FDI từ Việt Nam vào Indonesia là 50 triệu USD.

Các mặt hàng của Việt Nam được trưng bày giới thiệu đến các doanh nghiệp Indonesia

Các mặt hàng của Việt Nam được trưng bày giới thiệu đến các doanh nghiệp Indonesia

Phát biểu tại buổi hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông nhấn mạnh những ưu thế và tiềm năng của Việt Nam trước các đối tác doanh nghiệp Indonesia: "Việt Nam nồng nhiệt chào đón tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó các nhà đầu tư Indonesia đóng một vai trò quan trọng. Đến với Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ gặt hái những lợi ích kinh doanh từ thị trường 100 triệu dân với tốc độ tăng trưởng GDP cao, sức mua nội địa ngày càng tăng, môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động lành nghề và chăm chỉ, ký kết FTA với nhiều nước và có sự ổn định chính trị".

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng đánh giá những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương như khoảng cách địa lý gần, việc áp dụng ATIGA và các FTA khác của ASEAN với các đối tác, các đường bay thẳng đã được thiết lập, tạo thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư….

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đưa các mặt hàng như gạo, điều cà phê, sữa… đến để giới thiệu với các doanh nghiệp Indonesia và nhận được phản hồi tích cực.

Ông Fasika Khaerul Zaman từ công ty PT Delta wbibawa Bersama nhập khẩu gạo nhận định: "Chúng tôi nhập khẩu gạo Japonica từ Việt Nam và chúng tôi cũng đang mong muốn xuất khẩu các sản phẩm sang Việt Nam. Diễn đàn này rất tốt để chúng tôi có thể trao đổi, chia sẻ thông tin về các sản phẩm của nhau. Riêng đối với mặt hàng gạo, với dân số lớn Indonesia cần nhập khẩu rất nhiều gạo. Chúng tôi cũng đã có các đối tác từ các quốc gia khác nhưng chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về gạo của Việt Nam. Tôi thực sự thấy gạo Việt Nam có nhiều thế mạnh như gạo Japonica với chất lượng gạo ngon mà đặc biệt là giá thành thấp hơn một số loại gạo khác như gạo Nhật Bản”.

Dữ liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy 5 tháng đầu năm, trong top 10 quốc gia nhập khẩu lớn, Indonesia có sự tăng trưởng đột biến khi tăng mua hầu hết các loại nông sản Việt. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang nước này như thủy sản, rau quả, cà phê, gạo đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2022.

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, bên cạnh nhóm hàng hiện đang xuất khẩu, một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia như phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thủy sản, thịt bò. Về hoa quả đóng hộp có vải, nhãn, Indonesia không có lợi thế so sánh nhóm hàng này trong khi chưa mở cửa với quả vải và nhãn tươi của Việt Nam. Ngoài ra, còn có sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo.

Để thuận lợi trong xúc tiến quảng bá sản phẩm, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng cho hay với đa số dân số theo đạo Hồi, Indonesia là thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ Halal lớn nhất thế giới, do vậy doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal của Indonesia. Bên cạnh việc lưu ý doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang Indonesia, Thương vụ cũng khuyến cáo doanh nghiệp chú ý tới các biện pháp phòng vệ thương mại tại quốc gia này./.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-nam-va-indonesia-gap-go-va-tim-kiem-co-hoi-mo-rong-thi-truong-post1027846.vov