Doanh nghiệp Việt nên tìm hiểu thị trường tỉnh Sơn Đông

Bộ Công Thương nhận định, hiện thương mại Việt Nam và các tỉnh giáp biên với Trung Quốc đang phát triển tương đối ổn định, do vậy doanh nghiệp Việt nên chú trọng đến các tỉnh xa hơn, trong đó bao gồm Sơn Đông vốn là thị trường có nhiều tiềm năng.

Phiên giao thương giữa doanh nghiệp hai bên ngày 1/6. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Phiên giao thương giữa doanh nghiệp hai bên ngày 1/6. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho nhiều loại nông, thủy sản thế mạnh của Việt Nam, ngày 1/6 Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông (CCPIT Sơn Đông) tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)”.

Bên cạnh giới thiệu về các tiềm năng của hai thị trường, điểm nhấn của hội nghị là phiên giao thương giữa hơn 200 doanh nghiệp tại 5 lĩnh vực gồm nông sản – thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su - phụ tùng ô tô, xây dựng – vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

Các doanh nghiệp đã có cơ hội trao đổi trực tiếp về các vấn đề quan tâm, nhu cầu xuất – nhập khẩu các mặt hàng. Qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông), đẩy mạnh quan hệ kinh tế – thương mại hai nước ổn định, cân bằng.

 Doanh nghiệp việt Nam và Sơn Đông trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Doanh nghiệp việt Nam và Sơn Đông trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Đánh giá về thị trường Sơn Đông, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến nhận định đây là một thị trường giàu tiềm năng. Năm 2022, GRDP của Sơn Đông xếp thứ ba Trung Quốc, quy mô dân số của tỉnh 101,62 triệu người.

Sơn Đông cũng là khu vực sản xuất cây lương thực và cây trồng trọng điểm của Trung Quốc, được mệnh danh “kho ngũ cốc và dầu bông, quê hương của trái cây và thủy sản”.

Đồng thời, Sơn Đông là địa phương giữ vai trò nền tảng công nghiệp với 41 ngành công nghiệp lớn, là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.

“Với vai trò, vị trí và quy mô thị trường nêu trên, tiềm năng và dư địa để khai thác, phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Sơn Đông còn rất lớn”, ông Chiến nhận định.

Chia sẻ về kết quả thương mại Việt Nam – Sơn Đông thời gian qua, theo ông Chiến, năm 2022 thương mại hai chiều đã đạt gần 14 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 3,29 tỷ USD hàng hóa và nhập khẩu 10,26 tỷ USD hàng hóa.

Trong năm này, thương mại với Việt Nam chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Sơn Đông với ASEAN. Tuy nhiên, nếu xét trong bức tranh chung thương mại Việt Nam – Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Sơn Đông vẫn còn khá nhỏ.

“Tôi rất tiếc khi biết được kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Sơn Đông hiện vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm chưa tới 6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc.

Điều này cho thấy kim ngạch hai chiều vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế và nhu cầu hợp tác thực tế của doanh nghiệp hai bên”, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi.

Trước kết quả này, ông Sơn cho rằng, doanh nghiệp hai bên cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường. Đồng thời tìm hiểu về các quy định, chính sách thương mại thị trường thông qua hệ thống Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc.

Doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế để có thể kết nối trực tiếp như Hội chợ Thực phẩm Quốc tế Food Expo, hội chợ thương mại quốc tế VietNam Expo…

Đối với cơ quan chức năng, theo ông Sơn, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn Đông để làm cầu nối cho doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Ông Chiến cũng cho rằng, tỉnh Sơn Đông cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm đã có nghị định thư như yến sào, sầu riêng…

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-viet-nen-tim-hieu-thi-truong-tinh-son-dong-post22413.html