Doanh nghiệp Việt tăng cơ hội xuất khẩu qua kênh Amazon

Tính đến nay, đã có 100 doanh nghiệp đợt đầu tiên được lựa chọn để có thể đăng ký tài khoản và tập huấn thúc đẩy xuất khẩu qua Amazon. Từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục chọn thêm những doanh nghiệp nữa có đủ năng lực xuất khẩu qua Amazon.

Thông tin đáng chú ý được chia sẻ tại “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019: Đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu” do Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh vừa tổ chức mới đây cho thấy, nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thông qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý có chương trình hợp tác trực tiếp xuất khẩu qua trang bán lẻ điện tử lớn nhất thế giới Amazon.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, theo thỏa thuận hợp tác với Amazon, trong năm 2019, Bộ Công thương cùng Amazon sẽ hợp tác và hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam tham gia đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử của Amazon.

Cụ thể, chương trình hợp tác bao gồm 3 nội dung gồm: Xúc tiến xuất khẩu toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đồng thời cung cấp những khóa đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp thông qua đơn vị đầu mối triển khai trực tiếp là Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương.

Ước tính, năm 2018, gần 20.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt vượt doanh thu 1 tỷ USD trên Amazon. Hơn nửa số lượng sản phẩm được bán trên Amazon đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Đầu quý I vừa qua, Bộ Công thương đã bắt đầu gửi thông báo về các khóa tập huấn và công bố thông tin về chương trình hợp tác này. Trước đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã tổ chức phát động chương trình thúc đẩy xuất khẩu qua môi trường điện tử trực tiếp qua các kênh thương mại điện tử của Amazon.

Tính đến nay, đã có 100 doanh nghiệp đợt đầu tiên được đại diện Amazon và Cục Xúc tiến thương mại lựa chọn để có thể đăng ký tài khoản và tập huấn thúc đẩy xuất khẩu qua Amazon. Từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục có những khóa đào tạo như vậy để lựa chọn ra những doanh nghiệp có đủ năng lực xuất khẩu qua Amazon”, ông Phú cho hay.

Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại cũng cho biết thêm, trong chương trình hợp tác dài hạn hơn, cùng với việc triển khai các kế hoạch thúc đẩy hợp tác tập huấn và xuất khẩu trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam qua Amazon, hai bên đã thống nhất sẽ triển khai chương trình hợp tác trong giai đoạn 3 năm 2019 - 2021.

Theo đó, ở giai đoạn này, chương trình này sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh xuất khẩu toàn cầu; xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, các sản phẩm của doanh nghiệp trên các kênh bán hàng điện tử cũng như trên môi trường thương mại điện tử toàn cầu của Amazon; đào tạo các doanh nghiệp có thể phát triển xuất khẩu qua Amazon ở quy mô toàn cầu.

Chương trình này sẽ nhắm tới mục tiêu tạo cơ hội tham gia thương mại điện tử toàn cầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp tăng cơ hội hội và nâng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới trong thời gian tới.

Bên cạnh chương trình hợp tác trực tiếp với Amazon, theo ông Phú, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ thực hiện đồng bộ một loạt các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu bao gồm tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tư vấn xuất khẩu, kết nối giữa người mua và người bán để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung vào các thị trường đã có FTAs và thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) để sớm tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này trong năm nay khi các hiệp định có hiệu lực.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác trực tiếp với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, các tập đoàn thương mại điện tử lớn của thế giới, kết hợp ứng dụng thông tin trong xúc tiến thương mại và xuất khẩu nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện xúc tiến thương mại cũng như tìm cơ hội hợp tác trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam tới đây.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra những con số rất đáng quan tâm tại diễn đàn.

Cụ thể, năm 2017, tổng giá trị dòng số “nhúng” vào nền kinh tế đạt 81.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu số đạt tới 97.000 tỷ đồng. Tới năm 2030, dự báo các con số này sẽ tăng mạnh với giá trị lần lượt đạt tới 953.000 tỷ đồng và 652.000 tỷ đồng.

Điều này một lần nữa khẳng định xu thế tăng trưởng tất yếu của nền thương mại số trong hoạt động thương mại quốc tế và xuất khẩu tới đây.

“Thương mại số không chỉ bao gồm thương mại điện tử, mà còn bao hàm rất nhiều hình thức thương mại đa dạng thông qua các nền tảng số khác nhau nhúng vào các ngành kinh tế. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam bất kể mọi quy mô cấp độ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ có thể trực tiếp đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia và dòng chảy thương mại quốc tế nếu nhanh nhạy nắm bắt được cơ hội và ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Theo ông Gijae Seong, Giám đốc Phát triển bán hàng toàn cầu, Amazon Global Selling Đông Nam Á và châu Úc, với việc hợp tác xuất khẩu trực tiếp với Amazon, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận các thị trường mà Amazon có mặt nhờ vào sự hỗ trợ của Amazon cũng như xu thế phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, với nhiều tính năng công cụ hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp và người bán hành bán quản lý công việc kinh doanh hiệu quả dù là trên quy mô từng thị trường hay toàn cầu.

Các công cụ này bao gồm đăng ký, lên danh mục sản phẩm, đặt giá, hậu cần, hoàn thiện đơn hàng, quảng cáo, báo cáo và phân tích.

Bên cạnh đó, Amazon còn hỗ trợ xây dựng và tăng nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp, cũng như bảo vệ chống nạn hàng nhái hàng giả. Việc này thực hiện thông qua quá trình đăng ký nhãn hàng với Amazon, sau khi doanh nghiệp đăng ký, Amazon sẽ cung cấp số seri riêng cho mỗi sản phẩm để doanh nghiệp gắn lên sản phẩm nhằm giúp người mua qua các trang điện tử nhận diện và phân biệt hàng thật với hàng giả.

Hiện Amazon có trang thương mại điện tử tại 18 quốc gia, 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực. Trang điện tử có hỗ trợ 27 ngôn ngữ và danh mục hàng hóa hết sức đa dạng.

Các doanh nghiệp bán hàng trên Amazon đến từ hơn 130 quốc gia khác nhau. Thông qua chương trình Amazon Global Selling, những người bán thuộc nhiều loại hình và quy mô có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua hiện có. Đồng thời, tận dụng dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng của Amazon (Fulfillment by Amazon - FBA) để cung cấp những lợi ích trong quá trình hoàn thiện đơn hàng cho người mua tương tự như những người bán trong nước.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-viet-tang-co-hoi-xuat-khau-qua-kenh-amazon-post210017.html