Doanh nghiệp Việt vẫn bỏ ngỏ tiềm năng hợp tác, đầu tư tại Bắc Australia
Vùng lãnh thổ Bắc Australia có nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được hai phía đánh giá đúng mực và khai thác một cách hiệu quả.
Đó là nhận định chung được giới chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Australia năm 2024" do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Bắc Australia (NTVBC) tổ chức ngày 28/3, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE cho biết, những năm qua, chính quyền Bắc Australia luôn ủng hộ và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại với DN Việt Nam. Nắm bắt các cơ hội này, từ tháng 9/2021, VAFIE và NTVBC đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược để cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ giao thương và hợp tác đầu tư, giữa các DN Việt Nam và các DN Bắc Australia. Tuy vậy, việc triển khai kế hoạch hành động chậm so với dự kiến, nên đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt.
“Hội thảo không chỉ nhắc lại mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện, quan trọng hơn là tìm giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy quá trình hợp tác giữa nhà đầu tư, DN Việt Nam với đối tác Bắc Australia, cũng như DN Australia nói chung, vì lợi ích của DN và dân tộc Việt Nam, góp phần phát triển quan hệ toàn diện giữa hai nước theo định hướng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn đề cập.
Khẳng định tầm quan trọng của hợp tác quan hệ chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Australia là cơ sở cho hoạt động giao thương và đầu tư giữa các DN hai nước, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, những năm qua Bộ KH&ĐT vẫn có hợp tác chặt chẽ với đối tác Australia để triển khai chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế, thường xuyên có các hợp động phối hợp để thúc đẩy đầu tư giữa hai bên.
“Hiện nay chính phủ Australia cùng rất nhiều cơ quan, chính quyền các địa phương Australia đang muốn tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam, đặc biệt là vùng Bắc Australia. Bộ KH&ĐT đã lập sáng kiến “DN tiên phong” và phối hợp Bộ Thương mại Australia chọn ra 20 DN tiên phong của hai nước (gồm 10 DN Việt và 10 DN Australia). Sự hợp tác, gắn kết giữa cơ quan nhà nước và DN rất quan trọng, do đó các DN cần liên hệ thường xuyên với cơ quan nhà nước trong nước cũng như ở nước ngoài để được hỗ trợ”, ông Chung lưu ý.
Là người từng có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư tại Australia, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch NTVBC cho biết, Bắc Australia là bang có diện tích lớn thứ 3 và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Australia với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN. GDP trên đầu người của Bắc Australia thuộc hàng cao nhất Australia và là nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh cũng như sự tương đồng và tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam.
“Vùng Bắc Australia rất giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, di sản văn hóa người bản địa, nhiều khu bảo tồn nhiên hùng vĩ… Trong chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Australia đề ra phương pháp tiếp cận hợp lý, với mô hình thí điểm hợp tác đầu tư theo chuỗi cung ứng, tạo điều kiện có nhiều đối tác tham gia vào những mắt xích, hình thành chuỗi cung ứng khép kín, đảm bảo tính bền vững của dự án đầu tư, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng”, ông Mỹ đánh giá.
Các thông tin từ đại diện cơ quan Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cũng nhận thấy tiềm năng phát triển hệ thống thương mại, chuỗi siêu thị lớn tại Australia, thực tế nhiều DN tại Australia đã rất thành công khi phát triển chuỗi siêu thị. Vấn đề quan trọng là các DN cần có quyết tâm cũng như tầm nhìn dài hạn hơn trong chiến lược đầu tư của mình.
Mặc dù vậy, một số DN Việt Nam cũng bày tỏ, trước mắt nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho DN trong nước đầu tư ra nước ngoài. Định hướng những lĩnh vực có thể được chính sách ưu đãi từ hai bên, đặc biệt là chính sách tạm cư, visa hộ chiếu cho con người cũng như chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi trong dài hạn…
Theo bà Đặng Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Bắc Australia là vùng đất rộng người thưa nên có nhiều cơ hội đầu tư cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, để tức thời có dự án đầu tư sang không phải dễ và cần thời gian, nhưng đưa lao động sang lại là ý tưởng tốt.
“Thúc đẩy ngoại giao kinh tế là công tác trọng tâm của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao. Việc hỗ trợ người dân, DN phát triển đầu tư ra nước ngoài là nhiệm vụ chung luôn được cơ quan đại diện coi trọng. Khi các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mà cụ thể ở đây là Bắc Australia nên liên hệ với cơ quan đại diện để xác minh, tìm hiểu thông tin đối tác cũng như có các biện pháp hỗ trợ DN khi cần thiết”, bà Hà khuyến nghị.
Với nhiều thông tin được chia sẻ cụ thể và thiết thực, nhiều đại biểu cho rằng, hội thảo đã đóng vai trò kết nối các cơ quan hữu quan, các nhà đầu tư và DN hai nước để khai thác một vùng đất nguyên sơ đầy tiềm năng tại Bắc Australia. Đại diện VAFIE cũng khẳng định, ngoài chức năng hỗ trợ các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, Hiệp hội còn có chức năng hỗ trợ DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hiệp hội sẵn sáng kết nối đưa nhà đầu tư tiến ra các thị trường có tiềm năng to lớn, đem lại lợi ích thiết thực.