Doanh nghiệp với bài toán tái cấu trúc sau dịch Covid-19

Dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới, làm thay đổi cả xu hướng sản xuất, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia. Với Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, bài toán tái cấu trúc DN, tái cấu trúc sản xuất đang đặt ra cấp thiết để phù hợp với xu hướng của thế giới.

Tự động hóa vẫn là khâu yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành thực phẩm - đồ uống ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Tự động hóa vẫn là khâu yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành thực phẩm - đồ uống ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Xu hướng “số hóa” đang là vấn đề mà DN cần đặc biệt quan tâm nếu không muốn “chậm chân” và thất bại về lâu dài.

* Tái cấu trúc để tồn tại

Dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, sản xuất trở lại ổn định, song nhiều DN nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trải qua khủng hoảng lần này cho thấy, DN nhỏ và vừa phơi bày nhiều lỗ hổng trong quản trị, nổi bật là sự thiếu bài bản trong việc xây dựng DN.

Một trong những vấn đề bức thiết đặt ra là DN cần phải thực hiện một cuộc tái cấu trúc, từ chiến lược, tài chính, nhân sự, hệ thống quản lý đến văn hóa DN. Thực tế, có nhiều chủ DN lo chạy theo những đơn hàng, những sự vụ công việc hằng ngày mà không để ý tới việc xây dựng hệ thống quản trị, khi xảy ra những biến cố thì DN rất khó để chuyển mình thích ứng với hoàn cảnh khó khăn...

Anh Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu hướng Việt (Vinatrends) cho hay, DN của anh từng vấp phải những khó khăn, sai lầm ở trên và đối mặt với nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, DN đã tái cấu trúc và phát triển mạnh trong 2 năm gần đây. Do vậy, theo anh Hà, cho dù là DN nhỏ nhưng các công ty cũng cần phải phát triển chuyên nghiệp, linh hoạt để thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi một cách nhanh chóng.

Bài toán về quản trị dòng tiền, nhân sự cũng làm “đau đầu” nhiều chủ DN hậu Covid-19. Việc cắt giảm nhân sự để giảm chi phí hay giữ nhân lực nhằm phục vụ chiến lược dài hơi không phải dễ dàng. Chủ một DN ngành Giáo dục tâm sự, anh đã phải rất trăn trở khi nhân viên xin nghỉ bởi công sức đào tạo nhân sự không phải dễ dàng, trong khi tình hình tuyển sinh vẫn chưa trở lại được như trước đây.

Tái cơ cấu, tái sắp xếp không chỉ là nhu cầu riêng của mỗi DN mà còn đặt ra cho cả chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết từng địa phương, quốc gia. Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cho hay, Vinastar nhận được nhiều đơn hàng của DN nước ngoài trên địa bàn và các DN Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ một DN nhỏ, hiện nay Vinastar đã bước lên hàng ngũ DN vừa nhưng để giữ vững và phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi sau đại dịch, đòi hỏi không chỉ cần tái cấu trúc riêng từng DN mà phải tái cấu trúc chuỗi liên kết, tái cấu trúc định hướng phát triển.

Đối với các DN ngành công nghiệp hỗ trợ đã bước đầu bước chân vào chuỗi liên kết toàn cầu thì sự hỗ trợ của Nhà nước cần phải mạnh hơn. “Đồng Nai nên có cụm công nghiệp cho DN công nghiệp hỗ trợ để các DN nhỏ và vừa tập trung lại. Khi đó, đối tác nước ngoài tới làm việc sẽ dễ hình dung ra chuỗi liên kết và cũng cho họ thấy năng lực thực sự của DN Việt Nam. Nếu cứ mãi nằm nhỏ lẻ bên ngoài thì rất khó để thuyết phục họ đưa nguồn hàng hay chấp nhận đặt hàng xuất khẩu của mình” - ông Mai Khanh nhận định.

* Hiện đại hóa, số hóa để hội nhập

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến giám đốc Sở KH-CN toàn quốc năm 2020 vào ngày 29-5, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hậu Covid-19 cũng như hội nhập và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, nếu DN không áp dụng KH-CN sẽ có nguy cơ ngày càng thụt lùi và chết.

Một khảo sát của Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa, trực thuộc Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, phần lớn DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi số. Hiện có khoảng 30% DN nhỏ và vừa biết đến chuyển đổi số và số hóa, tuy nhiên việc áp dụng của các DN mới chỉ ở bước đầu. Hầu hết vẫn đang loay hoay trong quá trình chuyển đổi từ DN truyền thống sang DN số. Do đó, cần có chương trình để làm rõ tư duy về chuyển đổi số, thay đổi tư duy cho DN.

Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng một hệ sinh thái số cho phép DN tham gia các hoạt động marketing số và tổ chức các hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số cho DN cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Tại Đồng Nai, những năm qua đã thực hiện một số chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy DN đầu tư đổi mới công nghệ, từng bước chuyển đổi số. Trong đó có chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2020 do Sở KH-CN thực hiện; Chương trình hỗ trợ đổi mới máy móc, công nghệ của Sở Công thương...

Tuy nhiên, số lượng và mức hỗ trợ chưa nhiều và DN cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Theo Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Hoàng, DN đa phần vẫn giữ lối tư duy sản xuất cũ, chưa thực sự thay đổi. Ngoài ra, khả năng tiếp cận và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại các DN nhỏ và vừa của tỉnh còn hạn chế do nhân sự và lãnh đạo DN chưa thực sự quan tâm đến vấn đề cải tiến năng suất... Nhiệm vụ của Sở là cung cấp các thông tin hỗ trợ rộng rãi đến DN; xây dựng cơ sở dữ liệu về các hoạt động năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước giúp DN tiến dần tới chuyển đổi số và số hóa.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202006/doanh-nghiep-voi-bai-toan-tai-cau-truc-sau-dich-covid-19-3008737/