Doanh nghiệp vụ 'chuyến bay giải cứu' cần cầu thị

Vụ án chuyến bay giải cứu vừa tạm khép lại với bản án sơ thẩm dành cho 54 bị cáo. Họ lần lượt nhận mức án từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến chung thân. Điều này tạo niềm tin trong dư luận về tính nghiêm minh khi lượng hình của HĐXX.

Tuy vậy, vấn đề gây băn khoăn xuyên suốt vụ án mà tới nay chưa thể giải tỏa là quyền lợi hành khách ở những chuyến bay này. Ngoài sự nài nỉ và chịu đựng, họ còn phải chi tiền rất lớn, gấp nhiều lần cho một hành trình hợp lý để được trở về quê hương.

Bản án sơ thẩm cho rằng không có cơ sở giải quyết nội dung trên. Như vậy, hành khách muốn công bằng thì cần thông qua những thủ tục dân sự không mấy dễ chịu, đặc biệt là chứng minh thiệt hại trong thời điểm cấp bách, nước sôi lửa bỏng ấy.

Với cơ quan chức năng và bản thân mỗi doanh nghiệp trong vụ án, việc so sánh chi phí 3 thời điểm trước, trong và sau "giải cứu" không khó. Ở thời đại mà nhiều dữ liệu đều lưu trên môi trường điện tử, việc làm rõ số lợi bất thường từ "thao túng dịch vụ" chia trên đầu mỗi chuyến bay, mỗi hành khách chỉ cần nhập công thức tính là xuất ra giấy trắng mực đen. Qua đó, dễ dàng chi tiết hóa mỗi chiếc vé và dịch vụ đi kèm bị nâng khống bao nhiêu tiền…

Để bù đắp phần nào mất mát và ấm ức của hành khách, doanh nghiệp trong vụ án cần tự giác tính toán và chủ động liên hệ để bồi thường. Đó chính là cách gỡ khó cho nạn nhân "chuyến bay giải cứu" vốn đã thiệt thòi, đồng thời khắc phục, gỡ gạc và xây dựng lại hình ảnh thương hiệu chính mình.

Những động thái mang tính thiện chí từ doanh nghiệp như phân tích ở trên sẽ có lợi không chỉ cho khách hàng, cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho niềm tin của xã hội vào sự nghiêm túc, cầu thị...

Tuấn Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/doanh-nghiep-vu-chuyen-bay-giai-cuu-can-cau-thi-20230730222240363.htm