Doanh nghiệp vừa phục hồi xuất khẩu gạo vừa lo gỡ vướng

Các doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực phục hồi sản xuất trước những tín hiệu sáng trên thị trường xuất khẩu. Nhưng song song đó, điều mong mỏi của họ là các cơ quản quản lý cần chủ động tham gia bảo vệ thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế, cũng như tháo gỡ các vướng mắc để tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan.

Theo ông Trần Vũ Đình Thi, Phó tổng giám đốc CTCP xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), trong quý 4/2021 này phía công ty đã và sẽ có những hợp đồng xuất khẩu (XK) gạo với dự kiến bình quân mỗi tháng sẽ xuất khoảng 20.000 tấn gạo.

Tiếp tục nối lại những đơn hàng mới

“Có nghĩa là đơn hàng tăng 100% so với quý 3/2021, hiện các đơn hàng vẫn đang tiếp tục đổ về rất nhiều”, ông Thi phấn khởi nói.

Các nhà XK gạo của Việt Nam phải thể hiện được tính cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ gạo quốc tế vốn đòi hỏi ngày càng cao.

Các nhà XK gạo của Việt Nam phải thể hiện được tính cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ gạo quốc tế vốn đòi hỏi ngày càng cao.

Hiện nay chính quyền tỉnh An Giang đang ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân ở các nhà máy chế biến lúa gạo và trong các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện tối đa để những nhà máy này dần phục hồi công suất 50% - 70% sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Còn tại Cần Thơ, sau vài tháng gián đoạn do tác động từ dịch bệnh, trong những ngày đầu tháng 11 này CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An đang chuẩn bị xuất hơn 20.000 tấn gạo thơm sang thị trường Hàn Quốc.

Như chia sẻ của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, đây chính là cơ hội để cho các doanh nghiệp (DN) lúa gạo tăng tốc XK những lô hàng mà các tháng trước đó phải giãn cách, phải tạm ngưng.

“Một số khách hàng nước ngoài truyền thống của các DN xuất khẩu gạo cũng tiếp tục nối lại những đơn hàng mới để chuẩn bị cho dịp lễ Noel sắp tới và cho năm 2022”, ông Bình cho biết.

Quan sát tình hình hiện nay cho thấy, các DN ngành gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có đà phục hồi sản xuất và XK gạo khá tốt. Nhiều nhà máy chế biến gạo hiện cũng đã đạt 70% công suất trước dịch.

Theo giới chuyên gia, XK gạo của Việt Nam trong quý 4/2021 và trong năm tới vẫn đang đón nhận những cơ hội tích cực khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp và lây lan nhanh khiến nhu cầu lương thực của nhiều nước tăng cao.

Điều quan trọng là các nhà XK gạo của Việt Nam phải thể hiện được tính cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ gạo quốc tế vốn đòi hỏi ngày càng cao. Thực tế cho thấy, chất lượng gạo XK của Việt Nam trong năm nay cũng tiếp tục được tăng lên, tuy nhiên tăng đến mức nào thì vẫn chưa có con số đo lường cụ thể.

Nhưng, điều rõ nhất là giá gạo XK của Việt Nam đã tăng cao hơn so với trước đây. Như từ đầu năm 2021 đến nay, giá trung bình XK gạo của Việt Nam đạt 529 USD/tấn, tăng tới 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường XK cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Như trường hợp thương hiệu gạo ST25 ngon nhất thế giới của Việt Nam vốn đã rất thành công trong 2 năm qua và trở thành thương hiệu gạo quốc tế, nhưng trong năm 2021 này lại đang dấy lên nỗi lo về chuyện gạo Việt mất quyền thi gạo ngon nhất thế giới.

Không để bỏ lỡ cơ hội

Theo những thông tin mới đây, dù chỉ khoảng một tháng nữa là đến thời điểm cuộc thi gạo ngon nhất thế giới (The World's Best Rice) năm 2021 sẽ diễn ra. Tuy nhiên, việc gạo Việt Nam có được dự thi hay không vẫn đang rất mù mờ vì các vấn đề liên quan đến câu chuyện vi phạm những quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Điều này được cho là hệ quả của việc vô tư vi phạm bản quyền thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” ST25 của một số DN.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ NN&PTNT cần lên tiếng với những cam kết mạnh mẽ để cộng đồng quốc tế biết là Việt Nam không chấp nhận kiểu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền thương hiệu đối với thương hiệu gạo của Việt Nam.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, như việc gạo ST25 vốn dĩ là niềm tự hào của gạo Việt nhưng cách quản lý chưa tốt, kéo theo mất uy tín thương hiệu của gạo Việt trên thị trường quốc tế. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh, nhằm tiếp tục đưa thương hiệu gạo Việt vinh danh trên trường quốc tế.

Bởi lẽ, việc đoạt được các giải thưởng quốc tế chính là cơ hội để đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới nhằm góp phần giúp XK được tốt hơn với giá trị gia tăng cao hơn.

Ngoài chuyện thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế, cần nhắc lại việc 2 tháng trước có một số DN phản ánh họ đã bỏ lỡ hợp đồng XK gạo thơm sang thị trường EU trong năm nay khi chưa được cấp giấy chứng nhận đảm bảo tính đúng giống gạo thơm, để hưởng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nhiều ý kiến cho rằng việc này do các DN còn gặp vướng mắc ở khâu kiểm tra tính đúng giống gạo thơm tại đầu mối là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thực hiện. DN muốn được Cục Trồng trọt cấp giấy xác nhận thì phải có giấy kiểm tra đồng ruộng từ trung tâm này.

Một DN xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết, các DN hầu như không thuê trung tâm này đi kiểm tra vì bất cập, phiền hà cũng như phát sinh chi phí, dẫn đến việc Cục Trồng trọt chưa cấp giấy xác nhận bất cứ đơn hàng nào của gạo thơm Việt Nam.

Điều này, như đánh giá của ông Phạm Thái Bình, đã làm lãng phí 30.000 tấn gạo thơm của Việt Nam đáng lẽ được hưởng thuế suất bằng 0% sang thị trường EU chỉ vì những khúc mắc ở ngay trong nước.

Từ chuyện lỡ nhịp XK gạo thơm sang EU để tận dụng ưu đãi thuế quan cho đến nỗi lo gạo Việt mất quyền thi gạo ngon nhất thế giới đang cho thấy, trong chính sách quản lý cũng cần được làm tốt hơn nhằm giúp XK gạo của Việt Nam không bỏ lỡ những cơ hội tốt trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-vua-phuc-hoi-xuat-khau-gao-vua-lo-go-vuong-1082067.html