Doanh nghiệp vung tỉ đô 'khuynh đảo' thị trường năng lượng tái tạoDoanh nghiệp vung tỉ đô 'khuynh đảo' thị trường năng lượng tái tạo

Quan sát mùa đại hội cổ đông năm nay của các doanh nghiệp ngành điện, có thể thấy chiến lược trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Với những năm đầu 'dạm ngõ' thì đến nay cuộc chơi năng lượng tái tạo đang được các doanh nghiệp này xác định một cách nghiêm túc hơn với những khoản đầu tư dồn dập với quy mô lên đến hàng tỉ đô la Mỹ.

 Hàng tỉ đô la đang được các doanh nghiệp rót vào thị trường năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Hàng tỉ đô la đang được các doanh nghiệp rót vào thị trường năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo cuộc khảo sát của Grant Thorton, năng lượng tái tạo nổi lên là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư nhất năm 2019 khi chiếm vị trí thứ ba sau công nghệ tài chính và giáo dục (năm 2018 đứng thứ 10). Sự tăng trưởng đột biến của lĩnh vực này có thể được tác động bởi các khoản đầu tư khủng đổ vào thị trường thông qua hàng loạt dự án mới.

Sự trỗi dậy của các tay chơi mới

Nếu như trước đây lĩnh vực năng lượng tái tạo thường được các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm thì đến nay nhiều doanh nghiệp nội đã nhảy vào cuộc chơi. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp kích hoạt các khoản đầu tư lên đến hàng tỉ đô la để tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực này.

Tập đoàn Công ty Bamboo Capital (BCG) đang là tay chơi mới mang nhiều tham vọng nhất trên thị trường năng lượng tái tạo khi rót hàng tỉ đô la vào lĩnh vực này trong vòng 2 năm. Tính đến thời điểm này, kế hoạch đầu tư của BCG vào năng lượng tái tạo lên đến 30.000 tỉ đồng với khoảng 10 dự án điện mặt trời thông qua công ty con là BCG Energy.

Trong 2 năm qua, BCG lên kế hoạch đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng với 6 dự án tại tỉnh Long An và 9.000 tỉ đồng cho 3 dự án ở Bến Tre. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, Công ty cổ phần Tầm nhìn Năng lượng sạch - thành viên trực thuộc BCG Energy cũng mới khởi công dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) với công suất 330MW và tổng vốn đầu tư lên đến 6.200 tỉ đồng.

Được biết, BCG Energy mới được thành lập năm 2017, nhưng với việc “bạo chi” cho các dự án quy mô lớn như vậy doanh nghiệp này đang trở thành một thế lực mới trên thị trường năng lượng Việt Nam.

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc BCG Energy cho biết, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng do tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ cao hơn tốc độ tăng trưởng của nguồn cung mới. Dự kiến trong năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 20 tỉ kWh và con số này sẽ gấp đôi trong năm 2025. Dư địa thị trường còn rộng là động lực để doanh nghiệp đầu tư trong giai đoạn này.

Sức hút từ năng lượng tái tạo cũng khiến nhiều doanh nghiệp lớn ngồi yên. Tại đại hội cổ đồng mới đây của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng năng lượng tái tạo là kế hoạch trọng điểm trong năm 2020.

Theo đó, REE đang triển khai một dự án điện gió, khả năng sẽ tăng gấp đôi công suất trong năm nay. Công ty đang chọn thầu và dự kiến thi công vào tháng 8 năm nay để hoàn thành vào cuối năm 2021. Ngoài ra trong thời gian tới, công ty còn một dự án điện mặt trời áp mái.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, trước đến nay việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng phần lớn vẫn là ngành nghề cơ bản chứ không phải “high risk – high return” (rủi ro lớn, lợi nhuận cao). Vì vậy việc đầu tư này hướng đến sự tăng trưởng ổn định chứ không phải tìm kiếm doanh thu lợi nhuận “nóng”. Tuy nhiên với các dự án điện mặt trời thì có thể tỷ lệ hoàn vốn nhanh hơn đôi chút (7-8 năm).

Chiến lược của REE đã được thể hiện nhưng kế hoạch và quy mô đầu tư vẫn chưa được tiết lộ cụ thể. Trái lại, tập đoàn Thiên Tân (Thiên Tân Group) lại không hề giấu diếm tham vọng khi chia sẻ khá chi tiết về lộ trình đầu tư tổ hợp dự án điện mặt trời 2 tỉ đô la của mình tại Ninh Thuận.

Thiên Tân Group chạm ngõ năng lượng tái tạo khi đầu tư 1.400 tỉ đồng xây dựng Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận từ năm 2017 với công suất 50MW. Mới đây khi dự án này được hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia (3-2020), doanh nghiệp này lại tiếp tục công bố kế hoạch mới.

Cụ thể, doanh nghiệp này biết Thiên Tân Solar Ninh Thuận mới chỉ là giai đoạn 1 của “siêu” dự án điện mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ được triển khai trong thời gian tới khi nhận được sự đồng thuận của địa phương và cơ quan chức năng. Tính ra, dự án sẽ có tổng công suất 1.000 MW trên diện tích 1.400 hec ta, vốn đầu tư được doanh nghiệp công bố là khoảng 2 tỉ đô la.

Những “cú nước rút” để nhận ưu đãi

Cái khó của doanh nghiệp nhỏ hiện nay là số lượng thiết bị chỉ đủ cho vài chục kWp, nếu nhiều hơn phải đặt hàng và thời gian trung bình 20-30 ngày mới có. Với tình hình chuỗi cung ứng gián đoạn vì dịch bệnh, thời gian đặt hàng có thể kéo dài hơn khiến cho quỹ thời gian trở nên hẹp dần.

Hàng tỉ đô la được các nhà đầu tư tung liên tiếp vào thị trường năng lượng tái tạo được nhìn nhận như là một cuộc đua nước rút để hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ cho lĩnh vực này. Cụ thể, sau khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời hết hiệu lực gần một năm thì mới đây đã có quyết định 13/2020/QĐ-TTg thay thế. Tuy nhiên thời hạn áp dụng ưu đãi của quyết định mới cho doanh nghiệp quá ngắn (22-5 đến 31-12-2020) khiến việc triển khai trở nên gấp rút và khó khăn hơn.

“Bây giờ chúng tôi phải hoạt động hết công suất để thi công, hoàn tất, hòa lưới điện vào cuối năm nay để hưởng được giá ưu đãi. Nếu qua thời gian này, theo qui định của Chính phủ phải đấu giá, quá trình đấu giá như nào chúng tôi vẫn chưa rõ", bà Mai Thanh cho hay.

Việc “chạy đua” với thời gian để hưởng ưu đãi có thể thuận lợi hơn với các doanh nghiệp lớn như REE, Thiên Tân, BCG… Tuy nhiên các doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn đã bước chân vào cuộc chơi này sẽ gặp nhiều thách thức với quỹ thời gian hạn hẹp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Cái khó của doanh nghiệp nhỏ hiện nay là số lượng thiết bị chỉ đủ cho vài chục kWp, nếu nhiều hơn phải đặt hàng và thời gian trung bình 20-30 ngày mới có. Với tình hình chuỗi cung ứng gián đoạn vì dịch bệnh, thời gian đặt hàng có thể kéo dài hơn khiến cho quỹ thời gian trở nên hẹp dần.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Điện mặt trời Nam Kha - cũng cho rằng công ty của ông sẽ dồn nguồn lực phát triển các dự án điện áp mái đã lên kế hoạch nhằm kịp hưởng giá ưu đãi, vị này dự đoán giai đoạn này sẽ sôi động không kém thời điểm trước 30-6 năm ngoái (khi Quyết định 11 còn hiệu lực).

Tuy vậy, ông Tuấn Anh cũng băn khoăn đến đầu năm 2021 khi chính sách hết hiệu lực, các doanh nghiệp điện mặt trời sẽ làm gì và phát triển ra sao bởi chính sách rất ngắn hạn, trong khi thời gian chờ ban hành chính sách mới kéo dài rất nhiều tháng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ bất lợi khi chính sách đấu giá điện được triển khai.

Không riêng gì các doanh nghiệp nhỏ, trong điều kiện khách quan (dịch bệnh, chính sách) thì việc chạy đua này cũng không hề dễ dàng với các doanh nghiệp quy mô lớn. Chia sẻ với cổ đông của REE mới đây, bà Mai Thanh tỏ ra thận trọng: “Doanh nghiệp đặt ra kế hoạch kinh doanh tích cực như thế này với các lĩnh vực mới trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Bây giờ cộng thêm yếu tố dịch thì phải xem xét ảnh hưởng vì hoàn cảnh bây giờ đã rất khác".

V.Dũng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/304176/doanh-nghiep-vung-ti-do-khuynh-dao-thi-truong-nang-luong-tai-tao.html