Doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế 'khủng', Bộ Tài chính nói gì?
Hiện nay có gần 10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn đang nợ thuế. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nợ thuế tới cả nghìn tỷ đồng. Cơ quan thuế đang tiến hành biện pháp cưỡng chế nợ thuế.
Tại họp báo thường kỳ quý IV/2023 Bộ Tài chính chiều 19/1, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã trao đổi thông tin về tình trạng doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế, đồng thời thông tin về kết quả rà soát nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp xăng dầu sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý thị trường xăng dầu vừa được ban hành.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, gần 10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn có nợ thuế, trong đó phần lớn thuế bảo vệ môi trường.
Về quy trình kê khai, nộp thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết: Theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp được phép tự tính, tự nộp theo quy định, cơ quan thuế kiểm tra, giám sát, đôn đốc kê khai, nộp.
"Sau khi doanh nghiệp thực hiện tự khai, tự nộp, cơ quan thuế sẽ rà soát, trường hợp doanh nghiệp kê khai thiếu, vi phạm về nợ thuế, cơ quan thuế địa phương sẽ tiến hành các biện pháp như đôn đốc, cưỡng chế tài khoản, sau đó cưỡng chế hóa đơn, cấm xuất cảnh người đại diện theo pháp luật", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Tổng cục thuế, với số nợ thuế của doanh nghiệp nói chung, Tổng cục Thuế kiểm soát chặt chẽ, cục thuế địa phương trách nhiệm liên quan quy định trong luật quản lý thuế.
“Doanh nghiệp được phép tự tính, tự nộp theo quy định, cơ quan thuế kiểm tra, giám sát, đôn đốc kê khai, nộp. Các đơn vị này, cơ quan thuế đã đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế. Với số nợ thuế của doanh nghiệp nói chung, Tổng cục Thuế kiểm soát chặt chẽ, cục thuế địa phương trách nhiệm liên quan quy định trong luật quản lý thuế”, ông Mai Sơn cho biết thêm.
Tại họp báo, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng chia sẻ về cách xử lý một số doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế. Với Công ty xăng dầu Hải Hà, Cục Thuế Thái Bình đôn đốc, quy trình cưỡng chế nợ thuế. Khoản nợ thuế từ ngày 91 phát sinh nợ trở đi, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế tài khoản, từ ngày 121 phát sinh nợ thuế sẽ bị cưỡng chế hóa đơn, có áp dụng biện pháp khác như đề xuất cấm xuất cảnh người đại diện pháp luật, xác định, kê biên tài sản.
Để ngăn tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, năm 2024, ngành Thuế tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính và cơ sở kinh doanh. Theo Tổng cục Thuế, tình trạng đa số doanh nghiệp đưa tài sản đảm bảo vay vốn gây ra khó khăn trong thu hồi nợ thuế.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc quản lý thuế theo nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự nộp, cơ quan thuế giám sát. Còn việc quản lý dòng tiền do doanh nghiệp chủ động. Các doanh nghiệp vi phạm trong quản lý dòng tiền sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết thêm, với doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế, cơ quan chức năng đã ra quyết định cưỡng chế và đang trong quá trình thực hiện.
Trước đó, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về thị trường xăng dầu, nhiều "ông lớn" xăng dầu bị bêu tên do nợ thuế như: Công ty Xuyên Việt Oil với số thuế nợ hơn 1.529 tỷ đồng, chiếm gần 20% số thuế bị nợ tại Cục Thuế TPHCM, trong đó, riêng số thuế bảo vệ môi trường lên tới gần 1.250 tỷ đồng; Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà nợ thuế 1.780 tỷ đồng và chủ yếu là nợ thuế bảo vệ môi trường.
Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng “bêu tên” Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà nợ thuế lớn nhất, lên tới 1.780 tỷ đồng và chủ yếu là nợ thuế bảo vệ môi trường. Sau nhiều lần đòi nợ, Cục Thuế Thái Bình gửi đề xuất cấm xuất cảnh lãnh đạo công ty này.
Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu với số tiền nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Giải trình về lí do nợ thuế, doanh nghiệp này cho biết, do việc kinh doanh xăng dầu năm 2022 biến động khiến công ty thua lỗ nặng. Sau nhiều lần yêu cầu cưỡng chế, Cục Thuế Hậu Giang áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% doanh nghiệp nợ thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn.