Doanh nghiệp xăng dầu 'than' khó khi lập hóa đơn điện tử: Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo quyết liệt
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rất quyết liệt các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải đầu tư trang thiết bị và xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng, tuân thủ quy định tại Nghị định 123 có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.
Doanh nghiệp kêu khó lập hóa đơn bán xăng điện tử
Vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rất quyết liệt các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải đầu tư trang thiết bị và xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng, tuân thủ quy định tại Nghị định 123 có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.
Cho tới nay, sau hơn 1 năm quy định này có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn than khó. Bên cạnh đó, một số ý kiến còn lo ngại việc yêu cầu các cây xăng phải xuất hóa đơn điện tử sẽ gây lãng phí và ách tắc.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hải Dương cho biết, chỉ riêng một cây xăng thuộc hệ thống bán lẻ mỗi ngày đón 300 - 400 lượt khách.
Để xuất được hóa đơn điện tử, doanh nghiệp cần phải ghi nhận thông tin của khách hàng, bao gồm thông tin cá nhân, địa chỉ email, thông tin thanh toán,... Mỗi khách ghi nhận thông tin sẽ mất tối thiểu 5 phút.
“Đấy chỉ là mức tối thiểu để ghi nhận thông tin khách hàng để xuất hóa đơn. Thực tế, có nhiều tình huống xảy ra có thể khiến thời gian này tốn lâu hơn. Như vậy, mỗi ngày chúng tôi phục vụ cho hàng trăm khách, người nào cũng phải chờ 5 phút/lượt, đương nhiên là sẽ tắc và tốn khá nhiều thời gian. Đó là còn chưa kể, có trường hợp khách hàng đọc sai địa chỉ thư điện tử”, vị này nói.
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng về vấn đề này. Bộ Công Thương cho biết, việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu.
Hóa đơn điện tử hiện mới có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng với hơn 2.700 cây xăng. Các doanh nghiệp lớn khác như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, Còn hàng chục nghìn cây xăng của các doanh nghiệp bán lẻ khác chưa áp dụng do chi phí đầu tư lớn, thời gian thực hiện 1-3 năm.
Theo tính toán, trường hợp mỗi cửa hàng có 4 cột bơm xăng, chi phí cho thiết bị in khoảng 3 triệu đồng một cột bơm, với 17.000 cửa hàng bán lẻ hiện nay, chi phí này khoảng hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn chi phí trang bị chip đồng bộ, kết nối máy tính để xuất hóa đơn theo từng cột bơm nhiên liệu.
Bộ Tài chính nói gì?
Cũng liên quan về việc yêu cầu các cây xăng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong Luật Quản lý thuế đã quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Cụ thể, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Thêm vào đó, việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được quy định tại tại Nghị định 123 và một số Nghị định khác, như Nghị định 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 của Chính phủ, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ.
“Như vậy, quy định các công ty kinh doanh xăng dầu phải thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đã được quy định cụ thể rõ ràng”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định 123 quy định rõ đối với hóa đơn điện tử bán xăng đầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày.
Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng đối với các khách hàng lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu thực hiện lập hóa đơn điện tử với đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định.
Đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn, tuy nhiên, việc xuất hóa đơn điện tử đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh nên trên hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua).
Việc lập hóa đơn điện tử là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng hóa đơn điện tử đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Do đó, việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định và hóa đơn điện tử được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Bộ Tài chính cho rằng, thực tế thực hiện tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho thấy việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng cho khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn sẽ nhận được hóa đơn điện tử về hộp thư điện tử của mình để có thể tra soát, đối chiếu.
Đối với khách hàng không kinh doanh (không có nhu cầu lấy hóa đơn), hệ thống ứng dụng phát hành hóa đơn điện tử của doanh nghiệp tự động xử lý, phát hành hóa đơn và lưu trữ dưới hình thức điện tử và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử từng mặt hàng bán trong ngày.
“Việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được Tập đoàn thực hiện từ ngày 01/7/2023 tại 2.700 cửa hàng thuộc hệ thống và không xảy ra tình trạng ách tắc cây xăng”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cũng liên quan tới vấn đề này, chỉ trong một tháng qua, Chính phủ đã có 2 công điện nhắc việc thực hiện hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu. Mới đây nhất là Công điện 1284 ngày 1/12, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12 này. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.
Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ ngành kết nối, triển khai đồng bộ, chỉ đạo ngành thuế trong quý 1 hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin với hóa đơn điện tử. Hệ thống này nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, kết nối thông tin hóa đơn điện tử của cơ quan thuế được thông suốt, thuận lợi.
Đặc biệt, công điện nhấn mạnh: "Chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp cơ quan công an và các cơ quan liên quan khác tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm theo pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện".