Doanh nghiệp xây dựng 'đau đầu' trước 'bão' giá vật liệu
Trong quý I-2022, trước ảnh hưởng thị trường thế giới và xu thế tăng giá của các nguyên liệu đầu vào sản xuất, giá vật liệu xây dựng (VLXD) có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt giá thép tăng đột biến, không theo quy luật. Cụ thể, từ giữa tháng 2 đến nay, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu tăng mạnh (từ 600-1.200 đồng/kg)... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong quý I-2022, trước ảnh hưởng thị trường thế giới và xu thế tăng giá của các nguyên liệu đầu vào sản xuất, giá vật liệu xây dựng (VLXD) có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt giá thép tăng đột biến, không theo quy luật. Cụ thể, từ giữa tháng 2 đến nay, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu tăng mạnh (từ 600-1.200 đồng/kg); giữa tháng 3, giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm tháng 2 và tháng 1 là 3,5% và 7,5%. Đầu tháng 4, giá thép xây dựng vẫn chưa “hạ nhiệt”. Hiện, giá thép xây dựng các loại rơi vào khoảng 18.600-20.600 đồng/kg. Trung bình trong quý I-2022, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV-2021. Giá VLXD tăng khiến cho nhiều nhà thầu xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong: Không chỉ giá thép, từ đầu năm 2022 đến nay do ảnh hưởng của giá xăng dầu, cước phí vận chuyển tăng nên giá tất cả các nguyên vật liệu xây dựng đều tăng cao. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Nam Định theo quy hoạch, cấp phép không có mỏ đá, mỏ cát ít, trữ lượng cấp phép khai thác thấp buộc các doanh nghiệp xây dựng phải mua từ các tỉnh ngoài. Trong bối cảnh vật giá leo thang, cộng với đại đa số các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu cát, đá. Hiện, Công ty đang tham gia đầu tư xây dựng, thi công nhiều công trình mang tính trọng điểm của tỉnh như: dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, dự án 5 đoạn đê sông của tỉnh, dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận... Tất cả các công trình này đều ít nhiều chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá VLXD; trong đó từ đầu năm đến hết tháng 3-2022, đối mặt với việc giá nguyên vật liệu tăng “phi mã”, từ đầu tháng 4 trở lại đây, các dự án phải giãn, chậm tiến độ thi công do không nhập được đá, cát. Việc giãn, chậm thi công các dự án còn kéo theo nhiều hệ lụy trong đảm bảo giải quyết việc làm, ngày công cho người lao động, đảm bảo an toàn công trình đang thi công. Đáng bàn, giá vật liệu nhập tại thời điểm hiện tại tăng trong khi giá nhận thầu nhiều dự án Công ty đã ký kết hợp đồng từ một vài năm trước khiến giá thành thi công đội giá lên rất nhiều.
Theo đồng chí Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh: Đó là thực trạng chung mà tất cả các doanh nghiệp, các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh phải đối mặt. Việc tăng giá, khan hiếm nguyên vật liệu đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho cả doanh nghiệp xây dựng lẫn nhà quản lý. Trong đó, giá nguyên vật liệu tăng bất thường so với giá vào thầu ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian hoàn thành thi công và lợi nhuận; các doanh nghiệp nhận thầu các dự án hợp đồng theo giá cố định chắc chắn sẽ phải đối mặt với giảm sút doanh thu, thua lỗ, thậm chí phá sản nếu tiềm lực không đủ sức chống chịu. Đối với các dự án hợp đồng theo phương thức điều chỉnh giá thì phải thực hiện điều chỉnh giá. Nhóm các công trình mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang được tỉnh giao làm chủ đầu tư cũng đều chịu tác động tiêu cực trước biến động tăng giá VLXD; chắc chắn tới đây các dự án nằm trong phương thức có thể điều chỉnh giá sẽ phải điều chỉnh.
Để giảm bớt tác động tiêu cực từ thực trạng nêu trên, các doanh nghiệp xây dựng đều chủ động tìm nguồn vật liệu từ các tỉnh xa hơn (nhập đá từ các tỉnh Hòa Bình, nhập cát từ Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa...); thay đổi, bổ sung phương thức vận chuyển VLXD bằng đường bộ, đường thủy; ứng trước tiền để đảm bảo các đơn vị khai thác cam kết cung ứng đủ VLXD theo nhu cầu; tăng cường áp dụng các quy trình, kỹ thuật thi công mới, hiện đại giảm tiêu hao lãng phí VLXD. Các doanh nghiệp xây dựng cũng kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường bình ổn giá, quản lý, thực hiện hiệu quả cơ chế báo giá công trình sát thực tế, xem xét điều chỉnh giá VLXD cho phù hợp với giá của thị trường. Về lâu dài, cần có chính sách bình ổn giá VLXD và xây dựng đơn giá vật liệu sát với giá thị trường để tránh tình trạng, khi giá VLXD tăng cao nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả phục hồi kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, thi công xây dựng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực từ việc khan hiếm, tăng giá VLXD, đặc biệt là trước dự báo trong quý II-2022 và thời gian tới giá các loại VLXD sẽ tiếp tục gia tăng, các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng chú trọng thực hiện nhiều biện pháp tích cực. Trong đó, sẽ nâng cao trách nhiệm, phối hợp để kiểm soát, bình ổn thị trường, cập nhật giá hàng tháng, hàng quý; hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các quy trình điều chỉnh tại các dự án áp dụng phương thức hợp đồng có điều chỉnh. Các sở, ngành và địa phương bám sát chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan về việc phải vào cuộc bình ổn giá với các mặt hàng VLXD. Theo đó, ngành Xây dựng sẽ tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại VLXD theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng, giao thông; chủ trì, phối hợp với sở, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị Trung ương ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá VLXD; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền. UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo các cơ quan quản lý xây dựng công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá VLXD công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các đơn vị liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với ngành Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá VLXD.
Việc tích cực gia tăng các giải pháp từ phía các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp xây dựng nhằm hướng đến mục tiêu giảm tác động tiêu cực của tình trạng tăng giá VLXD, đảm bảo các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình trọng điểm, hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy