Doanh nghiệp xây dựng năng động vượt khó
Những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn do thị trường cạnh tranh khốc liệt, tình trạng nợ xây dựng cơ bản kéo dài, một số vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng các dự án chưa được giải quyết triệt để... Trước thực tế đó, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, trụ vững trên thị trường.
Theo khảo sát và dự báo của Cục Thống kê đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng thực hiện trong quý IV/2023 cho thấy, sẽ có tới 53,7% doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong năm 2024. Nguyên nhân do thị trường bị thu hẹp, giá cả và chi phí nguyên vật liệu tăng. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng xây lắp chưa được thanh toán khối lượng, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn đầu tư công chậm được xử lý cũng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng tiếp tục gặp khó khăn.
Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hiện có 61 doanh nghiệp chuyên hoạt động trên lĩnh vực tư vấn, đầu tư, xây lắp các công trình đang tham gia sinh hoạt tại Chi hội Doanh nghiệp Đầu tư, xây dựng. Trong đó đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập từ 6 - 20 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Đình Đông, Chủ sở hữu Doanh nghiệp tư nhân Đức - Tín - Hưng huyện Lộc Bình chuyên cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng và thi công các công trình xây dựng cho biết: Thị trường cung cấp vật liệu xây dựng hiện nay đang có sự cạnh tranh gay gắt do ngày càng nhiều đơn vị tham gia cung ứng trong khi thị trường ở Lạng Sơn rất nhỏ. Lĩnh vực đấu thầu thi công xây lắp cũng cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, bởi các chủ đầu tư 100% lựa chọn nhà thầu qua mạng, khả năng tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn hơn. Để trụ vững, đơn vị đã rà soát tất cả các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản trị doanh nghiệp nhằm tiết giảm chi phí quản lý. Cùng đó, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm các khách hàng mới tiềm năng trong khu vực tư nhân. Nhờ đó, từ năm 2022 đến nay, đơn vị vẫn duy trì việc làm ổn định cho 25 lao động có thu nhập ổn định từ 7,5 đến 14 triệu đồng/người/tháng.
Trong tình cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường liên kết để mở rộng thị trường. Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng giao thông Lạng Sơn là một trong số các doanh nghiệp điển hình. Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc công ty bày tỏ: Hiện công ty đang duy trì việc làm cho 70 lao động và thị phần lĩnh vực tư vấn xây dựng giao thông, đơn vị đang chiếm khoảng 20% tổng số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh thị trường lĩnh vực tư vấn đang cạnh tranh khá gay gắt và ngày càng bị thu hẹp, đơn vị đã đẩy mạnh liên kết với đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện các công trình xây dựng. Cụ thể như, ngay từ đầu năm 2024 đơn vị đã tham gia liên kết với doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội thực hiện hạng mục khoan khảo sát dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô nhằm tạo việc làm mới cho người lao động và nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho đội ngũ kỹ sư của đơn vị; tích cực tham gia đấu thầu các gói thầu tư vấn tại tỉnh lân cận như Cao Bằng và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm mà đơn vị đang tham gia thực hiện.
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư xây dựng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối đoàn kết để hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước vượt qua.
Ông Đào Trọng Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin: Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hiệp hội đã triển khai các biện pháp hỗ trợ các hội viên bằng cách kết nối doanh nghiệp xây dựng là thành viên của hiệp hội trong tỉnh với các doanh nghiệp xây dựng của các hiệp hội tỉnh bạn nhằm liên kết sử dụng dịch vụ của nhau. Cùng với đó, hiệp hội cũng tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin về tình hình đầu tư xây dựng, xu hướng đầu tư xây dựng, kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng nhằm giúp cho các doanh nghiệp hội viên có phương án huy động vốn, hoạch định kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả.
Qua tổng hợp sơ bộ, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 đã có 15 doanh nghiệp kinh doanh vật liệu, tư vấn, xây lắp liên kết sử dụng dịch vụ của nhau để duy trì sản xuất và có 12 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện liên danh thực hiện thi công xây lắp các gói thầu xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy những tín hiệu rất tích cực, các gói thầu xây lắp đều đạt và vượt tiến độ đề ra...
Với những giải pháp mà các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng đang triển khai và sự hỗ trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư xây dựng đã và đang từng bước vượt qua khó khăn để trụ vững trên thị trường. Qua đó, tiếp tục tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/doanh-nghiep-xay-dung-nang-dong-vuot-kho-5003978.html