Doanh nghiệp xoay vốn trả nợ cuối năm

Nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu hay trái phiếu để thanh toán các khoản vay ngân hàng.

.

Huy động vốn trước giờ G

Ngày 29/12 sẽ là thời điểm đáo hạn khoản trái phiếu 300 tỷ đồng của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII). Doanh nghiệp này đang triển khai đợt chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị dự kiến 500 tỷ đồng. Trong kế hoạch sử dụng vốn huy động, Công ty sẽ dành 300 tỷ đồng để thanh toán khoản nợ trên. Còn lại, CII góp vốn vào công ty con là chủ đầu tư dự án cao ốc văn phòng trên đường Điện Biên Phủ.

Lô trái phiếu sắp đáo hạn và sắp phát hành đều có kỳ hạn 3 năm. Tuy nhiên, trong khi lô trái phiếu phát hành 3 năm trước chào bán riêng lẻ, thì trái phiếu lần này sẽ phân phối rộng rãi ra công chúng. Lãi suất trái phiếu sắp chào bán áp dụng ở mức 10,3% trong năm đầu tiên và thả nổi với biên độ 4,025%/năm ở các năm tiếp theo, cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 0,725 điểm phần trăm so với lô trái phiếu phát hành năm 2017. Đây cũng là mức khá hấp dẫn khi so sánh với mặt bằng lãi suất trái phiếu hiện nay.

Ngoài khoản trái phiếu 300 tỷ đồng sắp đáo hạn, dư nợ trái phiếu của công ty mẹ CII đến cuối tháng 9/2020 là hơn 6.600 tỷ đồng. Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, doanh nghiệp này không thiếu tài sản có khả năng sinh lời, từ các bất động sản đang xây dựng đến các dự án hạ tầng trọng điểm như Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, theo dự tính, phải đến cuối năm 2020 và các năm sau, dòng tiền mới chảy về, khi dự án hoàn thành hay bắt đầu thu phí. Tình thế thanh khoản hiện tại buộc CII phải tìm đến nguồn vốn nợ trên.

Cách đầy gần 5 năm, Hoàng Anh Gia Lai cũng trải qua một khoảng thời gian dài đối mặt với những khoản trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Hoạt động kinh doanh không thuận lợi khi giá cả hàng hóa diễn biến không thuận lợi. Đã không ít lần, các chủ nợ của Hoàng Anh Gia Lai phải tổ chức cuộc họp tìm hướng tháo gỡ, gia hạn nợ. Nhưng rồi, “cửa sáng” đến với doanh nghiệp này khi chuyển sang trồng cây ăn trái thông qua công ty con chủ lực là HAGL Agrico và sau đó là cái bắt tay hợp tác với Thaco thông qua việc sở hữu 35% vốn cổ phần.

Theo kế hoạch, giữa tháng 1/2021, các cổ đông của HAGL Agrico, trong đó có Hoàng Anh Gia Lai (sở hữu 40,83% vốn), sẽ họp bất thường thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ. Công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai nhiều khả năng không tham gia mua đợt phát hành này và phải chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu. Nhưng đổi lại, HAGL Agrico sẽ có vốn để trả nợ, tạo đà để tiếp tục mở rộng kinh doanh. Bài toán cân đối dòng tiền và trả nợ đã đeo bám hai doanh nghiệp này nhiều năm nay.

Tận dụng nguồn vốn rẻ

Bên cạnh những khoản huy động vốn để giảm bớt gánh nặng nợ vay, thì không ít doanh nghiệp huy động vốn để trả nợ, nhưng lại tiếp tục vay nợ nhiều hơn. Thống kê của Tạp chí Phố Wall hồi tháng 9/2020 cho thấy, nhiều công ty đang phát hành chứng khoán mới để thanh toán khoản nợ ngắn hạn. Bối cảnh đại dịch mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn với giá rẻ. Đồng thời, với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, việc giảm các khoản nợ ngắn hạn với quy định về hạn mức tín dụng sẽ mở rộng dư địa đi vay và tăng cường tính linh hoạt tài chính.

Tại Việt Nam, Gilimex, một doanh nghiệp chuyên gia công sản phẩm gia dụng cho các hãng lớn của nước ngoài, là trường hợp như vậy. Doanh nghiệp này đã huy động được 180 tỷ đồng nhờ phát hành thành công 12 triệu cổ phiếu hồi giữa năm. Sau khi dành toàn bộ số tiền để thanh toán nợ vay tại Vietcombank, tổng nợ vay ngắn hạn đến cuối quý III/2020 tăng gần 27%.

Một số doanh nghiệp khác cũng đang có kế hoạch tương tự, dự kiến huy động vốn chào bán cổ phiếu và dành một phần lớn để trả khoản tín dụng ngân hàng. Như CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (mã HVH) lên kế hoạch sử dụng 109 tỷ đồng trong tổng giá trị đợt phát hành 150 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng và các tổ chức. Con số mục tiêu này thậm chí còn lớn hơn quy mô nợ phải trả của HVC đến cuối quý III/2020.

Trong kế hoạch chào bán cổ phiếu thêm 229,88 tỷ đồng của Licogi 18, hơn 57% số tiền huy động được để chi trả khoản nợ tại BIDV. Mặc dù vốn chủ sở hữu thường được coi là nguồn vốn đắt đỏ, nhưng như với kế hoạch của Licogi 18, mức trả cổ tức năm 2020 dự kiến chỉ là 5%. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ khiến áp lực tăng trưởng nặng nề hơn trong tương lai để bù đắp sự pha loãng cổ phiếu.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-xoay-von-tra-no-cuoi-nam-d135040.html