Doanh nghiệp 'xù' bán gạo dự trữ, nhưng tích cực đăng ký xuất khâủDoanh nghiệp 'xù' bán gạo dự trữ, nhưng tích cực đăng ký xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp đã quyết định 'xù' cung cấp gạo dự trữ cho Tổng cục dự trữ Nhà nước, nhưng lại rất tích cực tham gia mở tờ khai hải quan cho hợp đồng xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4-2020.
Thông báo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục dự trữ Nhà nước thuộc Bộ Tài chính cho thấy, cục dự trữ Nhà nước các vùng đã có quyết định hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
Cụ thể, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu số 4, 5, 6 và 7 thuộc dự án mua 9.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020.
Theo đó, bốn gói thầu nêu trên do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang (gói 4 và 6); Công ty cổ phần lương thực Hà Tĩnh (gói 5) và Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Bắc Hà Tĩnh (gói 7) là những đơn vị đã trúng đầu. Tuy nhiên, cả bốn đơn vị này đều từ chối hoàn thiện và ký kết hợp đồng nên có quyết định hủy.
Cục dự trữ Nhà nước khu vực TPHCM cũng đã thông báo hủy sáu gói thầu (từ 1 đến 6) cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp đã trúng thầu trước đó gồm, Công ty cổ phần lương thực Đông Bắc; Công ty TNHH xuất nhập khẩu lương thực Bình Minh Hai và Công ty cổ phần Lương thực Cao Lạng.
Riêng gói thầu số 5 và 6 (trong số sáu gói thầu đã được đề cập) bị hủy do không có nhà thầu trúng thầu. Bởi, giá dự thầu vượt giá gói thầu và không tham gia chào lại giá.
Trong khi đó, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ thông báo hủy thầu và hủy kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 đối với Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) với gói thầu số 1 và 6; công ty TNHH lương thực Bình Minh Hai với gói 2, 3 và 4; công ty cổ phần lương thực Cao Lạng với gói thầu số 5.
Tương tự, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp 10.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 đối với các công ty tham gia đấu thầu. Trong đó, Công ty TNHH Phát Tài đã đấu thầu gói thầu số 1, 7 và 8; Công ty cổ phần lương thực Cao Lạng đấu thầu gói thầu số 2; Công ty cổ phần lương thực Hà Tĩnh gói thầu số 3 và 5; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang gói thầu số 4; Công ty cổ phần lương thực Hà Nam Ninh gói thầu số 6 và Công ty cổ phần lương thục Thanh Nghệ Tĩnh gói thầu số 9.
Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính trong một văn bản mới đây cho biết, Tổng cục dự trữ Nhà nước đã đấu thầu 190.000 tấn gạo kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 và có 178.000 tấn gạo được các doanh nghiệp tham gia đấu thầu đã trúng thầu. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu, nhưng có văn bản từ chối hoặc không đến ký hợp đồng với tổng số lượng lên đến 160.300 tấn.
Thực tế, trong những thông báo nêu trên, Tổng cục dự trữ Nhà nước giải thích lý do hủy thầu đối với các doanh nghiệp đã đấu thầu là do nhà thầu từ chối thương thảo hợp đồng/không hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nêu trên, theo Tổng cục dự trữ Nhà nước là thu hồi số tiền bảo đảm dự thầu của các doanh nghiệp này để nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với TBKTSG Online về vấn đề nêu trên, Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers cho biết, trường hợp doanh nghiệp đã trúng thầu, được mời thương thảo hợp đồng, nhưng không thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, nhà thầu sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu (tức số tiền đảm bảo dự thầu sẽ mất).
Còn theo khoản 6 Điều 19 Nghị định nói trên, nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không thương thảo hợp đồng hoặc thương thảo không thành công, thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công, thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu.
Việc Tổng cục dự trữ Nhà nước chưa mua được số lượng gạo dự trữ 190.000 tấn kế hoạch của năm 2020, giám đốc một doanh nghiệp chuyên ngành gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (đề nghị không nêu tên) cho rằng, trước mắt việc này chưa tác động nhiều đến nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia. “Bởi, về nguyên tắc, Tổng cục dự trữ Nhà nước có thể đấu thầu lại", vị này cho biết và nói rằng, quy trình đó mất khoảng 10-15 ngày vì cần lấy dữ liệu và tổng hợp giá thị trường từ các địa phương để ra mức giá thầu mới.
Tuy nhiên, theo vị này, nếu trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, mà việc thực hiện mua dự trữ vẫn tiếp tục thất bại, thì vấn đề khi đó mới đáng ngại còn trước mắt, chưa có sự ảnh hưởng gì. Vị này nhấn mạnh việc doanh nghiệp “xù” hợp đồng dự trữ là do mức giá trúng thầu so với giá thị trường hiện nay biến động quá lớn, tăng khoảng 25%-28%.
Trung Chánh