Doanh nghiệp 'xù' hợp đồng gạo dự trữ quốc gia vẫn đi đấu thầu lại

Trong lần mở thầu đợt 2 mua gạo dự trữ quốc gia ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã từng trúng thầu lần 1 nhưng 'xù' hợp đồng vẫn đi đấu thầu lại lần 2.

Thông tin từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, ngày 12/5 vừa qua, 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc Tổng cục đã tổ chức mở thầu đợt 2 mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia trong đợt I (12/3) trước đó vẫn tham gia đấu thầu lần này.

Như tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội tiếp nhận 23 hồ sơ của 10 nhà thầu tham gia với số gạo đăng ký cung cấp là 9.000 tấn cho cơ quan dự trữ. Trong đó, 3 doanh nghiệp tham gia thầu lần này chính là doanh nghiệp trước đó đã “xù” hợp đồng bán gạo cho dự trữ quốc gia dù trúng thầu đợt I trước đó.

Theo ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, trong đợt đấu thầu lần 2 này, có nhiều doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng cung ứng gạo đợt I vẫn tham gia đấu thầu vì pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm các doanh nghiệp này không được tham gia dự thầu.

Giải thích rõ hơn, ông Thời cho biết, việc giao dịch, tham gia cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia được thực hiện theo Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Dự trữ quốc gia năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013.

Trong đó, trường hợp doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài là thu bảo lãnh dự thầu.

 Nhiều doanh nghiệp từng bỏ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 nhưng vẫn đến đầu thầu đợt 2. Ảnh: Việt Hùng.

Nhiều doanh nghiệp từng bỏ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 nhưng vẫn đến đầu thầu đợt 2. Ảnh: Việt Hùng.

Trường hợp doanh nghiệp đã ký hợp đồng mà không thực hiện hoặc có thực hiện, nhưng không giao đủ số lượng theo hợp đồng thì mới bị thu bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc chịu phạt tối đa bằng 8% giá trị không thực hiện, và cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm.

Theo quy định của pháp luật về Đấu thầu, đợt mở thầu lần hai vào ngày 12/5 vừa qua, trong hồ sơ mời thầu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với doanh nghiệp tham gia thầu. Trong đó, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu, tương đương mức tối đa pháp luật cho phép.

Về lâu dài, ông Thời cũng cho biết, tổng cục đã có kiến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ có mua gạo dự trữ quốc gia, mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác.

Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng cho biết thêm, trong lần đấu thầu gạo đợt 2 nói trên, do dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng cao.

Thủ tướng cũng đã cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường kể từ ngày 1/5. Do đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh gom hàng phục vụ xuất khẩu. Trong khi nguồn cung gạo Đông xuân đã vào cuối vụ thu hoạch không còn nhiều nên đã kéo giá gạo trên thị trường tăng cao, gạo tẻ 15% tấm ở mức khoảng 10.300-10.500 đồng/kg (chưa có bao bì, đóng gói, kiểm định chất lượng, bốc xếp, hao hụt, lãi vay, lợi nhuận doanh nghiệp... và cước vận chuyển tới từng cửa kho dự trữ quốc gia).

Trước đó, trong đợt mở thầu ngày 12/3 (đợt 1) đã có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia với số lượng 178.000 tấn.

Tuy nhiên, hết thời hạn phải ký hợp đồng chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn và 2 doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng là 1.800 tấn. Còn lại 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dữ trữ quốc gia với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn.

Cơ quan thanh tra Bộ Tài chính sau đó đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan tới hoạt động đấu thầu gạo đợt 1 và Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Điều tra - Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-xu-hop-dong-gao-du-tru-quoc-gia-van-di-dau-thau-lai-post1084520.html