Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì trước 'cơn sóng dữ' thuế quan cận kề?

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên đi kèm với đó, cơ hội đổi mới, đa dạng hóa và tái cấu trúc đang mở ra, đòi hỏi doanh nghiệp phải bình tĩnh, linh hoạt và chủ động hơn bao giờ hết.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cuối tuần qua cho biết mức thuế quan “có đi có lại” mà ông chuẩn bị công bố trong ngày 2/4 này sẽ bao gồm tất cả các quốc gia, không chỉ một nhóm nhỏ 10 - 15 quốc gia có tình trạng mất cân bằng thương mại lớn nhất, theo Nikkei Asia.

Áp lực gia tăng khi “sóng dữ” cận kề

Việt Nam, với thặng dư thương mại hơn 123 tỷ USD với Mỹ năm 2024, nổi bật trong nhóm có nguy cơ chịu tác động mạnh. Không ít phân tích chỉ ra bối cảnh này sẽ đẩy nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào tình thế khó, đặc biệt là các ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp trong ngành này có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ.

Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đối diện khó khăn.

Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đối diện khó khăn.

Theo VIS Rating, nếu thuế bị nâng lên, giá thành hàng hóa sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và làm giảm nhu cầu từ người tiêu dùng Mỹ. Điều này không chỉ kéo theo doanh thu giảm, mà còn đe dọa tới hàng triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu, vốn chiếm tới khoảng 30% lực lượng lao động cả nước.

Nguy cơ còn mở rộng hơn khi thách thức không chỉ đến từ thị trường Mỹ. Các biện pháp trả đũa thuế quan giữa các nền kinh tế lớn đang đẩy thương mại toàn cầu vào vòng xoáy căng thẳng. Việc chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới trong năm nay đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập từ đầu tháng 2. Nếu xảy ra, điều này sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu, cản trở dòng vốn đầu tư và làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Không chỉ vậy, việc đồng USD tiếp tục mạnh lên đang tạo ra rủi ro tỷ giá với các doanh nghiệp Việt vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Doanh nghiệp vừa phải đối diện với giá thành đầu vào tăng, vừa đối mặt với rủi ro giảm đơn hàng – một bài toán kép đầy thách thức.

Trong bối cảnh khó khăn này, các doanh nghiệp cần bình tĩnh và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để vượt qua “cơn sóng dữ”.

Tại hội thảo về ứng phó của Việt Nam với chính sách thuế quan mới tổ chức cuối tuần qua, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng từ Ngân hàng BIDV, nhận định: “Trong giai đoạn đầy biến động này, việc chuẩn bị kỹ càng là cần thiết. Chúng ta cần tìm kiếm cơ hội mới và nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông nói.

Vượt sóng đón cơ hội mới

Nhiều doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng chuyển hướng và chủ động xây dựng phương án ứng phó. Điển hình là CTCP Gỗ An Cường. Chủ tịch HĐQT Lê Đức Nghĩa cho rằng nếu Mỹ áp dụng thuế 25% sản phẩm gỗ từ tất cả quốc gia thì công ty sẽ không gặp trở ngại. Nhưng nếu chỉ áp thuế đối với đồ gỗ Việt Nam, đây sẽ là một thách thức lớn.

Tuy nhiên, ông khẳng định công ty đã chuẩn bị từ sớm. Thay vì hoang mang, Gỗ An Cường đang tập trung tối ưu hóa sản phẩm và quy trình sản xuất để giảm chi phí, chia sẻ gánh nặng với đối tác nhập khẩu tại Mỹ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã chuyển hướng khai thác các thị trường từng tạm ngưng như Úc, Nhật Bản và quay về phát triển mạnh thị trường nội địa. “Chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt cho mọi phương án có thể xảy ra”, ông nói.

Không chỉ riêng Gỗ An Cường, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng nhận thức rõ rằng trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động, “đa dạng hóa” – từ thị trường, sản phẩm cho tới kênh phân phối – chính là chiến lược sống còn để thích ứng và phát triển bền vững.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc CTCP Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp ConsulTech, cho biết, chỉ cách đây một tuần, ông tham gia đào tạo về tiêu chuẩn xuất khẩu HALAL tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An cho hơn 90 người đến từ khoảng 60 doanh nghiệp. Con số này vượt ngoài kỳ vọng và cho thấy sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp đến việc mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường ngách đầy tiềm năng như khu vực Hồi giáo.

“Không chỉ riêng đào tạo, hiện tại chúng tôi đang nhận được ngày càng nhiều đề nghị tư vấn từ các doanh nghiệp có nhu cầu xúc tiến thương mại và tìm đầu ra cho sản phẩm ở các thị trường mới” ông Vũ cho biết. Theo ông, sự chủ động này thể hiện rõ nỗ lực của doanh nghiệp trong việc chuyển mình, thích nghi với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và những thách thức mới từ môi trường thương mại toàn cầu.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các nước gia tăng hàng rào thuế quan, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung đối diện với khó khăn mà còn cần nhìn nhận rõ những cơ hội mới đang mở ra.

Đơn cử, ngành hàng nông sản – thực phẩm được dự báo sẽ ít chịu tác động từ chính sách thuế mới, thậm chí còn có nhiều dư địa để phát triển tại thị trường Mỹ.

“Ngành nông sản, thực phẩm không quá đáng lo ngại bởi Mỹ vẫn đang có nhu cầu lớn với các mặt hàng của Việt Nam. Người tiêu dùng Mỹ yêu thích sản phẩm của chúng ta và sẵn sàng trả giá cao, miễn là doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định của họ”, ông Lê Châu Hải Vũ cho biết.

Theo chuyên gia, để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng, tối ưu giá thành, nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là chuẩn hóa hệ thống quản lý chất lượng – vốn vẫn còn nhiều bất cập hiện nay. Khi những yếu tố này được hoàn thiện, cánh cửa vào thị trường Mỹ sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trước diễn biến phức tạp thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Trong đó, giải pháp trọng tâm vẫn là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm. Việt Nam có thể tận dụng ưu thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và gần 70 cơ chế hợp tác song phương với các nước, ngoài các thị trường trọng điểm, truyền thống có thể tiếp cận thêm các thị trường nhỏ, thị trường ngách.

Bên cạnh đó, lấy khoa học - công nghệ làm đòn bẩy, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng/hàm lượng công nghệ của sản phẩm được sản xuất, chế biến tại Việt Nam là mục tiêu. Tận dụng những lợi thế sẵn có của Việt Nam, để từng bước nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới cũng như trên thị trường quốc tế.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Cần có kịch bản linh hoạt để ứng phó nhằm phát huy các lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu. Để mục tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 12% trong năm 2025, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI chất lượng cao, và chủ động trong việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhất là tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành là phát triển TMĐT theo hướng xuất khẩu các sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể xúc tiến bán hàng ra thị trường toàn cầu.

TS. Doãn Hữu Tuệ, chuyên gia kinh tế

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hiện vẫn tồn tại khoảng cách giữa chủ trương và thực tiễn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ. Vì vậy, cần khắc phục điểm nghẽn này bằng cách thiết kế chính sách hướng đích rõ ràng hơn. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án sản xuất tốt, có thị trường tiềm năng cần được ưu tiên tiếp cận các ưu đãi, đặc biệt là về vốn.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-xuat-khau-can-lam-gi-truoc-con-song-du-thue-quan-can-ke-1105808.html