Doanh nhân bị bắt oan 17 năm trước từ chối nhận bồi thường

Chủ khu công nghiệp ở Bình Dương bị công an bắt giam trái pháp luật cách đây 17 năm chỉ nhận lời xin lỗi công khai và đề nghị xử lý cán bộ vi phạm, từ chối nhận tiền bồi thường.

XEM CLIP:

Sáng nay, lãnh đạo văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Bùi Mạnh Lân (SN 1957, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh, chủ đầu tư KCN Đồng An) và ông Phạm Văn Hướng (SN 1954, cựu Phó giám đốc công ty).

Thượng tá Đặng Trọng Cường, Phó Chánh văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an gửi lời xin lỗi đối với hai cá nhân trên vì đã bắt giam không có lệnh hợp pháp.

Theo Thượng tá Cường, trong quá trình điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng vào năm 2003, điều tra viên và cán bộ điều tra đã thiếu trách nhiệm, chủ quan, thiếu thận trọng trong việc thu thập tài liệu chứng cứ, chưa khách quan công tâm nên có đề xuất nóng vội, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tố tụng, gây ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng.

Lãnh đạo văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an xin lỗi ông Bùi Mạnh Lân

Lãnh đạo văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an xin lỗi ông Bùi Mạnh Lân

Đây là sự việc đáng tiếc, không mong muốn xảy ra vào giữa năm 2003 liên quan đến trách nhiệm của thế hệ cán bộ, điều tra viên trước đây của Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an dẫn đến việc ông Bùi Mạnh Lân bị tạm giam 41 ngày, ông Phạm Văn Hướng bị tạm giam 63 ngày đều không được Viện KSND tối cao phê chuẩn.

“Chúng tôi coi đây là bài học kinh nghiệm cho lãnh đạo Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an trong công tác chỉ huy, chỉ đạo, cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình đánh giá tài liệu, chứng cứ liên quan đến tội phạm”- Thượng tá Cường nói.

Tại buổi xin lỗi, ông Bùi Mạnh Lân cho biết chấp nhận lời xin lỗi của đại diện Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an nhưng băn khoăn do nhiều kiến nghị của ông trước đây chưa được giải quyết, trong đó có việc xin lỗi về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Ông Lân cho hay, đã gần 17 năm trôi qua nhưng ký ức về ngày ông bị công an bắt giữ không thể nào quên, đến bây giờ vẫn ngậm ngùi mỗi khi nhắc lại. Ông đề nghị lực lượng công an phải cẩn trọng hơn, chấp hành nghiêm luật pháp của nhà nước trước uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân.

“Tôi đề nghị Bộ Công an tiếp tục xử lý những sai phạm của những người có liên quan đến vụ việc này cho minh bạch rõ ràng, không để trắng đen lẫn lộn vì người có trách nhiệm chính trong sai phạm này vẫn chưa bị xử lý” – ông Lân đề nghị.

Ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng được xin lỗi công khai sau khi bị bắt oan từ 17 năm trước

Ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng được xin lỗi công khai sau khi bị bắt oan từ 17 năm trước

Ngoài ra, ông chủ KCN Đồng An cũng từ chối nhận tiền bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước vì cho rằng tổn thất về tinh thần, uy tín, danh dự của mình không có tiền bạc nào bù đắp được.

Cũng tại buổi xin lỗi, ông Phạm Văn Hướng bày tỏ sự bức xúc khi đã 17 năm trôi qua nhưng các cán bộ, điều tra viên bắt giam oan ông trước đây vẫn chưa bị xử lý. Ông đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm minh, công khai các cá nhân vi phạm bởi pháp luật không có vùng cấm.

Ông Hướng yêu cầu được bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước, đề nghị những đơn vị liên quan đến luật bồi thường khẩn trương làm việc với ông để giải quyết nhanh gọn, đúng trình tự của pháp luật.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi triệt phá chuyên án Năm Cam, từ lời khai của các đối tượng liên quan, tháng 4/2003 cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại công ty Gas Bình Dương (nằm trong KCN Đồng An do ông Bùi Mạnh Lân làm chủ), xảy ra từ năm 2000 và ủy thác cho công an Tiền Giang thụ lý.

Thời điểm này, ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Tuyến Dũng (cán bộ công an tỉnh Tiền Giang được Bộ Công an điều động tham gia chuyên án Năm Cam trước đó) tiếp tục tham gia điều tra vụ án này.

Sau 17 năm, ông Bùi Mạnh Lân mới được lãnh đạo Bộ Công an xin lỗi vì bị bắt oan

Sau 17 năm, ông Bùi Mạnh Lân mới được lãnh đạo Bộ Công an xin lỗi vì bị bắt oan

Từ đây ông Nên và Dũng đã giải quyết tranh chấp dân sự giữa vợ chồng ông bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư (ngụ TP.HCM) và Công ty Hưng Thịnh trong khi vụ tranh chấp đang được tòa án thụ lý giải quyết.

Dù biết đây là vụ tranh chấp dân sự đã được khởi kiện theo thủ tục dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an, không liên quan đến vụ án "gây rối trật tự công cộng" nhưng hai cán bộ này vẫn thụ lý giải quyết vụ án.

Ngày 29/4/2003, ông Nên ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Dù không được Viện kiểm sát phê chuẩn nhưng hai ông Lân và Dũng vẫn bị bắt giam.

Sau khi được trả tự do, ông Lân và ông Hướng gửi đơn tố cáo đến cơ quan trung ương tố giác hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan CSĐT.

Liên quan đến vụ việc can thiệp vào vụ án tranh chấp dân sự nêu trên, ngày 7/6/2011, Cục điều tra hình sự Viện KSND Tối cao đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với 3 cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang gồm Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), Nguyễn Văn Nên (nguyên Trưởng công an huyện Châu Thành) và Phan Văn Út (nguyên Đội trưởng đội tham mưu tổng hợp Cơ quan CSĐT) do có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng dẫn đến việc bắt, giam giữ người trái pháp luật xảy ra tại Bình Dương.

Xuân An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/clip-nong/doanh-nhan-bi-bat-oan-20-nam-truoc-tu-choi-nhan-boi-thuong-621708.html