Doanh nhân 'chân đất' làm giàu cho quê hương

Trên mảnh đất nghèo, những doanh nhân tâm huyết 'gieo' vào đó những hạt mầm, đó là niềm tin, ý chí, nghị lực, tình yêu với nơi mình sinh ra. Những doanh nhân ấy, dù kinh doanh ở bất cứ lĩnh vực nào vẫn chung lý tưởng làm giàu cho doanh nghiệp, cho quê hương.

Anh Lý Láo Lở giới thiệu sản phẩm thuốc tắm của Công ty SapaNapro.

Anh Lý Láo Lở giới thiệu sản phẩm thuốc tắm của Công ty SapaNapro.

Chạy xe trên con đường đang làm lổn nhổn sỏi đá, chúng tôi tìm đến Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (SapaNapro). Từ trụ sở xã Tả Phìn, chạy qua con đường đá tự nhiên nổi tiếng rồi rẽ theo tuyến đường bê tông, mùi các loại dược liệu tỏa hương khiến chúng tôi nhận ra ngay địa chỉ mình cần đến mà không cần hỏi đường.

Anh Lý Láo Lở, Giám đốc Công ty và cũng là người bản địa đầu tiên kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền sản xuất, chưng cất và đóng chai các sản phẩm. SapaNapro được thành lập năm 2006, tiền thân là một nhóm người dân đồng sở thích trong việc gìn giữ, hái lá thuốc của người Dao đỏ. Nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong lĩnh vực dược, sản phẩm thuốc tắm được chưng cất, cô đặc, đóng chai để thuận tiện cho người sử dụng. Anh Lở kể: Lúc thành lập công ty, Lở mới đi bộ đội về (24 tuổi), không có kinh nghiệm, trình độ văn hóa mới chỉ học hết lớp 5!

Lý Láo Lở, mới chỉ học hết lớp 5 nhưng đã làm giám đốc, đó không phải câu chuyện đùa. Sản phẩm mà anh cùng các cổ đông muốn xây dựng và phát triển thương hiệu là thuốc tắm truyền thống của người Dao đỏ. Nói về lý do phát triển sản phẩm này, anh lý giải, đây là loại thuốc chẳng biết có từ bao giờ, người Dao đỏ cứ truyền nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, hái các loại thảo dược thông dụng, thảo dược quý theo từng bài thuốc để nâng cao sức khỏe, thư giãn, để tắm cho trẻ, để phục hồi cho phụ nữ sau sinh… Mỗi đối tượng lại có những bài thuốc khác nhau, trung bình hơn 10 loại thảo dược. Thế nhưng những loại thuốc ấy có nguy cơ bị thất truyền, có những nơi hái thuốc phục vụ khách du lịch nhưng không giữ đúng các bài thuốc. Cộng thêm mong muốn sản phẩm của đồng bào mình được nhiều người biết đến, anh và các cộng sự quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thuốc tắm của người Dao đỏ. Anh Lở nói: “Thời điểm ấy, tắm lá thuốc chưa phải loại hình dịch vụ, cũng chưa nổi tiếng, chẳng mấy ai biết đến, thi thoảng khách nước ngoài muốn trải nghiệm thì người dân mới hái về phục vụ. Không có thị trường, tài chính, nhiều khi nản muốn bỏ cuộc, cảm tưởng như sạt nghiệp tới nơi rồi, thất bại thật rồi… Lúc ấy chẳng còn gì ngoài sự cố gắng”.

Thời điểm mà anh Lở nhắc đến là năm 2009, công ty gặp khó khăn về tài chính và thị trường. Lá thuốc của các cổ đông, chính là người dân trong xã hái về chất đầy kho, thuốc tắm không bán được, khách đến tắm thì thưa, không có lợi tức. Cả công ty chẳng có tài sản gì ngoài một căn nhà với 3 phòng và 6 cái bồn tắm. Khi ấy, có 4 người (1 giám đốc, 3 nhân viên) vận hành công ty đang đứng trước bờ vực phá sản, bởi người bàn nghỉ, người lại muốn tiếp tục. Trong tình thế ấy, anh Lở chỉ biết động viên mọi người cố gắng thêm được đến đâu hay đến đó, cố gắng hết mình, bởi “không còn gì để mất” nữa. Sau đó, nhờ có sự trợ giúp của các cố vấn, công ty tìm kiếm thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Từ việc phục vụ khách tham quan tại Tả Phìn, sản phẩm thuốc tắm của SapaNapro bắt đầu chinh phục các khách sạn, cơ sở massage, các đại lý từ trong tỉnh đến khắp cả nước. Giờ đây, mỗi năm công ty thu mua khoảng 30 tấn lá thuốc tắm, sản xuất và đưa ra thị trường hơn 10 nghìn lít thuốc tắm cô đặc đóng chai, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều người dân nông thôn Tả Phìn.

Tương tự như anh Lở, chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Lợi cũng là một trong những doanh nhân tâm huyết với sản phẩm truyền thống của địa phương. Hợp tác xã Hoa Lợi được biết đến là nơi sản xuất và “nâng tầm” cho sản phẩm đặc sản tương ớt Mường Khương. Ít ai biết, Hợp tác xã Hoa Lợi được thành lập từ năm 2004, ban đầu được xây dựng là một cơ sở giết mổ tập trung, nhưng dường như chưa “hợp thời”, hợp tác xã liên tục chuyển đổi từ cơ sở giết mổ tập trung đến nuôi lợn, trồng nấm, nuôi gà… và phải đến năm 2012, hợp tác xã này mới bắt tay vào sản xuất và kinh doanh chủ lực là sản phẩm tương ớt Mường Khương. Tương ớt Mường Khương là đặc sản của vùng đất mệnh danh “đất thép”, thế nhưng, sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không có sự đầu tư bài bản, nên sản phẩm dù rất ngon nhưng chỉ “quanh quẩn” trong huyện, tỉnh. Với mục tiêu phát triển thương hiệu cho sản phẩm truyền thống, để sản phẩm “đi xa” hơn, chinh phục người tiêu dùng trên khắp cả nước, Hợp tác xã Hoa Lợi đã đầu tư hệ thống máy, dây chuyền chế biến hiện đại. Để có sản phẩm tương ớt ngon đúng chuẩn, hợp tác xã đã liên kết sản xuất với người dân Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa để chủ động nguồn nguyên liệu. Những năm đầu, việc sản xuất và kinh doanh gặp khó khăn, bởi tương ớt Mường Khương chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Chị Loan tâm sự: Khi mới bước vào sản xuất, thị trường chưa rộng mở, mình phải mang tương ớt đi tặng, đi giới thiệu, thậm chí đến từng quán ăn, mời người ta ăn thử để quảng cáo sản phẩm, tiếp thu phản hồi để từng bước hoàn thiện sản phẩm. Gần đây, việc sản xuất đã đi vào quỹ đạo. Nghĩ lại việc sản xuất và kinh doanh ở giai đoạn khó khăn ấy, thực sự đã có những lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ lại tâm huyết mình đã bỏ ra, từ việc xây dựng vùng nguyên liệu đến đầu tư hệ thống máy chế biến, đóng chai… lại có thêm động lực để kiên trì, cố gắng hơn nữa.

Sự cố gắng của chị Loan đã được đền đáp xứng đáng khi tương ớt Mường Khương là một trong những sản phẩm nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Giờ đây, sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hợp tác xã cũng ra mắt thêm sản phẩm tương ớt ngọt, đậu xị (sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Mường Khương) để phục vụ thêm nhiều nhóm khách hàng trên thị trường.

Sinh ra và lớn lên trên những mảnh đất nghèo khó, chị Loan, anh Lở bước chân vào “thương trường”, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ để xây dựng nên những sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Họ không có gì hơn ngoài sự tâm huyết, sự kiên trì, nỗ lực không bỏ cuộc. Những doanh nhân “chân đất” ấy vẫn ngày đêm “gieo” vào đất những hạt mầm, mong muốn làm sao để doanh nghiệp, để hợp tác xã ngày càng phát triển, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cộng đồng, cho người dân đã tin tưởng họ để gửi gắm, liên kết trong sản xuất. Những doanh nhân xuất thân từ làng vẫn miệt mài với sứ mệnh làm giàu cho quê hương.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/doanh-nhan-chan-dat-lam-giau-cho-que-huong-z3n20191012094921089.htm