Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Nhìn đa chiều để kế nghiệp thành công

Với những người trẻ thuộc thế hệ kế nghiệp ở các doanh nghiệp gia đình, lời giải cho sự thành công đến từ khả năng đa dạng hóa và nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn đa chiều.

Bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn Alphanam

Bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn Alphanam

Những diễn biến bất ổn, chưa có tiền lệ đã xảy ra trong 2 năm qua là phép thử đặc biệt về khả năng phục hồi cho hầu hết doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp gia đình- cộng đồng được PwC đánh giá là động cơ tăng trưởng và phục hồi trong thời kỳ có nhiều thách thức.

Quan sát về những biến chuyển của nền kinh tế mà cụ thể là sự thay đổi của cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn Alphanam nhìn nhận, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và bật mạnh trở lại sau khi bị kìm nén, đi kèm với đó là nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức trong bối cảnh đầy bất ổn.

Bà Mỹ cho biết, trong suốt hai năm đại dịch, các doanh nghiệp gia đình chủ yếu tập trung vào bảo toàn và củng cố lực lượng để đảm bảo sự an toàn và bền vững trước “sóng gió”.

“Doanh nghiệp gia đình có một cái lõi kinh doanh với một số nền tảng đã gắn chặt với doanh nghiệp suốt nhiều năm tháng, đặc biệt là người lao động”, bà Mỹ nói.

Việc đề cao sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh làm tổn hại đến các nền tảng này dẫn đến hạn chế của doanh nghiệp gia đình là không xoay chuyển đủ nhanh như các loại hình doanh nghiệp khác để có thể nắm bắt được cơ hội mở rộng hoạt động sang các ngành nghề, lĩnh vực mới hoặc khởi nghiệp trong chính doanh nghiệp gia đình.

Tuy nhiên, khả năng phục hồi được đánh giá như một phần bản năng được sinh ra để giúp các doanh nghiệp gia đình đương đầu với thử thách, đặc biệt là khi họ đang bước vào một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng giữa thế hệ sáng nghiệp và thế hệ kế nghiệp.

Theo bà Mỹ, tín hiệu tích cực là thế hệ kế nghiệp của các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và từng bước phát triển ngang tầm với thế hệ kế nghiệp ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhờ thụ hưởng các tinh hoa và nền giáo dục hiện đại trong thời kỳ hội nhập.

“Chúng tôi có lợi thế là được sinh ra, lớn lên và tôi rèn ở một nền kinh tế đang bứt phá và phát triển nhanh với nhiều cơ hội”, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ trong tọa đàm “Chân dung NextGen Việt: Nhà lãnh đạo hôm nay và mai sau” do PwC Việt Nam phối hợp Nhịp cầu đầu tư tổ chức.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và PwC ký kết thỏa thuận hợp tác làm đối tác tri thức

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và PwC ký kết thỏa thuận hợp tác làm đối tác tri thức

Điểm mạnh mà thế hệ kế nghiệp muốn bám sát trong hành trình phát triển của mình, của doanh nghiệp để từ đó đóng góp cho sự phát triển đất nước là sự đa dạng hóa và nhìn nhận mọi vấn đề ở góc nhìn đa chiều.

Để làm được điều đó, bà Mỹ cho rằng, thế hệ kế nghiệp phải tham khảo góc nhìn của thế hệ đi trước, mở rộng tầm nhìn để lắng nghe góp ý của chuyên gia và những người ngoài lĩnh vực mà mình đang hoạt động.

Bức tranh mà thế hệ kế nghiệp trong thời đại toàn cầu hóa phải là bức tranh mà tất cả mọi người có thể kết nối được với nhau, với nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó cũng là lý do mà bà Mỹ tích cực tham gia hoạt động ở các câu lạc bộ và hiệp hội như Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ kế nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam Hỗ trợ phát triển quyền năng Phụ nữ, câu lạc bộ Nữ doanh nhân trẻ ASEAN…

“Lời giải cho sự thành công đến từ sự đa dạng hóa, đến từ việc chúng tôi được trân trọng là những cá thể đặc biệt trong xã hội”, bà Mỹ chia sẻ.

Điều này cũng tương đồng với một kết quả khảo sát về doanh nghiệp gia đình do PwC công bố năm 2021 khi chỉ ra như lĩnh vực mà thế hệ kế nghiệp tại Việt Nam tin rằng họ có thể đóng góp nhiều nhất trong doanh nghiệp gia đình.

Đó là sự chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa hoạt động đình lý; đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, là những người mạnh về kỹ thuật số, thế hệ kế nghiệp tự tin vào khả năng giúp doanh nghiệp gia đình thích nghi với thời kỳ đột phá số hóa.

Mới đây nhất, báo cáo của PwC về thế hệ kế nghiệp 2022 cũng cho thấy, thế hệ doanh nhân này xem công nghệ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Mức độ tích cực tham gia vào công nghệ và số hóa của thế hệ kế nghiệp ở Việt Nam cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu. Họ muốn đóng vai trò tác nhân thay đổi thông qua việc tham gia giải quyết vấn đề và nắm bắt những cơ hội mà thế hệ đương nhiệm có thể chưa nhận thấy.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nhan-nguyen-ngoc-my-nhin-da-chieu-de-ke-nghiep-thanh-cong-1655276772960.htm