Doanh nhân Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN: Nuôi dưỡng thế giới nhờ làm nông nghiệp 'sành điệu'

Nữ CEO đã chèo lái con thuyền PAN chở đầy sản phẩm nông nghiệp 'nặng đô' nhất của Việt Nam đi khắp muôn nơi, vượt qua những bão giông, thác nghềnh, tăm tối nhờ nắm bắt cơ hội, xoay chuyển và thích ứng với tâm thế đầy bản lĩnh và khí chất.

Doanh nhân Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN.

Doanh nhân Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN.

Tại PAN có rất nhiều thứ hay ho để nói, nhiều câu chuyện để kể. Và người kể, người nghe đều phải có thời gian nghiền ngẫm, để thấu hiểu những “nỗi đau”, niềm thăng hoa của nhau.

Từ chuyện “nông nghiệp tái sinh” công nghệ cao qua cây lúa, sức bật cho con tôm, con cá thế hệ mới...; những hạt giống bội thu cho mùa sau, đến những cuộc “chu du” của những container mang thương hiệu SHIN Cà Phê.

Tương tự là câu chuyện quản trị doanh nghiệp, nguồn vốn xanh và chuỗi cung ứng xanh, bí quyết thu hút vốn quốc tế, cách thức thực hiện Quan hệ Nhà đầu tư (IR) và chiến lược phát triển bền vững trong “kỷ nguyên xanh” của nền kinh tế qua đổi mới sáng tạo. Cuối cùng là biến đổi khí hậu, thách thức lớn nhất đối với bất cứ ai muốn mon men, gắn bó trọn đời đến địa hạt làm nông nghiệp… Để rồi, cơn bão hoành hành qua đi, nghĩa tình đồng bào, lòng trắc ẩn với người yếu thế... ở lại.

Tất cả nói lên sức bền bỉ của doanh nghiệp, của người nông dân, của những cuộc chạy đua “chuyển đổi số” với đích đến là phát triển bền vững, nuôi dưỡng thế giới bởi sẽ có khoảng 800 triệu người trên thế giới, có thể bị đói, 650 triệu người có nguy cơ suy dinh dưỡng vào năm 2030. PAN đang ngày đêm góp mặt chung tay hóa giải điều đó, góp vào sự thành công của phát triển bền vững… để rồi bắt đầu thụ hưởng thành quả.

Sau vài lần lỗi hẹn vì những cuộc họp gấp rút, vì sức khỏe bị ảnh hưởng trong thời tiết mùa đông Hà Nội, người điều hành Tập đoàn PAN, với 12 công ty thành viên (chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối) mới “chốt” hạ 60 phút để ngồi kể câu chuyện nông nghiệp. Thời gian ngắn, nhưng có lẽ cũng đủ để bà làm mới những câu chuyện cũ trong đường đi nước bước của PAN qua các giai đoạn.

SẴN SÀNG… CHỜ “BÃO”

PAN có sự ứng biến với vạn biến như thế nào để có nhiều “cơn gió ngược” trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới biến động mạnh năm qua?

Ở PAN có các cụm từ chúng tôi hay dùng. Như Chủ tịch HQĐT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ông Hồ Quốc Lực thường nói: “Khó khăn là người bạn đường”, còn tôi bổ sung: “Vững vàng trước mọi thử thách”. Đó là cụm từ phản ánh chính xác nhất hành trình của PAN năm 2024.

Trong bối cảnh kinh tế biến động như biến đổi khí hậu, biến động tỷ giá, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Mỹ với mức độ lạm phát cao suy giảm đáng kể. Trước 3 thách thức đó, PAN vẫn giữ tâm thế vững chãi nhờ nền tảng kinh doanh bền vững và chiến lược thích ứng linh hoạt.

Năm 2024, biến động kinh tế vĩ mô có những tác động trái ngược. Mảng nông nghiệp, thủy sản đạt kết quả kinh doanh tốt. Mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi hơn về chi phí vốn cho tất cả các mảng kinh doanh của Tập đoàn. Trong khi đó, tỷ giá tăng mạnh và neo ở mức cao mang lại lợi thế cho mảng xuất khẩu.

Đặc biệt, vị thế của PAN được nâng lên rất nhiều sau việc hợp tác với Standard Chartered Việt Nam, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh để triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính theo tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp).

Khi nói đến vốn xanh, nhiều người có thể hiểu đây là dòng vốn rẻ, nhưng không phải thế. Để nhận được nguồn vốn này, bên vay và bên cho vay phải trải qua nhiều bước đánh giá, quan trọng nhất là uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Quả nhiên, vì câu chuyện ESG, số lượng ngân hàng nước ngoài, các định chế tài chính lớn tìm đến PAN tăng khủng khiếp. Tất nhiên, đây là việc PAN đã xây dựng từ hơn 10 năm trước và giờ là thời điểm “hái quả ngọt”.

Từ uy tín đó, PAN có được những nguồn vốn rẻ. Chúng tôi điều phối, hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh, đảm bảo các công ty tiếp cận được vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh với chi phí hợp lý nhất so với mặt bằng chung của thị trường.

Với hoạt động kinh doanh trải rộng trên 3 mảng nông nghiệp - thủy sản - thực phẩm, trong đó 45% doanh số đến từ thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, kết quả kinh doanh năm 2024 của PAN vẫn giữ vững, thậm chí có thể đạt tăng trưởng 20 - 30% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đặt ra đầu năm.

Năm 2025, tôi nghĩ Tập đoàn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, dù thị trường được dự báo còn nhiều khó khăn.

Kết quả đó có được nhờ những yếu tố gì, thưa bà?

Đầu tiên phải khẳng định, chúng tôi có lượng sản phẩm chất lượng cao nhất. Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã tuân thủ nguyên tắc, dù thị trường có biến động thế nào đi nữa, thì chất lượng cũng phải được đặt lên hàng đầu, kể cả sản phẩm đó xuất khẩu hay dành cho thị trường trong nước. Khi đã sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm gia tăng hàm lượng chế biến sâu, thì biên lợi nhuận sẽ cao và ổn định.

Chiến lược của chúng tôi còn là, làm sản phẩm thì kiểu gì cũng phải xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản trước. Thị trường này như “tấm giấy chứng nhận” đưa sản phẩm của chúng tôi tới các thị trường khó tính khác trên thế giới. Vì vậy, ngay cả khi thị trường có vấn đề gì thì chất lượng phải được giữ vững. Điều đó đã giúp PAN không bị ảnh hưởng ngay cả trong điều kiện khó khăn.

Về thị trường, có thể nói, chúng tôi đã nhìn trước được những khó khăn về chính sách thuế của Mỹ, nên phải đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro. Việc này đã được chỉ đạo từ những cuộc họp CEO Summit của Tập đoàn cách đây vài năm.

Khi mở rộng thị trường, phải vượt qua thêm nhiều hàng rào công nghệ, chất lượng, nhưng chúng tôi đáp ứng được ngay, vì đã có những thế mạnh về ESG, về câu chuyện xanh. Tất nhiên, Mỹ là thị trường quen thuộc, nhưng chúng tôi phải tự đặt ra thách thức với việc mở rộng đến những thị trường khó tính.

Trong cuộc họp chiến lược mới đây, chúng tôi đã đưa ra vấn đề: Làm sao phải tăng sản phẩm chế biến sâu, sử dụng thế mạnh từ những sản vật trái cây, củ quả của Việt Nam để đưa vào các sản phẩm bánh kẹo, thủy sản, tạo ra những sản phẩm tiện lợi, ăn sẵn.

Khi đã đón trước xu hướng thị trường, chuẩn bị sẵn sàng, tâm thế sẵn sàng, chúng tôi vẫn phải có cái cốt lõi của mình, phải kiên định về mục tiêu, định hướng chung, nhưng phải thích nghi rất nhanh để bắt nhịp được.

Bà Nguyễn Thị Trà My trao đổi với các chuyên gia Nhật Bản ở mảng nông nghiệp của PAN.

Bà Nguyễn Thị Trà My trao đổi với các chuyên gia Nhật Bản ở mảng nông nghiệp của PAN.

ĐÓ CHÍNH LÀ CHÌA KHÓA CỦA THÀNH CÔNG

Để xoay chuyển được như thế, vốn là một chuyện, nhưng việc PAN tìm được nhân sự cùng nhịp đập ra sao?

Là người cực kỳ đam mê câu chuyện bền vững phải đi đôi với đổi mới, sáng tạo, tôi rất thích tìm hiểu, học hỏi. Rất may là toàn bộ đội ngũ lãnh đạo của PAN cùng nhịp đập đó, đều là những người đam mê đi ra thị trường để học hỏi.

Chúng tôi đã cùng nhau thiết kế gian hàng của Tập đoàn PAN tại Nhật Bản đầu năm 2023 để thể hiện màu cờ sắc áo của Việt Nam, của PAN. Vì mình sở hữu nhiều “hạt giống” nông nghiệp số 1 thế giới, nên nó phải là một trong những gian hàng nổi bật nhất, không thể kém cạnh. Tại đó, chúng tôi vừa được gặp gỡ những khách hàng khó tính nhất, vừa học hỏi qua sản phẩm của nước bạn, để thích ứng ngay, chứ không phải ngồi ở nhà nghĩ sản phẩm của mình là hay rồi.

Phải có tư duy mở, phải đi ra ngoài.

LÀM NÔNG NGHIỆP PHẢI “THUẬN THIÊN”

Thách thức cốt lõi nhất đối với PAN là gì?

Với đặc thù ngành nông nghiệp, thì câu chuyện vẫn là biến đổi khí hậu - rất khó lường, tác động rất kinh khủng. Đó là thách thức lớn nhất mà những người làm nông nghiệp phải đối mặt. Phải sống thuận thiên thôi!

Với tôi, đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để thể hiện bản lĩnh của mình. PAN có văn hóa gặp nhau thì không kêu ca. Khó khăn thì ai cũng biết, ai cũng gặp, mình chỉ nói về giải pháp thôi.

Giải pháp của chúng tôi là sống thuận thiên, đầu tư thật mạnh mẽ vào R&D.

Về thị trường, hiện Trung Quốc là thị trường khó tính mà PAN dồn lực chinh phục. Nhiều người nói họ đã đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn trước nhiều, tôi lại thấy đó là hướng tích cực, bởi hàng của mình chất lượng cao, chỉ chờ thị trường nào yêu cầu cao, chất lượng cao để bán thôi.

Vừa rồi, bánh kẹo của PAN đã xuất khẩu được vào hệ thống Walmart Trung Quốc; việc hợp tác thành công với đối tác Hi-Life (chuỗi siêu thị tiện lợi lớn thứ ba tại Đài Loan) cũng giúp PAN phân phối và đưa các sản phẩm hạt, trái cây sấy vào thị trường này.

Bà đeo đuổi sự đổi mới sáng tạo, vậy độ chịu chi cho khoản này của PAN chắc phải “khủng” lắm?

Với chúng tôi, đổi mới sáng tạo không phải là chiến lược, mà là hơi thở trong từng bước đi của PAN. Đặt trọng tâm vào R&D và đổi mới sáng tạo thì mới có thể chạm đến những tầm cao mới.

Nhưng không phải là đầu tư nhiều tiền, thậm chí PAN hơi “chắc”, không có chuyện “bay”. Tại PAN, chúng tôi đổi mới qua việc xây dựng trên nền tảng cũ nhiều hơn là sáng tạo một cái hoàn toàn mới. PAN đề cao việc này một cách rất mạnh mẽ.

Chúng tôi có Giải thưởng PAN Innovation Awards được tổ chức 2 năm một lần để vinh danh những sáng kiến, khuyến khích và động viên từng nhân viên đồng hành cùng Tập đoàn. Những sáng kiến từ cuộc thi được áp dụng đã đóng góp lợi ích kinh tế rất lớn, mang lại giá trị hơn 2.000 tỷ đồng cho nông dân trong năm qua.

Đấy là niềm tự hào của tôi khi khởi xướng ý tưởng này. Rõ ràng, câu chuyện ở đây không phải là đầu tư những gì đắt tiền nhất. Hãy bắt đầu bằng ý thức tiết kiệm của từng cá nhân trong tập thể 11.000 người, rồi đến những đổi mới về công nghệ, ví dụ AI.

Như bà nói, PAN có chiến lược khá bền từ việc làm mới những điều cũ. Vậy bà có chắc là mình đã không trật nhịp nào hay không?

Tôi không nghĩ là đã bỏ mất cơ hội lớn. Nhưng để nói có thể nắm bắt tốt hơn cơ hội nào đó thì tôi nghĩ, nếu đầu tư mạnh hơn vào R&D sớm hơn, có thể sẽ bứt phá hơn bây giờ.

Xuất phát điểm với gần 20 năm làm việc cho tập đoàn đa quốc gia, tư duy về phát triển bền vững, về R&D gần như thấm vào máu tôi, nhưng để thuyết phục cả một hội đồng cùng đồng tình thì không phải chuyện một sớm một chiều. Mặc dù PAN chiếm hơn 80% cổ phần tại một số công ty thành viên, nhưng nguyên tắc luôn là tôn trọng hội đồng quản trị đương nhiệm. Khi chúng tôi đưa ra một ý kiến mà chưa nhận được sự ủng hộ ngay, thì phải thuyết phục từ cuộc họp này sang cuộc họp khác.

Đơn cử như việc đầu tư vào một nhà máy gạo 350 tỷ đồng tại Vinaseed. Dù có những ý kiến lo lắng về áp lực chi phí, nhưng tôi kiên quyết thuyết phục bằng được là phải đầu tư máy móc, thiết bị của Nhật Bản; rằng nếu muốn đi một con đường phát triển, muốn đi một con đường nâng tầm nông nghiệp Việt, thì không thể đi theo lối cũ được; rằng quỹ thời gian của chúng ta không còn nhiều, mình phải bứt lên.

Chúng tôi đã có những tranh luận, sự rụt rè không phải không có, nhưng thực tế đã chứng minh rằng, từ khi có nhà máy hiện đại, chúng tôi đã xuất khẩu sản phẩm sang EU, Australia và những thị trường khó tính nhất.

BÙNG NỔ TRANH LUẬN, THỐNG NHẤT TẦM NHÌN

Chúng ta đã chứng kiến có những thương hiệu trong ngành nông nghiệp Việt Nam rất tốt, nhưng gặp vấn đề về quản trị. Câu chuyện quản trị ở PAN khác biệt như thế nào?

Cái hay ở PAN là có một HĐQT đa dạng, minh bạch, chính trực. Ngay bản thân tôi và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng là 2 thái cực. Sự bùng nổ, tranh luận là thường xuyên, nhưng chúng tôi luôn có sự đồng nhất về định hướng.

Ông Hưng là người đề cao sự minh bạch, rõ ràng, có tầm tư duy về chiến lược và quản trị. Tôi học được ở ông rất nhiều ở tầm nhìn này. Bù lại, tôi có sự đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và quản trị trong tập đoàn đa quốc gia.

Nói về sự đa dạng trong HĐQT của PAN, đó không phải là nhóm của những ngôi sao, mà là một đội ngũ ngôi sao. Mỗi người mạnh ở một mảng, đều là những người có đạo đức tốt, mang lại giá trị cộng hưởng lớn.

Trong cơ cấu hội đồng quản trị ở công ty mẹ, nữ giới chiếm tỷ lệ khá cao. Việc này có ý nghĩa gì trong câu chuyện nông nghiệp ở PAN?

Một doanh nghiệp thành công không chỉ bởi những quyết định lớn, mà còn ở cách xây dựng đội ngũ lãnh đạo đa dạng, hòa hợp, cùng hướng tới mục tiêu chung.

HĐQT của PAN không phải là biểu tượng của bình đẳng giới, mà là sự công bằng. Ở PAN, mọi người có thể tự hào rằng, dù là nam hay nữ, đều được trao cơ hội như nhau nếu muốn dẫn dắt và tạo nên sự khác biệt.

Về tầm nhìn, khi lãnh đạo là nữ, cũng có lợi thế về sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, khả năng quan hệ - là những yếu tố bổ sung cho ưu điểm của nam giới.

PAN là một thương hiệu gắn với chất lượng, nhưng cũng thân thiện, gần gũi với cộng đồng. Những lãnh đạo nữ sẽ giúp công ty xây dựng hình ảnh gần gũi, thân thiện hơn, hướng đến các đối tượng quyết định chi tiêu trong gia đình.

Đặc biệt, tỷ lệ lãnh đạo nữ cũng cho thấy, PAN tuân thủ chuẩn mực quản trị quốc tế. Thế giới ngày càng đề cao bình đẳng giới và đa dạng hóa lực lượng lao động. PAN đặc biệt tuân thủ chuẩn mực này.

Một nghiên cứu của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại các quốc gia ASEAN cho thấy, khi các công ty có ít nhất 30% nữ giới trong hội đồng quản trị, họ đạt được lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn đáng kể - với mức chênh lệch trên 50% - so với các công ty mà hội đồng quản trị chỉ có nam giới. Tỷ lệ này ở PAN là gần 40%.

Văn hóa doanh nghiệp tại PAN có sự khuyến khích phụ nữ phát triển. Việc này không phải để đối phó, mà hoàn toàn làm từ tâm. Ngay từ đầu, tôi đã có quan điểm cứ làm tốt đi, mọi thứ sẽ đến.

NHỮNG KỲ VỌNG…

Bà kỳ vọng điều gì vào tương lai chung của PAN?

Tôi rất thích nói về kỳ vọng. Nó cho thấy cách nhìn rõ ràng về đường đi nước bước trong tương lai. Nó cũng cho thấy sự lạc quan trên niềm tin chắc chắn của những gì chúng tôi đã nắm chắc trong tay và những việc chúng tôi sẽ xây dựng chỉn chu nhất.

Lộ trình kỳ vọng của PAN không chỉ giữ vững vị thế dẫn đầu ngành nông nghiệp ở Việt Nam, mà sẽ trở thành biểu tượng cho sự phát triển bền vững và đổi mới trên toàn cầu.

PAN sẽ là cầu nối giữa giá trị truyền thống của nông nghiệp Việt Nam với những công nghệ tiên tiến nhất, mang lại sản phẩm chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu cao nhất của thị trường quốc tế.

Đó là những mục tiêu lớn và khó?

Tôi không nghĩ điều này khó. Nó đang dần trở thành hiện thực.

PAN sẽ là hình mẫu tiên phong về doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường xã hội, tạo dựng giá trị không chỉ cho cổ đông ,mà cho cộng đồng nữa.

Với chiến lược dài hạn, sự tận tâm của Ban lãnh đạo, sự nỗ lực của 11.000 nhân viên và năng lực đổi mới của mình, PAN sẽ không ngừng tạo ra những giải pháp tiên tiến để đối mặt với những thách thức mới và sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp khác.

Còn với cá nhân doanh nhân Nguyễn Trà My?

Mỗi ngày đều là ngày cuối cùng, đều là cơ hội sống thật trọn vẹn, mong muốn nhiều năng lượng, sức khỏe để tiếp tục dấn thân vào những việc có ý nghĩa trong cả công việc kinh doanh và xã hội.

Tôi khao khát có thể đóng góp nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động của PAN và những dự án thiện nguyện của cá nhân tôi (Cô Son Charity được thành lập chính thức 15 năm, nhưng đã hoạt động từ 30 năm trước).

Tôi nghĩ rằng, thành công không đo bằng thành tựu, mà phải để lại những dấu ấn cho cuộc đời.

Tôi luôn mong muốn có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, luôn khuyến khích họ phải có ước mơ lớn, dám nghĩ khác, không ngừng nỗ lực để biến những gì không thể thành có thể.

Và nông nghiệp của Nguyễn Trà My là gì?

Tôi luôn muốn làm nông nghiệp với tư duy cởi mở và hiện đại nhất. 30 năm cống hiến với ngành sản xuất nông nghiệp để lại cho tôi nhiều kinh nghiệm và tình yêu sâu sắc với nông nghiệp, nông dân và những giá trị lao động chân chính. Đó là giai đoạn tôi đã học hỏi được rất nhiều, càng yêu nghề này và có nhiều thời gian gắn bó với nó.

Đối với tôi, đây không phải là công việc, mà là sứ mệnh. Nông nghiệp chính là nền tảng để phát triển bền vững cho đất nước, nên phải đảm bảo phát triển sâu rộng một cách sành sỏi và theo kịp xu hướng tiên tiến nhất.

VĨ THANH

Dù qua nhiều cuộc gặp gỡ, người đối diện khó “bắt tướng” được phong cách lãnh đạo của nữ CEO này. Bởi, bà không đi theo một hình mẫu lãnh đạo nào.

Bà bảo, mình may mắn vì được gặp gỡ nhiều người và học hỏi từ những người lớn nhất, vĩ đại nhất đến những người nông dân, người yếu thế nhất trong xã hội. Mỗi người đều cho bà một góc riêng để thấm hiểu và học hỏi.

Bài học từ người nông dân là sự bền bỉ. Hâm mộ Elon Musk để học sự sáng tạo, kiên định với mục tiêu mình đề ra, cho dù ai nói gì. Bài học từ các bạn trẻ 9x là những người đầy nhiệt huyết, đầy sáng tạo.

Tất cả những điều đó tạo nên phong cách của CEO Nguyễn Trà My, với sự linh hoạt, thấu cảm, nhưng vẫn kỷ luật, kiên định với mục tiêu mình đề ra, chính trực, trắc ẩn với người yếu thế.

Cuối cùng, khi nhìn thấy bà xuất hiện ở bất cứ đâu, trên cương vị nào, ăn vận ra sao, nói chuyện gì…, thì ẩn ý của bà luôn toát lên vẻ khí chất. Bà muốn mọi người xung quanh hiểu rằng, làm gì thì đích đến cũng phải ở mức cao nhất. Khi đã ở vị thế số một, thì đương nhiên sẽ hút được những đối tác giỏi nhất trên thế giới.

Có thể đó là lý do PAN đã vượt qua được những thời khắc khó khăn nhất để thăng hoa trong ngành nông nghiệp nhiều bão giông...

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-nguyen-tra-my-tong-giam-doc-tap-doan-pan-nuoi-duong-the-gioi-nho-lam-nong-nghiep-sanh-dieu-d242615.html