Doanh nhân phải có khát vọng làm giàu
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề 'Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình' do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 5/10, tại Đà Nẵng.
Cần có khát vọng làm giàu chính đáng
Hiện cả nước có trên 715.000 DN hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh; số lượng doanh nhân khoảng 5-7 triệu người. Khu vực DN dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động.
Trong đó, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế. Từ 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng, chiếm 43,3% năm 2018; trong khi tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước giảm dần; của khu vực FDI cơ bản giữ nguyên.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hiện thực khát vọng hùng cường vào năm 2045; trong giai đoạn 2021- 2030 yêu cầu phải tiếp tục thực hiện tốt các đột phá chiến lược. Đồng thời, tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng để huy động nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Tuy nhiên, những mục tiêu, khát vọng phát triển sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu đi sự vào cuộc của DN, doanh nhân. Bởi sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì DN, doanh nhân là lực lượng chủ công. DN là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các DN, doanh nhân Việt Nam không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.
Theo đó, doanh nhân cần tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm và tiếp thu những thành tựu của nhân loại để phát triển DN. Từ khát vọng làm giàu, sẽ thôi thúc DN, doanh nhân tìm kiếm mọi cơ hội để đầu tư, sản xuất ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần tăng hiệu quả, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Muốn vậy, các DN phải tập trung, nỗ lực tái cấu trúc DN, tái cấu trúc sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh trên cơ sở nhu cầu của thị trường, lấy thị trường khu vực, quốc tế làm mục tiêu tái cấu trúc, đồng thời coi trọng thị trường trong nước; tái cấu trúc đầu tư; quản trị DN; nguồn nhân lực…
Đặc biệt, DN phải phát triển bền vững, phải quốc tế hóa và số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này, bất kể DN thuộc quy mô lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ. DN nhỏ mà kinh doanh bền vững sẽ thành công, DN lớn mà ăn xổi, ở thì sẽ thất bại.
Chủ động thay đổi tư duy phát triển
Đồng quan điểm, PGS.TS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho biết, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới với những thay đổi phi thường, trong đó có công cuộc chuyển đổi số rộng khắp trên mọi lĩnh vực và ở mọi quốc gia đóng vai trò nền tảng và là động lực chủ đạo.
Trong bối cảnh đó, DN muốn phát triển không còn cách nào khác, phải nâng tầm tư duy chiến lược; đặc biệt phải xác định ra tầm nhìn và định vị chiến lược cho mình trong hành trình phát triển phía trước. Bởi khả năng cạnh tranh và phát triển của DN phụ thuộc không chỉ vào nguồn lực hiện có, quan trọng hơn là vào tầm nhìn định vị chiến lược của bản thân DN. Sức mạnh này có thể tăng lên gấp bội và bền vững hơn nhiều nếu tầm nhìn có sức hút cao và định vị chiến lược có sự kết hợp thông tuệ giữa năng lực cốt lõi với xu thế thời đại.
Cùng đó, DN kiến tạo giá trị cần là mục tiêu cốt lõi và là tiêu chí chủ đạo; hiểu rõ trở ngại chính yếu trong nỗ lực đi tới tầm nhìn chiến lược và phương cách vượt qua nó; coi trọng học hỏi, tương tác và phát triển hệ sinh thái…
Cũng cho rằng DN cần phải thay đổi để bắt kịp với xu thế phát triển mới, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho rằng, ngay cả các tập đoàn đa quốc gia, với bề dày trăm năm cũng phải thay đổi hàng ngày để “khổng lồ hơn”.
Vì vậy, DN trong nước cần tăng tốc để thích ứng kịp với xu hướng thời đại, nhưng đổi mới sáng tạo phải dựa trên nền tảng cơ bản, định hướng của mỗi DN để phát triển bền vững. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, trong khi DN Việt Nam thì lại đang tụt ở phía sau, cách khá xa so với thế giới, để có thể phát triển bền vững, cách đi nhanh nhất đối với DN Việt là đi cùng với những người bạn lớn...
Trong khi ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup cho rằng, nếu có thể khơi dậy cho thế hệ trẻ tinh thần khởi nghiệp, những ý chí khát khao chiến đấu thực sự giống như thời chiến thì Việt Nam sẽ tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn.
“Chúng ta đang có một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Nếu ngày trước tài sản của DN là đất đai, nhà xưởng thì hôm nay tài sản của DN là trí tuệ, con người. Cần giáo dục tinh thần yêu nước, ước mơ, hoài bão cũng như làn sóng công nghệ 4.0 hay xu hướng toàn cầu hóa cho giới trẻ, cho DN trẻ”, ông Thủy nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, ông đề nghị Chính phủ cần có những hành động cụ thể và mạnh mẽ để tạo ra hành lang pháp lý thật tốt nhằm nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp này. Làm sao để kết nối được các lớp DN đi trước với DN đi sau để giảm bớt thất bại trong khởi nghiệp, đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp, qua đó thay đổi vị thế của Việt Nam trên toàn thế giới.
Ghi nhận các ý kiến của các doanh nhân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, để DN, doanh nhân Việt Nam khẳng định và phát huy tối đa vai trò của mình, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho DN.
“Những nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện chính là điều kiện, là môi trường thuận lợi cho DN hoạt động. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho DN”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/doanh-nhan-phai-co-khat-vong-lam-giau-93059.html