Doanh nhân trẻ luôn khao khát góp sức cho TP.HCM phát triển
Nhân kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước, nhiều doanh nhân trẻ TP.HCM đã chia sẻ khát vọng và mong TP.HCM có các cơ chế để lớp trẻ góp sức vào sự phát triển.
Tại buổi họp mặt 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 28-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định nguồn lực nội tại của TP là lực lượng lao động dồi dào, đội ngũ doanh nhân, trí thức năng động, sáng tạo, vừa có tâm vừa có tầm; đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là thế hệ trẻ tài năng, nhiệt huyết, luôn sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của TP.
“Đây chính là động lực to lớn của TP.HCM trong chặng đường phát triển sắp tới” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Mong được chính quyền phục vụ trên tinh thần đúng pháp luật
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM, cho biết ông may mắn được sinh ra vào tháng 4-1975, là thời khắc lịch sử có ý nghĩa rất lớn.
“Tôi đã sinh ra, lớn lên khi mà đất nước đã được độc lập, hòa bình; được thừa hưởng công cuộc đổi mới để phát triển kinh tế. Đó là sự may mắn nhưng cũng là trách nhiệm của chúng tôi, là giữ vững định hướng, con đường, sự thành công, nỗ lực của bao thế hệ đã ngã xuống” – ông Trường nói.
Theo ông Trường, đất nước đã giành độc lập, chủ quyền về lãnh thổ nhưng phải ‘độc lập, chủ quyền cả về kinh tế’. Ông giải thích: “Chúng ta phải có thế mạnh về kinh tế, có sức cạnh tranh, tham gia cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc, có thế mới xứng đáng với thế hệ đi trước”.
Ông cho rằng, năm 2021 là thời kỳ kinh tế của đất nước phát triển, vị thế của Việt Nam đang tăng dần trên trường quốc tế. Tại TP.HCM, một số doanh nghiệp trong Hội doanh nhân trẻ TP đã cạnh tranh ngang hàng với các tập đoàn nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khát vọng của doanh nhân trẻ hiện nay là phải ra khỏi biên giới Việt Nam và cạnh tranh với các nước khác ở bên ngoài.
Điều may mắn hiện nay, đội ngũ doanh nhân trẻ luôn đặt chữ 'dấn thân’ lên đầu, dấn thân để phát triển, khơi dậy tinh thần cùng nhau đóng góp cho sự phát triển TP; hệt như các bậc cha ông đã dấn thân vì sự nghiệp hòa bình, độc lập của dân tộc.
Trong thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp trẻ đã mạnh mẽ, làm nhiều hơn nữa, để quay trở lại thời kỳ phát triển như lúc đầu, đóng góp cho TP.
Nói về chủ đề năm 2021 của TP.HCM là ‘Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư’, ông Phạm Phú Trường nhìn nhận TP đã có những cải thiện nhất định về môi trường đầu tư.
Tuy nhiên ông cho rằng vẫn còn vướng mắc về cơ chế thu hút đầu tư, giải quyết các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn tinh thần phục vụ doanh nghiệp của chính quyền phải hướng đến mục tiêu giúp cho doanh nghiệp thành công nhưng phải đúng pháp luật” – ông nói.
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM đề nghị được tham gia nhiều hơn vào quá trình góp ý cho các chủ trương, chính sách giúp cho sự phát triển của TP.
“Hãy tin người trẻ và hãy để người trẻ tham gia vào quá trình vận hành, phát triển của TP. Dĩ nhiên chúng tôi cũng phải làm sao để xứng đáng với việc đó, chúng tôi cũng có nghiên cứu, kinh nghiệm. Bởi hiện nay đội ngũ doanh nhân trẻ đều là những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, có nghiên cứu khoa học; nhiều người học từ nước ngoài trở về…” – ông Phạm Phú Trường khẳng định.
Cần có chính sách kéo người trẻ tử nước ngoài trở về
Là một công dân trẻ của TP.HCM, bà Trần Ngọc Phương Thảo, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), khẳng định may mắn lớn nhất của bà là được chăm sóc, nuôi dưỡng khi đất nước đã hòa bình.
“Những năm đó tôi được sống, học tập trong môi trường Đội thiếu niên tiền phong, được giáo dục truyền thống cách mạng. Đến khi ra nước ngoài du học thì tình cảm đó vẫn luôn ở trong tim. Dù được học tập và làm việc ở bốn quốc gia: New Zealand, Anh, Mỹ, Úc nhưng đối với tôi, Việt Nam luôn là quê hương, TP.HCM luôn là nhà” – bà chia sẻ.
Theo bà Thảo, mong ước lớn của bà làm sao cho thế hệ trẻ hơn cũng sẽ luôn xem Việt Nam là quê hương, TP.HCM là nhà; xem truyền thống cách mạng oai hùng của dân tộc là niềm tự hào to lớn. Đó sẽ là hành trang giúp các em bước ra năm châu và giao lưu với bạn bè thế giới.
Bà cho rằng, thực tế hiện nay có nhiều trẻ em đang theo học mô hình giáo dục ở các ngôi trường quốc tế. Những trẻ em này rồi sẽ rất sớm rời quê hương đi học tập ở nước ngoài.
“Vì vậy, rất mong lãnh đạo TP có sự quan tâm, thu hút chât xám của người trẻ quay trở về TP.HCM. Mà việc này phải bắt đầu ngay từ khi các em ở độ tuổi tiểu học, để khi các em ra đi, dù tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau thì vẫn luôn là con em của TP” – bà Thảo đề nghị.
Thu hút nhân tài bằng việc cấp nhà ở, giảm thuế….
Đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, bà Tiêu Yến Trinh, Phó Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM, cho rằng để xây dựng các ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM thì cần có chiến lược nguồn nhân lực rõ ràng, đúng định hướng, mục tiêu.
Bà Trinh nhìn nhận, TP.HCM cần xây dựng nguồn nhân lực dồi dào để cung cấp cho các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế mũi nhọn này.
Đồng thời, cần kết nối giữa hệ thống giáo dục của các trường đại học, trung tâm dạy nghề, hiệp hội doanh nhân với nguồn lực của các doanh nghiệp nhằm đưa ra các hệ thống, phương pháp đào tạo thực tế hơn.
Trong xây dựng chiến lực phát triển nguồn nhân lực của TP, bà Tiêu Yến Trinh cũng đề xuất nên phát triển trực tiếp các nguồn nhân lực hiện có của TP; thu hút người tài và chuyên gia từ nước ngoài và từ nơi khác về làm việc cho TP; mượn chất xám là thuê tư vấn, chuyên gia….
“Tôi cũng mong TP thu hút nhân tài bằng việc tạo ra các sinh thái xã hội, cung cấp nhà ở, giảm thuế đặc biệt. Tạo cơ hội cho người tài ở nơi khác được đảm nhiệm những dự án mà họ cảm thấy tự hào, khao khát” – bà Trinh nói.