Doanh nhân trẻ 'mê đá, yêu cây', quyết xây kì quan ở TP Hòa Bình
Tôi chỉ có một mong muốn, là khu vườn hoa cây cảnh này sẽ giúp mọi người có nơi tham quan, vui chơi, doanh nhân Phạm Văn Út chia sẻ.
Tuổi thơ nhọc nhằn, chắp cánh ước mơ
Ngay giữa trung tâm TP Hòa Bình, nằm cạnh dòng Đà Giang chảy miết, ít ai ngờ lại có một khu vườn “kì thú” với hàng trăm khối đá đồ sộ, huyền ảo, hàng nghìn loại cây, loài hoa thi nhau khoe sắc… Tựa như chốn “bồng lai tiên cảnh” giữa phố thị tấp nập lại qua.
Nơi đó chính là tâm huyết, là tuổi thơ, là khát khao cháy bỏng của doanh nhân trẻ Phạm Văn Út – Giám đốc công ty CP Thanh Út (TP Hòa Bình), người được ví như “gã gàn” của đại ngàn Tây Bắc.
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, ngay từ nhỏ, Gã đã sớm “bén duyên” với núi rừng. Nhà nghèo, để có cái ăn, gã phải theo mẹ và anh chị lên rừng bẫy thú, đào củ sắn, củ mài, hái lá thuốc đem bán.
Mỗi lần đi rừng, gã bị thu hút bởi những khối đá đồ sộ, hình dáng kì quái, những cây rừng mang dáng dấp độc đáo… ấn tượng đó dần ăn vào máu, khiến gã mê mẩn và yêu chúng lúc nào không hay.
Hễ gặp viên đá đẹp, cái cây lạ, gã phải mang về nhà bằng được. Gã sưu tầm nhiều đến nỗi gia đình gã thấy vướng víu quá đem lén vứt bỏ, gã khóc cả ngày không chịu ăn cơm…tình yêu của gã với cây, với đá, với hoa cứ lớn dần theo năm tháng như vậy.
Gã kể, có lần lên núi đốt củi khô để lấy than đem bán, lúc nghỉ ngơi bên suối, gã phát hiện một khối đá chừng dăm cân, óng ánh đẹp lạ kì, gã mê quá lội ngay xuống lấy thì không may trượt chân, ngã trật khớp. Dù rất đau, sức lại yếu, gã vẫn quyết bê khối đá đó về nhà. Mọi người thấy gã tập tễnh, bê viên đá nặng xù xì về thì vừa thương, vừa buồn cười cho cái tính lì lợm, chẳng giống ai của gã.
Rời ghế nhà trường, gã xin đi làm cho nhiều công ty nhiều ngành nghề khác nhau để mưu sinh. Với ký ức tuổi thơ và tình yêu thiên nhiên đã hằn sâu. Sau nhiều năm bôn ba, gã tự lập công ty riêng cho mình, lấy tên là Công ty CP Thanh Út – chuyên kinh doanh, thiết kế, thi công công trình vườn hoa và cây cảnh cho đối tác khắp mọi miền đất nước.
Gã bảo, bản thân có máu văn nghệ sỹ, nên đã dành nhiều thời gian đi nhiều nơi trong và ngoài nước, hễ tới đâu, gặp cây lạ, đá đẹp là phải bỏ tiền mua về bằng được. Đến nỗi, nhiều lúc trong người không có nổi 1 xu, gã phải chạy vạy, mượn tiền bạn bè, gia đình để mua cây, tậu đá cho bằng được, miễn sao là thỏa cái đam mê tột độ của gã.
Gã mong ước sẽ xây dựng được một khu du lịch, vườn hoa cây cảnh với đầy đủ các thể loại cho mọi người cùng được chiêm ngưỡng, thưởng thức cái đẹp. Với đủ 4 tiêu chí thạch, mộc, ngư, cầm (đá, cây, cá, chim)
Gã “gàn” bỏ tiền tỉ, quyết chí dựng “kì quan”
Nghĩ là làm, năm 2009, gã thuê một khu đất rộng 1,8 ha để thực hiện dự án Khu du lịch dịch vụ - Vườn hoa cây cảnh ngay giữa TP Hòa Bình, với quyết tâm tạo ra một khu vui chơi, một điểm nhấn cho TP. Đặc biệt, sẽ biến nó thành “lá phổi xanh” cho TP Hòa Bình.
Thấm thoắt gần chục năm, doanh nhân Phạm Văn Út đã biến một khu đất trũng ao rộng hồ sâu thuộc khu lò gạch cũ toàn lau sậy, bụi rậm thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) thành một khuôn viên vui chơi độc đáo ngay giữa lòng TP, một điểm đến lí thú, ít nơi nào có được.
Lần theo bước chân gã, khám phá khu vườn, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi sự kì vĩ của nó, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những khối đá hàng trăm tấn, mang đủ hình dáng lạ kì, cuốn hút, được hàng ngàn loài hoa, cây cảnh tô điểm xung quanh… Thực là chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian, xứng đáng là “kì quan” ở TP Hòa Bình.
“Để có được những cây “kì mộc” nhiều như thế, mình phải lùng sục khắp các tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum…thậm chí sang cả nước bạn như Lào, Cam Pu Chia, Trung Quốc, Nhật Bản... để thăm dò và gạ mua. Những loài kì mộc này không phải có tiền là mua được, mà còn phụ thuộc cơ duyên, có những cây mình trả cả trăm triệu họ không bán, nhưng khi hiểu và chung đam mê thì chỉ mất có con gà, can rượu…”, gã cười hóm hỉnh nói.
Trong số những “bảo bối” tại khu vườn, gã tâm đắc nhất là những “cụ Duối” có tuổi đời trên 500 năm, và hệ thống cây cổ Bonsai, đặc biệt nhất là những khối đá lấp lánh toàn vàng cám, vô cùng giá trị, là niềm tự hào của gã, vì theo gã thì hiếm nơi nào có được.
“Trong những lần thi công dự án quần thể hang động trên vùng lòng hồ Hòa Bình, mình bị thu hút bởi những khối đá xù xì, óng ánh, dáng dấp kì lạ. Mình cùng công nhân xuống xem rồi khuân về khu vườn, sau khi lấy mẫu mang giám định thì phát hiện chúng chứa rất nhiều vàng cám, về sau thăm dò mới biết, thời điểm xây dựng đập thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô đã vứt bỏ chúng lại, như là cái duyên cho mình gặp gỡ chúng vậy, có người đã trả giá cả trăm triệu nhưng mình không nghĩ tới chuyện bán” gã hào hứng kể.
Gã bảo, để xây dựng được quần thể kiến trúc khu vườn như hiện nay, là biết bao công sức, nhiệt huyết, là mồ hôi, nước mắt… của hàng trăm con người, ròng rã cả chục năm trời. Từng viên đá, hòn sỏi, gắn trên đường đi, là sự tỉ mỉ, khéo léo của bà con, là tâm huyết, ước mong của riêng bản thân gã.
Đa phần, nhân công tham gia xây dựng công trình này đều là con em dân tộc, có cả những phạm nhân đang trong thời gian cải tạo cũng tham gia góp sức. Dưới ý tưởng và sự hướng dẫn của doanh nhân Phạm Văn Út, tất cả đã giúp nơi đây trở thành điểm nhấn cho TP Hòa Bình, một “lá phổi xanh” giữa lòng TP.
“Lúc bắt tay vào làm, chẳng có ai ủng hộ, thậm chí có người còn nói mình hâm, đổ tiền vô ích vào cái nơi “khỉ ho, cò gáy”. Gia đình, bè bạn ra sức khuyên can, nhưng mình đều bỏ ngoài tai, quyết tâm làm bằng được. Bởi thế, mình mới mang luôn cái biệt danh là kẻ “gàn” nhất Hòa Bình”, gã cười vui tâm sự.
Năm 2019, khu du lịch và dịch vụ và vườn hoa cây cảnh, do công ty CP Thanh Út làm chủ đầu tư phải tạm dừng thi công vì nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nhưng bằng cả trái tim và lòng nhiệt huyết, doanh nhân Phạm Văn Út vẫn mong muốn, quyết tâm hoàn thành công trình này không chỉ cho riêng mình, mà vì cho tất cả mọi người…để lại cho TP Hòa Bình một công trình độc đáo, khác lạ.
Đến nay, Khu du lịch và dịch vụ, vườn hoa cây cảnh của doanh nhân Phạm Văn Út đang hiện hữu, chuẩn bị hoàn thành đưa vào sử dụng cho du khách, nhất là các em học sinh, sinh viên có không gian vui chơi, thư giãn, tĩnh tâm thiền định năng lượng. Đặc biệt, chủ sở hữu muốn đây là nơi để các em nhỏ hiểu thêm về thiên nhiên, các giá trị lịch sử, từ đó có ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã, thêm yêu quê hương đất nước.
“Tôi chỉ có một mong muốn tột độ, là khi hoàn thành khu vườn hoa cây cảnh này, mọi người sẽ có nơi tham quan, vui chơi. Từng khối đá, bông hoa, hàng cây đều gắn biển tên để trẻ nhỏ nhận biết, có thêm kiến thức về thiên nhiên kì thú, tự hào về quê hương Hòa Bình nói riêng và đất nước nói chung…”, gã bồi hồi nói.
Đối với doanh nhân Phạm Văn Út, việc đầu tư hàng chục tỷ đồng cho khu du lịch và dịch vụ, vườn hoa cây cảnh này không còn đơn thuần là giá trị kinh tế, mà nó mang ý nghĩa, tâm huyết của cả một đời người, là đứa con tinh thần lớn lao của vị doanh nhân trẻ tuổi này.
“Nếu nói về giá trị, khu du lịch này có thể lên tới cả trăm tỉ đồng, nhưng mình muốn hoàn thành nó không phải vì vấn đề tạo ra giá trị tiền bạc nữa, mà là muốn tạo một giá trị nào đó cho cộng đồng, xã hội nói chung, đồng thời là thỏa mãn đam mê của bản thân nói riêng, hoàn thành ước mơ cháy bỏng bấy lâu nay. Bản thân mình rất mong được mọi người ủng hộ, nhất là chính quyền quan tâm tạo điều kiện để sớm đưa khu du lịch và dịch vụ, vườn hoa cây cảnh này sớm hoàn thành đi vào hoạt động, phục vụ du khách”, doanh nhân Phạm Văn Út chia sẻ.