Doanh nhân trẻ phải là người tử tế, có khát vọng
Ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam khóa II, cho rằng, doanh nhân trẻ có vai trò quan trọng góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh trong giai đoạn tới. Để thực hiện vai trò này, doanh nhân trẻ Việt Nam trước tiên phải là người tử tế, tiếp đến là phải có khát vọng.
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức Tọa đàm "Thay đổi và bất biến" (changed vs Unchanged).
Dự chương trình có ông Hoàng Bình Quân - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư, Chủ tịch Danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; anh Nguyễn Kim Quy - Trưởng Ban đoàn Kết Tập hợp Thanh niên T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam; bà Deborah Melissa Bottreau - Chủ tịch Thứ nhất Liên minh các Hiệp hội Doanh nhân trẻ quốc tế (IAYEA), Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ ASEAN (AYEC), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Malaysia; ông Rommel Gerodias - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ châu Á – Thái Bình Dương (YEGAP).
Cùng đại diện các Hội Doanh nhân trẻ Brunei, Campuchia, Lào Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc – ASEAN, Hội Doanh nhân trẻ tại Sydney (Australia), đại diện Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, các Đại sứ quán, các đại biểu doanh nhân trẻ quốc tế, các đại biểu thuộc các hội doanh nhân trẻ trên toàn quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, anh Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết qua 30 năm hình thành và phát triển, cùng với sự phát triển của đất nước, Hội Doanh nhân Việt Nam đã ngày một trưởng thành và lớn mạnh, từng bước chủ động xác lập vị trí của mình trong nền kinh tế, khẳng định sự phát triển bền vững, hội tụ nhân tài, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Anh Hồng Anh nhấn mạnh: "Tọa đàm "Thay đổi - Bất biến" sẽ giúp chúng ta nhận định rõ hơn về việc vì sao mỗi doanh nhân trong thời đại hôm nay cần phải thay đổi, nếu thay đổi thì những thay đổi đó là gì? Khó khăn của việc thay đổi đó sẽ là thế nào? Trong những thay đổi đó, những giá trị nào cần được giữ gìn, phát huy để biến nó trở thành sức mạnh của chúng ta trong chặng đường sắp tới?".
Hành trình 10 năm, 20 năm hay 30 năm tiếp nữa, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nói riêng, cộng đồng doanh nhân trẻ nói chung chúng ta sẽ là ai; chúng ta sẽ ở đâu trong thế giới này? Anh Hồng Anh đặt câu hỏi và mong muốn tại tọa đàm hôm nay sẽ có được câu trả lời chuẩn xác, đem lại nhiều giá trị tích cực cho mỗi doanh nhân trẻ.
Tự hào nhìn lại
Phiên đầu tiên với chủ đề "Tuổi 30 - Tự hào nhìn lại", có sự tham gia trao đổi của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam các thời kỳ: ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam khóa I; ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam khóa II; ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội DNT Việt Nam khóa III; ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội DNT Việt Nam khóa IV; ông Bùi Văn Quân - Chủ tịch Hội DNT Việt Nam khóa V; anh Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội DNT Việt Nam khóa VI, VII.
Các khách mời đã cùng ôn lại những câu chuyện, dấu ấn trong nhiệm kỳ hoạt động gắn với việc xây dựng tổ chức Hội phát triển, và có những doanh nghiệp thương hiệu quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới. Đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nâng tầm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của các thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam.
Trao đổi tại phiên thảo luận, anh Đặng Hồng Anh cho biết, rất áp lực khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khi Chủ tịch các thế hệ trước đều là những doanh nhân nổi tiếng, có sức ảnh hưởng và đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của tổ chức Hội, phong trào doanh nhân trẻ. "Tôi đã tự hỏi mình là thế hệ F2 thì sẽ làm thế nào đây. Nhưng từ góc độ người trẻ, nhiệt huyết và máu lửa, lại xuất thân là một vận động viên nên đã không ngại thử thách, dấn thân vào làm", anh Hồng Anh nói.
Anh Hồng Anh cho biết thêm, từ truyền thống của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và thông điệp của thế hệ đi trước, các thành viên Thường trực Đoàn Chủ tịch T.Ư Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đều cố gắng nhìn nhận để thay đổi những bất cập, tiếp tục phát triển quyết liệt hơn, sáng tạo hơn những điều tích cực.
Đến nay, tổ chức Hội liên tục tăng số lượng hội viên; các hoạt động đối thoại chính sách, xúc tiến thương mại... đều được đẩy mạnh. Chỉ tính riêng năm nay, đến tháng 12, T.Ư Hội và câu lạc bộ có gần 3.000 hoạt động. Đặc biệt, là các hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thiện nguyện được đẩy mạnh đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về doanh nhân trẻ Việt Nam "không phải là nô lệ của đồng tiền mà còn có trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng".
Ông Võ Quốc Thắng chia sẻ: "Tôi lớn lên từ phong trào, học được nhiều điều từ anh chị em, để điều chỉnh trong công việc, cuộc sống. Làm sao cống hiến nhiều cho Tổ quốc. Ai cũng có chí hướng để làm sao phát triển cống hiến, người giàu nhất là người có nhiều người yêu thương nhất. Các doanh nhân trẻ làm được nhiều điều, thấy cảm phục, nhiều chương trình xây dựng F2 giao lưu với nhau, không chỉ trong nước, quốc tế, thông tin toàn cầu, hoạt động xã hội và phong trào thể thao. Rút ra bài học hướng tới tương lai. Lúc nào cũng vui, khó thì cùng chia sẻ, cuộc đời tôi không giận ai cả. Mong các bạn trẻ tham gia hội có được nhiều người bạn tốt để học hỏi, giảm thiểu rủi ro."
Tử tế và khát vọng
Cùng trao đổi tại phiên thảo luận, ông Phương Hữu Việt cho rằng, doanh nhân trẻ có vai trò quan trọng góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh trong giai đoạn tới. Để thực hiện vai trò này, doanh nhân trẻ Việt Nam trước tiên phải là người tử tế. Tiếp đến là phải có khát vọng mà khát vọng đó cần trở thành khát khao từng ngày, từng giờ làm việc để tận dụng được các thời cơ thuận lợi để đưa Việt Nam vươn ra toàn cầu; để có những lĩnh vực, sản phẩm và liên quan chuỗi sản phẩm ở tốp 1 ở Việt Nam, Đông Nam Á và có những lĩnh vực vươn tầm thế giới.
Theo ông Việt, doanh nhân trẻ cần tận dụng các thời cơ, kết nối thông với doanh nghiệp các nước, doanh nhân trẻ Việt Nam ở nước ngoài để có những lĩnh vực, sản phẩm và liên quan chuỗi sản phẩm ở Top 1 tại Việt Nam, Đông Nam Á và có những lĩnh vực có thể vươn tầm thế giới.
"Tôi đã chứng kiến nhiều gương doanh nhân trẻ, người Việt trẻ ở trong và ngoài nước đều có khả năng nhất định để tiến sâu vào lĩnh vực thế giới đang cần, đang là mặt mạnh của người Việt Nam, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Tôi rất mong anh em doanh nhân trẻ hiện nay cùng truyền cảm hứng, khát khao cùng 63 tỉnh thành, 19 nghìn hội viên đến các hội viên, người Việt Nam nữa để 2045 Việt Nam hùng cường, có thu nhập kinh tế cao, có doanh nhân doanh nghiệp tầm khu vực thế giới; có những chuỗi sản phẩm tạo nên để Việt Nam tỏa sáng", ông Việt bày tỏ.
Thay đổi tâm thức bước ra biển lớn
Ông Mai Hữu Tín cho rằng, Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á, có mô hình doanh nhân trẻ được tổ chức xuyên suốt và tập trung từ trung ương đến các tỉnh thành trên cả nước. Điều này tạo lực rất lớn để doanh nhân trẻ tham gia góp tiếng nói vào hình thành chính sách, vào các vấn đề lớn của đất nước; giúp các bạn trẻ ở địa phương khởi nghiệp có nơi nương tựa. "Chúng ta đang có tổ chức đẹp, có khả năng làm điều lớn hơn cho tương lai", ông Tín nói.
Theo ông Tín, trước đây, doanh nhân trẻ Việt Nam đi ra ngoài với tâm thức để học hỏi, thu lượm từ những quan hệ bên ngoài. Nhưng đến nay, doanh nhân trẻ Việt Nam đã tiến được một bước dài, nâng được vai từ người chỉ biết học để tham gia vào cuộc chơi và bắt đầu có khuynh hướng vận động hình thành chính sách chung trên quy mô khu vực và toàn cầu với tư cách đối tác "đồng vai phải lứa" và có tiếng nói quan trọng, chứ không đơn giản đi học nữa.
"Nếu đi ra ngoài với tư cách đi học thì tự nhận là học trò, nhưng với tâm thức là người đóng góp, cùng dựng xây, cùng dẫn dắt cuộc chơi thì tâm thức ở tầm cao hơn, là cơ sở để chúng ta làm điều to lớn hơn, không còn giới hạn về tư tưởng nữa", ông Tín nói.
Ông Tín nhấn mạnh, khi đã hội nhập tốt, chúng ta bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ chung và mang lại giá trị chung. Ngôn ngữ chung đó không phải là tiếng Anh, tiếng Trung... mà là sự nhập cuộc cùng một cuộc chơi, cách ứng xử, thực hiện điều thế giới mong muốn. "Doanh nhân trẻ Việt Nam cần tham gia, dẫn dắt cuộc chơi chung", ông Tín nói.