Doanh nhân vượt khó

Dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi liên kết tiêu thụ toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng. Thế nhưng, với bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo, bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, chèo lái 'con thuyền' doanh nghiệp vượt bão. Đây thực sự là 'lửa thử vàng', giúp các doanh nhân vững vàng hơn trước những khó khăn, đồng hành cùng tỉnh xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Hơn 30 năm lưu giữ “hồn Việt”

“Nụ cười của người phụ nữ tạo cảm hứng cho tôi thiết kế những bộ áo dài đẹp. Sự hài lòng của khách chính là thành công của tôi”. Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Quỳnh Lan, chủ cửa hàng áo dài Tâm Lan, tổ 7, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Lan (bên trái) luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạnđể cho ra đời những chiếc áo dài đẹp.

Đang công tác tại Hạt Kiểm lâm thị xã Tuyên Quang, chị Lan quyết định “rẽ lối” về làm thợ may. Khi hỏi về điều này, chị Lan chia sẻ: “Nhà chồng lúc ấy làm nghề may, từ mẹ chồng đến các anh chị em chồng ai cũng tâm huyết với nghề này. Rồi mọi người thay nhau truyền dạy cho mình từng đường kim, mũi chỉ, cách đo, cắt, may quần áo. Dần dà mình biết làm nghề, yêu nghề và say nghề này từ lúc nào không hay”. Năm 1988, tiệm áo dài Tâm Lan chính thức ra đời. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, từ một cửa hiệu nhỏ, tới nay đã là một cửa hàng thời trang áo dài bề thế, có tiếng ở thành phố. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với từng đối tượng, năm 2007 chị mở thêm cửa hàng chuyên bán comple nam. Cửa hàng của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động nữ với mức lương từ 4,5 đến 8 triệu đồng/tháng.

Chị Lan cho biết, thời trang áo dài rất khó tính bởi các công đoạn may đều phải làm thủ công kèm theo đó là sự sáng tạo, phù hợp với xu thế thời đại. Khi nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng, đòi hỏi chủ cửa hàng luôn phải cập nhật xu hướng ưa thích của khách. Để làm ra những bộ áo dài đẹp, chất lượng, giá cả phù hợp, chị theo học thiết kế thời trang áo dài của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước; đặt hàng trực tiếp làng nghề thêu tay, làm đại lý các hãng vải nổi tiếng như Thái Tuấn, Sen Việt.

Kinh nghiệm chị Lan rút ra là mỗi khi nhận đơn hàng nào từ khách, không chỉ cẩn thận với từng số đo chị còn quan sát thật kỹ dáng từng người để thiết kế sao cho “che” được nhược điểm, tôn lên vẻ đẹp của khách hàng. Đồng thời, có trách nhiệm tới cùng sản phẩm của mình làm ra. Khách hàng may áo dài cửa hàng sẽ được sửa chữa miễn phí phù hợp với sự thay đổi vóc dáng của khách. Đó là cách chị tích lũy kinh nghiệm và tạo nên “thương hiệu” của “Áo dài Tâm Lan” trong hơn 30 năm qua. Có lẽ nhờ vậy mà cửa hàng của chị luôn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của khách hàng.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cửa hàng, doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, cửa hàng áo dài Tâm Lan không là ngoại lệ. Trước tình hình đó, cửa hàng chuyển hướng may sẵn áo dài, hạ giá sản phẩm để giữ chân khách hàng, đảm bảo việc làm cho nhân viên. Theo chị Lan, doanh thu cửa hàng có thể giảm, nhưng lương cho nhân viên phải đảm bảo. Chữ “Tâm” chính là “kim chỉ nam” giúp chị chèo lái cửa hàng vững vàng vượt qua đại dịch.

Dù bận rộn với công việc, song chị Lan rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội thiện nguyện. Chị hiện là thành viên Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân phường Tân Quang, Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân tỉnh. Trong nhiều năm qua, chị cùng các thành viên trong các câu lạc bộ đi trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó và bệnh nhân nghèo ở các địa phương trong địa bàn tỉnh.

Bàn Thanh

Vững tay chèo đưa doanh nghiệp phát triển

Công ty TNHH Thành Long (Sơn Dương) được thành lập năm 2001. Công ty chuyên sản xuất chè xuất khẩu với dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Trung Đông.

Sản phẩm Trà Thành Long của Công ty TNHH Thành Long được bày bán tại các siêu thị trong nước.

Sản phẩm Trà Thành Long của Công ty TNHH Thành Long được bày bán tại các siêu thị trong nước.

Bên cạnh mũi nhọn là sản xuất chè, Công ty còn tiên phong trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, dịch vụ siêu thị, khách sạn... Với sự đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề, Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 110 lao động. Năm 2020, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu chè truyền thống như Pakistan, Afghanistan bị “đóng băng”, nhiều đối tác tạm hoãn các hợp đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng xoay vòng vốn của đơn vị. Tổng giá trị thiệt hại ước tính do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho Công ty khoảng hơn 7 tỷ đồng.

Doanh nhân Nguyễn Trác Long cho biết, để có thể duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho công nhân, đơn vị đã chủ động chuyển hướng sản xuất đa dạng hóa ngành nghề. Công ty đã tập trung đầu tư vào các ngành nghề không bị ảnh hưởng nhiều là xây dựng cơ bản, tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai; lĩnh vực dịch vụ siêu thị cung cấp thêm các mặt hàng nhu yếu phẩm cho nhân dân trong huyện. Đối với sản xuất chè, sau 2 tháng (tháng 3 và tháng 4) Công ty tạm dừng hoạt động. Từ tháng 5-2020 khi nước ta đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, Công ty tiếp tục hoạt động trở lại và xuất khẩu chè cho các đối tác cũ, đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác mới để đảm bảo hoạt động sản xuất. Cũng từ khó khăn đó mà Công ty đã tìm kiếm được những cơ hội mới. Công ty mở rộng thị trường tiêu thụ chè ở thị trường nội địa, sang các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh... Vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty được đẩy mạnh. Đến hết tháng 10-2020, doanh thu của Công ty đạt hơn 17 tỷ đồng.

Doanh nhân Nguyễn Trác Long còn sát cánh cùng người dân trong cuộc chiến chống Covid-19, ủng hộ 2.000 chiếc khẩu trang và 20 triệu đồng cho địa phương thực hiện công tác phòng dịch. Ngoài ra, đơn vị tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, đóng góp các quỹ và kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại địa phương tổng giá trị hơn 90 triệu đồng mỗi năm.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Sơn Dương, doanh nhân Nguyễn Trác Long luôn dành tâm huyết xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Long cùng Hội Doanh nghiệp huyện chủ động phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp thủ tục vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, vận động các hội viên tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm giúp nhau như vật liệu xây dựng, xăng dầu, máy móc thi công. Đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã tổ chức lại sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động.

Theo doanh nhân Nguyễn Trác Long, để đứng vững trên thị trường thì ngoài việc đa dạng các loại hình dịch vụ, công ty phải chú trọng chất lượng, uy tín của sản phẩm, dịch vụ. Đó chính là phương châm kinh doanh của công ty và cũng là của cộng đồng doanh nghiệp huyện trong nhiều năm qua, bảo đảm đồng hành cùng địa phương không ngừng phát triển.

Vững tay “chèo lái” đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và cả Hội Doanh nghiệp huyện vượt qua khó khăn, nhiều năm liền, doanh nhân Nguyễn Trác Long đã được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen có thành tích trong hoạt động doanh nghiệp, được công nhận là doanh nhân tiêu biểu năm 2019.

Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/doanh-nhan-vuot-kho-140472.html